10/05/2018 11:03 GMT+7

Giá giấy tăng vọt do khan hiếm bột giấy nhập từ Trung Quốc

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng giấy viết, giấy in báo cho biết giá giấy hiện đang tăng chóng mặt vì nguồn cung từ Trung Quốc thiếu hụt, từ nguyên liệu đến giấy thành phẩm.

Giá giấy tăng vọt do khan hiếm bột giấy nhập từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Sản xuất giấy tại một công ty giấy ở Bình Dương - Ảnh: TL

Các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng giấy viết, giấy in báo cho biết giá giấy hiện đang tăng chóng mặt.

Hiện giá giấy in báo đang giữ mức 17,5-18,5 triệu đồng/tấn (tùy định lượng, tùy nơi bán), tăng 1,5-2,5 triệu đồng/tấn so với thời điểm tháng 12-2017.

Giấy viết khoảng 19,5 triệu đồng/tấn từ trước Tết Nguyên đán hiện vọt lên khoảng 23,5-24 triệu đồng/tấn, tùy định lượng.

Theo ông Dương Chí Thành, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần giấy Vĩnh Tiến, việc giá giấy tăng cao trong thời gian qua do nguyên liệu bột giấy nhập khẩu tăng cao, tình trạng Trung Quốc thu gom nguyên liệu và giấy thành phẩm trên diện rộng khiến nguồn cung căng thẳng.

"Một số doanh nghiệp nhập khẩu giấy cho biết giá sẽ còn tăng trong thời gian tới, đặc biệt khi mùa vụ sản xuất tập đến gần", ông Thành thông tin.

Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất bao bì cho biết tình trạng giá giấy tăng cao còn lan sang cả giấy cuộn bao bì cactông từ cuối năm 2017, trong đó có tình trạng thương nhân Trung Quốc sang tận Việt Nam thu gom giấy nguyên liệu lẫn thành phẩm.

Theo ông Hàn Vinh Quang, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến giá giấy các loại tăng mạnh trong thời gian qua đều có lý do liên quan đến Trung Quốc.

Cụ thể, Chính phủ Trung Quốc hiện đang siết chặt về môi trường, vì mức độ ô nhiễm quá cao không kiểm soát được.

Thứ đến, nền kinh tế của Trung Quốc đang tái cơ cấu lại theo chiều hướng xanh sạch, vì thế từ đầu năm 2017, Trung Quốc đã đóng cửa các nhà máy công nghiệp có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm.

Thậm chí, nhiều quy định nghiêm ngặt hơn được đưa ra, như bắt chuyển sử dụng từ than đá qua khí gas, dầu mazut và năng lượng tái tạo.

Riêng với ngành sản xuất giấy và bột giấy, ông Quang cho hay, từ 10 năm trước, Chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa một loạt các nhà máy khiến nguồn cung hụt đi khoảng 10 triệu tấn giấy/năm.

Lần "đóng cửa" mới nhất vừa diễn ra cách đây chưa lâu đã làm "bốc hơi" thêm khoảng 16 triệu tấn giấy nữa.

Mặc khác, từ tháng 5-2017, Trung Quốc cũng đưa ra quy định cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, trong đó có mặt hàng giấy phế liệu (là một trong những nguyên liệu chính để sản xuất ra giấy cuộn carton), càng khiến cho quốc gia này rơi vào khủng hoảng, từ nguyên liệu sản xuất cho đến thành phẩm giấy cuối cùng.

Điều này dẫn đến nguồn cung giấy từ các quốc gia biến động, đẩy giá leo thang vì ảnh hưởng không nhỏ từ nhu cầu sử dụng của Trung Quốc.

Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu giấy và sản phẩm giấy các loại từ Trung Quốc ước trên 600 triệu USD trong nhập khẩu chung từ các nước khác có tổng kim ngạch nhập khẩu xấp xỉ 2,5 tỉ USD.

Nhà máy giấy Lee & Man lại phát tán bụi làm khổ người dân Nhà máy giấy Lee & Man lại phát tán bụi làm khổ người dân

TTO - Ngày 10-4, một số người dân sống gần Nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang (ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) phản ảnh hơn hai tuần qua, nhà máy tiếp tục phát sinh bụi, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên