03/02/2023 09:17 GMT+7

Gia Lai nỗ lực dạy học trong muôn vàn khó khăn

T.D.V
và 1 tác giả khác

Liên tục trong mấy năm trở lại đây, Gia Lai nổi lên như một tỉnh điểm sáng về các thành tích giáo dục.

Gia Lai nỗ lực dạy học trong muôn vàn khó khăn - Ảnh 1.

Phòng GD-ĐT Chư Sê tổ chức Hội nghị tập huấn công tác quản lý điều hành Tổ chuyên môn trong chuyển đôi số. Ảnh: H.N.

Theo ông Lê Duy Định - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, trước tình thế khó khăn toàn ngành giáo dục tỉnh Gia Lai đã thực hiện đồng loạt các giải pháp, trong đó tập trung sắp xếp lại hệ thống trường lớp, động viên giáo viên dạy nhiều trường khác nhau.

Gia Lai xóa điểm trường nhỏ để giảm tải

Ông Lê Duy Định - giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai, cho rằng trong yêu cầu chung của toàn ngành là nâng cao chất lượng giáo dục, Sở đã thực hiện nhiều giải pháp tình thế lẫn lâu dài để ổn định tổ chức dạy học. Một mặt Sở GD-ĐT xin biên chế của Trung ương, một mặt khác là chỉ đạo các đơn vị nâng sĩ số lớp học lên để đạt mức trần mà Bộ GD-ĐT quy định.

"Khối tiểu học được bố trí tối đa 35 em/lớp, THCS và THPT là 45 em/lớp. Cứ mỗi huyện thực hiện nâng sĩ sỗ lớp lên như vậy giúp giảm hàng trăm biên chế. Chúng tôi cũng tiến hành sắp xếp lại số lượng các điểm trường bởi con số này lâu nay ở Gia Lai rất nhiều gây ra nhiều khó khăn như biên chế, trang thiết bị dạy học, môi trường học tập cho các học sinh, điều kiện làm việc của thầy cô giáo… 

Gia Lai nỗ lực dạy học trong muôn vàn khó khăn - Ảnh 2.

Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai Lê Duy Định phát biểu chỉ đạo tại một hội nghị - Ảnh: H.N.

Ngoài ra các trường có quy mô nhỏ cũng được sáp nhập lại. Nhờ vậy mà áp lực đã giảm đi rất nhiều" - ông Định cho biết.

Ngoài việc sắp xếp trường lớp, để "giải tỏa" tình trạng thiếu giáo viên cục bộ trong lúc chờ được bố trí thêm biên chế mới, vài năm gần đây Sở GD-ĐT Gia Lai cũng thực hiện một số giải pháp thức thời như cho giáo viên đi biệt phái theo định kì, bố trí một giáo viên dạy nhiều trường khác nhau.

Theo ông Lê Duy Định, các giải pháp trên dù không khuyến khích sẽ giúp ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai giải bài toán thiếu giáo viên trước mắt.

"Chia nhóm" để ôn tập giúp học sinh Gia Lai thi tốt

Trong những năm gần đây chất lượng giáo dục mũi nhọn của Gia Lai tăng liên tục. Tỉ lệ tốt nghiệp tăng hàng năm, nhưng điều đáng ghi nhận nhất là điểm trung bình bài thi (tốt nghiệp THPT) hàng năm cũng tăng ấn tượng, năm học 2020-2021 tăng 4 bậc so với năm học trước đó. 

Đây là những "con số biết nói" cho thấy các giải pháp, chủ trương nâng cao chất lượng giáo dục đang đi đúng hướng.

Kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia của tỉnh Gia Lai năm 2021-2022 có tới 28 em đạt giải trong tổng số 58 học sinh tham gia, trong số này có 2 em vào vòng 2, đứng thứ 2 trong số các tỉnh Tây nguyên nhưng đứng thứ 4 trong các tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT của Gia Lai năm 2022 đạt 98,35% - tăng 0,3% so với năm 2021.

Ở mảng giáo dục đại trà thì tỉnh Gia Lai nổi lên nhiều trường tư thục có chất lượng tốt như Trường THPT Chi Lăng. 

Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai cho biết để có kết quả cao trong giáo dục đại trà thì ngành Giáo dục tỉnh này cũng có cách làm riêng để phân hóa học sinh, bổ trợ kiến thức đúng cách để giúp học sinh nắm vững kiến thức thi đạt kết quả cao.

Gia Lai nỗ lực dạy học trong muôn vàn khó khăn - Ảnh 6.

Một chương trình tập huấn được triển khai cho ngành giáo dục Gia Lai - Ảnh: H.N.

Chuyển đổi số để thầy cô giáo Gia Lai dạy học tốt hơn

Trước xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, tỉnh Gia Lai đã có kế hoạch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục tới 2030.

Tính tới đầu 2023, 100% trường học tại Gia Lai đều có kết nối internet, trong đó 91,5% cơ sở giáo dục được kết nối internet băng thông rộng; những đơn vị còn lại đều được kết nối Internet 4G với băng thông ổn định 25MB.

Ngành GD tỉnh Gia Lai cũng đã triển khai đồng bộ hệ thống SMAS ở tất cả các trường; trang bị phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu trường học đồng bộ sang hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ GDĐT quản lý, chia sẻ dữ liệu các ngành trên địa bàn toàn tỉnh.

Gia Lai nỗ lực dạy học trong muôn vàn khó khăn - Ảnh 7.

Trường lớp ở Gia Lai ngày càng được đầu tư bài bản - Ảnh: H.N.

Ngoài ra cũng xây dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung trong toàn ngành, làm nền tảng để các phần mềm ứng dụng công tác quản lý, giảng dạy và học tập tích hợp liên thông, chia sẻ dữ liệu một cách thống nhất.

Đặc biệt, trong thời gian dịch COVID-19, nhờ hệ thống phòng họp trực tuyến mà việc kết nối giữa các đơn vị được thông suốt. Xác định tầm quan trọng của xu hướng này, Sở GDĐT Gia Lai đã mua sắm trang bị phần mềm soạn giảng e-learning cho các trường phổ thông, đồng thời tăng cường quản lý hồ sơ điện tử, góp phần giảm thiểu các loại hồ sơ sổ sách trên giấy.

Gia Lai cũng đã sớm trang bị đồng bộ phần mềm ngân hàng đề thi trực tuyến (Master Test) cho 50 trường THPT và 235 trường THCS khai thác sử dụng; xây dựng ngân hàng trực tuyến, kho học liệu số, tài liệu điện tử dùng chung, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá, chấm trắc nghiệm trên phần mềm qua hệ thống mạng LAN, WAN trong các trường THCS, THPT.

Định hướng tới 2025, Gia Lai có ít nhất 20% tiết học trực tuyến 

Để phục vụ chiến lược phát triển chung, tỉnh Gia Lai đã có chiến lược đầu tư chuyển đổi số, trong đó ưu tiên lớn cho ngành giáo dục với nhiều kỳ vọng. Năm 2025 thì việc dạy và học trên môi trường số ở Gia Lai sẽ trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu.

Gia Lai nỗ lực dạy học trong muôn vàn khó khăn - Ảnh 9.

Học sinh THPT ở Gia Lai trong giờ học - Ảnh: H.N.

Tỉnh này cũng đặt ra mục tiêu sẽ có ít nhất 5% chương trình khối tiểu học, 10% khối trung học được học nội dung chương trình giáo dục phổ thông dưới hình thức trực tuyến. Tới năm 2030, Gia Lai sẽ đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục quốc dân vào môi trường số.

Theo ông Lê Duy Định, để phục vụ dạy học tốt hơn trong bối cảnh chuyển đổi số, đặc biệt là dịch COVID-19 thì chương trình "Sóng và máy tính cho em" đã được cho chủ trương trên toàn quốc, tuy nhiên do trục trặc trong việc mua sắm nên tới nay dự án này chưa thể triển khai.

Sau tai nạn, Gia Lai có xe buýt đưa đón học sinhSau tai nạn, Gia Lai có xe buýt đưa đón học sinh

TTO - Ngày 22-3, ông Nguyễn Hữu Quế - giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết sở này đã đưa vào hoạt động tuyến xe buýt đưa đón miễn phí học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Mang Yang, Gia Lai).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên