20/08/2023 09:06 GMT+7

Giá gạo tăng mạnh nhưng vì sao nông dân, doanh nghiệp ngại làm ăn lớn?

Giá gạo tăng mạnh nhưng doanh nghiệp xuất khẩu lại than lỗ hoặc khó kinh doanh. Nguyên nhân là doanh nghiệp không mua lúa từ người dân mà phải thông qua hệ thống thương lái.

Nông dân cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo không chi tiền tươi, nhanh gọn như thương lái, "cò" lúa - Ảnh: BỬU ĐẤU

Nông dân cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo không chi tiền tươi, nhanh gọn như thương lái, "cò" lúa - Ảnh: BỬU ĐẤU

Theo các chuyên gia nông nghiệp, không có liên hệ chặt chẽ trong xuất khẩu gạo thì về bản chất, doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện vẫn chỉ như một thương lái to hơn mà thôi, như thế sẽ rất khó tăng giá trị cho hạt gạo, lợi nhuận cho doanh nghiệp và sự giàu có cho người trồng lúa.

Doanh nghiệp kêu khó

Ông Trần Minh Thông - giám đốc Công ty lúa gạo Minh Thông (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) - cho biết hiện nay doanh nghiệp đang thu mua lúa cao hơn giá xuất khẩu nên đang gặp khó khăn. Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân phát triển vùng nguyên liệu lúa có nhiều trở ngại. 

Thứ nhất, để ký kết vùng trồng với nhà nông, doanh nghiệp cần phải có nguồn lực rất lớn. Phải có một đội ngũ lớn để tham gia với bà con, hỗ trợ kỹ thuật, phân, thuốc, giám sát khi đến mùa thu hoạch. 

Thứ hai, người trồng lúa cũng "lắm trò", giá lúa thấp thì họ bán theo giá đã ký, khi lúa cao thì họ bẻ kèo, trả cọc, hoặc không thực hiện hợp đồng. "Do đó, mọi chuyện thu gom lúa cho doanh nghiệp đều thông qua "cò", doanh nghiệp không có thời gian đi liên kết trực tiếp với nông dân", ông Thông nói.

Còn theo lãnh đạo Công ty TNHH lương thực Tấn Vương, từ đầu năm đến nay đơn vị xuất khẩu giảm hơn so với năm 2022. 

Dù doanh nghiệp này có liên kết với nông dân hai tỉnh An Giang và Cà Mau để trồng lúa nhưng năm nay giá lúa gạo biến động bất thường nên rất khó xuất khẩu. "Năm nay, nhiều doanh nghiệp lúa gạo sẽ gặp khó khăn, chỉ có nông dân thuận lợi", vị này nói.

Ông Trương Văn Chính - giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chơn Chính (tỉnh Đồng Tháp) - cho biết vụ hè thu đã gần xong, vụ thu đông đang mở bán. Ngoài 10.000ha công ty đã bao tiêu cho nông dân, 70% lượng lúa còn lại phải mua từ thương lái. 

Với tình hình giá lúa bất thường như hiện nay, ông Chính đề xuất không nên cứng nhắc giá lúa ký kết trên giấy tờ, mà cả hai cần có sự chia sẻ lẫn nhau. 

"Ví dụ khi ký kết giá 7.200 đồng/kg, đến ngày thu hoạch giá lúa mức 8.000 đồng thì doanh nghiệp phải tăng 50% giá chênh lệch là 400 đồng/kg cho nông dân. Ngược lại nếu giá lúa giảm xuống 6.800 đồng/kg thì giá thu mua sẽ giảm theo", ông nói.

Ông Trương Kiến Thọ - phó giám đốc Sở NN&PTNT An Giang - cho biết đến nay tỉnh đã có trên 50% diện tích, trong tổng số 230.000ha, đã được liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. 

"Tuy nhiên, khi giá lúa tăng cao thì nông dân và doanh nghiệp hay bẻ kèo. Việc nông dân không chịu mở tài khoản ngân hàng cũng hạn chế trong việc thanh toán tiền bạc sau khi mua lúa", ông Thọ nói.

Nông dân không mặn mà liên kết

Nông dân Nguyễn Văn Hùng (Cần Thơ) cho biết 2ha lúa khoảng 30 ngày tới sẽ thu hoạch đang được thương lái trả cọc giá 7.700 đồng/kg. "Ký là như vậy nhưng tới ngày cắt lúa giá thị trường giảm thì thương lái cũng bắt giảm theo. Nhưng nếu giá tăng thì thương lái ép bán đúng giá cam kết nên tôi không đồng ý", ông Hùng chia sẻ.

Còn tại Vĩnh Long, anh Huỳnh Văn Tánh có hơn 3ha lúa ít tuần nữa sẽ thu hoạch và đã nhận cọc với giá 8.600 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi héc ta lời hơn 20 triệu đồng, gấp đôi so với năm ngoái. Nhưng anh Tánh cho hay chưa yên tâm được khi chưa cầm tiền bán lúa trong tay.

"Khi giá rớt xuống thương lái đòi giảm, nếu không sẽ bỏ cọc, còn giá tăng nông dân vẫn bán theo hợp đồng. Rồi họ kéo dài ngày thu hoạch cho lúa khô hơn, thậm chí không cân lúa ngay khiến chủ ruộng lo lắng", anh Tánh cho hay.

Rủi ro là vậy nhưng nông dân cũng không mặn mà liên kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra. Lý do vì sao?

Ông Đinh Thừa Tự (huyện Thoại Sơn, An Giang) cho biết trước đây bà con trong xã có liên kết với một doanh nghiệp để làm lúa chất lượng cao xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp rất chậm tăng giá khi thị trường biến động. Trong khi đó "cò" lúa, thương lái sẵn sàng đặt cọc mua lúa từ rất sớm, chốt giá rất nhanh.

Hiện nay thương lái, "cò" lúa đổ xô về các vùng quê mua "lúa non" của người dân. Có những thửa ruộng mới gieo sạ hơn nửa tháng đã được đặt cọc. 

"Họ đặt cọc không nhiều, chỉ 500.000 đồng/công. Cũng có trường hợp họ không đặt cọc mà nông dân nào cần vốn thì "cò" lúa cho mượn từ 10-20 triệu đồng để nông dân cam kết bán lúa cho họ", ông Tự nói và cho rằng việc thanh toán của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chậm, nhiều thủ tục nên nông dân không mặn mà bán lúa.

Phải ràng buộc điều kiện xuất khẩu

Ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), nhấn mạnh liên kết trong sản xuất là xu thế phát triển tất yếu của nông nghiệp hiện đại. Thực tế doanh nghiệp không phải không muốn liên kết với nông dân nhưng vì điều kiện không cho phép, không đủ tiềm lực tài chính, không có vốn. 

"Nếu có cánh đồng lớn với nông dân, ký hợp đồng thì khi lúa chín nông dân giao lúa phải có tiền thanh toán ngay. Chưa kể phải đầu tư nhà máy sấy lúa, kho chứa tồn trữ, chế biến xuất khẩu. Nên mua tự do thuận lợi hơn", ông Bình nói.

Còn ông Nguyễn Duy Thuận, tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, nói rằng ngành lúa gạo có hai loại doanh nghiệp: các doanh nghiệp sản xuất và các doanh nghiệp kinh doanh, và hai nhóm này gần như không liên kết với nhau.

Trong đó doanh nghiệp sản xuất có nhà máy, có kho hàng nhưng vốn ít, tài sản ít nên ngay cả khi ngân hàng có cấp vốn cũng không thể đầu tư đủ cho nông dân đảm bảo nguồn lúa đầu vào ổn định; cũng không thể lưu kho để cung cấp ra thị trường.

 Đây là nguyên nhân các doanh nghiệp sản xuất thường xuyên bị hai sức ép: sức ép mua lúa của nông dân và sức ép bán gạo để có tiền mua lúa, dẫn đến bị phụ thuộc và bị ép vào các trường hợp bất lợi khi có biến động trên thị trường.

Hiện nay Nhà nước đã có chính sách về liên kết sản xuất, cụ thể là nghị định 107/2018/NĐ-CP. Trong đó quy định về liên kết sản xuất, chỉ cần áp dụng đúng và có một chút sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới là có được khung pháp lý để nông dân và doanh nghiệp thực hiện.

Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng để đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm, cần quy định chặt chẽ, cụ thể về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, chất lượng lúa, gạo hàng hóa xuất khẩu. 

Ví dụ có hợp đồng liên kết, doanh nghiệp mới được xuất khẩu. Như vậy mới tạo môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi và đảm bảo lợi ích chính đáng của người nông dân trồng lúa, giữ uy tín cho mặt hàng gạo của Việt Nam.

Doanh nghiệp hãy "lật bài ngửa" với nông dân

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng doanh nghiệp hãy "lật bài ngửa" với nông dân. Một kg lúa bao nhiêu tiền, tôi bán giá đó, mua vào giá đó, có hợp đồng liên kết. Đấy mới là cơ hội cho bà con nông dân. Chuỗi cung ứng nguyên liệu, hai bên làm việc với nhau, hai bên cùng thắng.

"Cần có điều kiện ràng buộc doanh nghiệp xuất khẩu, đó là hợp đồng liên kết với nông dân. Nhà nước cần phải buộc doanh nghiệp không mua lúa trôi nổi qua thương lái, phải có vùng nguyên liệu để chứng minh lúa sạch, không mất uy tín gạo Việt khi xuất khẩu. Từ đó giá trị và thu nhập của nông dân trồng lúa tăng lên, giàu lên", giáo sư Xuân đề xuất.

Thủ tướng ra đồng nói chuyện với nông dân miền TâyThủ tướng ra đồng nói chuyện với nông dân miền Tây

Sau hai ngày đi khắp 8 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long khảo sát tình hình sạt lở, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác Chính phủ đã dành trọn ngày 13-8 để thăm doanh nghiệp, gặp nông dân và làm việc với lãnh đạo Đồng Tháp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên