Sáng nay, gần 5.000 học sinh tham dự khảo sát vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM. Có phụ huynh xác định con đậu thì tốt, không thì coi đó là trải nghiệm cho con.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đã có sự chuẩn bị hết sức căng thẳng với mục đích phải đậu. Cả nhà vì vậy mà áp lực, nhất là học sinh.
Lớp 3 đã luyện thi vô lớp 6
Để chuẩn bị thi lớp 6 Trần Đại Nghĩa, bạn tôi cho con luyện thi ngay sau khi con vừa xong lớp 3. Mới đây, con khóc lóc đòi nghỉ luyện thi vì kết quả kiểm tra bài xã hội không tốt, cô chê không thương tiếc. Với môn toán, con than "nổ não".
Bài đếm hình tam giác, con đếm được 16 hình trong khi kết quả thầy giáo đưa ra là 51 hình. "Cho con đi luyện thi từ sớm nhưng cũng không quá kỳ vọng vì đề thi quá khó. Muốn cho con nghỉ nhưng vợ phản đối, nên phải thuyết phục con tiếp tục luyện thi" - bạn tôi nói.
Một phụ huynh trong lớp con tôi cho con luyện thi ở một trung tâm lớn. Cách đây vài ngày, chị nói kết quả đợt kiểm tra mới nhất, con chị nằm trong top 1% xuất sắc nhất của trung tâm. "Kết quả này rất tốt và có nhiều cơ hội trúng tuyển lớp 6 Trần Đại Nghĩa" - chị vui mừng nói.
Một đồng nghiệp của tôi cũng quyết định cho con luyện thi trước khi kỳ khảo sát lớp 6 diễn ra một tháng. Chị đăng ký luyện ở một trung tâm lớn. Học sinh phải làm bài kiểm tra, đạt từ 50/100 điểm trở lên mới được nhận. Học phí gần 10 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, mới chỉ sau vài ngày, chị đã hoảng và cho con nghỉ học. Chị nói ngày nào trung tâm cũng gửi bài tập, yêu cầu học sinh hoàn thành. Con than, mẹ mệt mỏi. Chị cho con nghỉ và thuê thầy giáo luyện thi riêng để giảm bớt áp lực cho con và cho chính mình.
Thậm chí nhiều gia đình căng thẳng tột độ, lục đục, mâu thuẫn với cả dòng họ vì việc luyện thi lớp 6. Bạn tôi kể có quen một bác sĩ một bệnh viện lớn tại TP.HCM. Ông không cho con đi luyện thi mà tự luyện cho con tại nhà.
Tuy nhiên ông quá cứng rắn, con không làm được bài sẽ đánh mạnh tay. Người vợ khuyên chồng không được bèn cầu cứu gia đình chồng. Mọi người góp ý, ông từ mặt dòng họ, cấm vợ liên lạc với gia đình mình!
Từ chỗ mong muốn điều tốt đẹp đã biến thành sự kỳ vọng thái quá đối với con cái. Hệ lụy của nó có lẽ sẽ còn in đậm trong tâm trí con trẻ trong suốt một thời gian dài.
Đó là chưa kể nếu kết quả thi của con không như kỳ vọng của cha mẹ, chưa biết hậu quả tiếp theo sẽ như thế nào. Chỉ có thể thấy rằng những căng thẳng triền miên, áp lực chồng chất như vậy, đứa trẻ sẽ khó có thể học hành bình thường.
Học sinh bước vào kỳ khảo sát lớp 6, phụ huynh nào cũng mong muốn con đạt kết quả tốt nhất theo khả năng của mình. Khả năng ấy do tự thân học sinh đạt được, cũng có thể do quá trình rèn giũa mà thành.
Tuy nhiên, không biết có bao nhiêu học sinh trúng tuyển bằng khả năng tự thân mà không qua các lò luyện, học tập căng thẳng và áp lực? Có lẽ có, nhưng rất hiếm. Đề khảo sát lớp 6 Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, nhất là môn toán, thực sự vượt quá tầm kiến thức thông thường các con được học ở tiểu học.
Đề thi tạo sự công bằng, được không?
Mới đây, Hàn Quốc quyết định loại bỏ các "câu hỏi sát thủ" trong đề thi đại học 2023. Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju Ho giải thích "câu hỏi sát thủ" dẫn đến sự không công bằng cho học sinh không đi học thêm.
Học thêm là lựa chọn cá nhân, nhưng nhiều người cảm thấy bắt buộc phải học thêm mới vượt qua được sự cạnh tranh gay gắt trong kỳ thi đại học. "Chúng tôi muốn phá vỡ vòng luẩn quẩn của học thêm, thứ làm tăng gánh nặng cho phụ huynh và xói mòn tính công bằng của giáo dục", ông Lee nói.
Trước khi có quyết định này, các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, giáo viên và cả phụ huynh Hàn Quốc đều chỉ trích, cho rằng con đường đến cánh cửa đại học gây ra nhiều vấn đề, từ bất bình đẳng trong giáo dục tới bệnh tâm thần ở thanh thiếu niên.
Sẽ là khập khiễng nếu so sánh kỳ khảo sát lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tại Việt Nam và kỳ thi đại học tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, nếu xem xét thấu đáo, nó vẫn có một vài điểm tương đồng đáng suy nghĩ.
Đề thi có những câu hỏi quá khó, vượt quá tầm kiến thức phổ thông học sinh được dạy ở trường. Điều này dẫn đến việc luyện thi, học tập căng thẳng, bất bình đẳng trong giáo dục.
Trường chuyên với môi trường học tập tốt, chất lượng giáo dục tin cậy và mở ra nhiều cơ hội học tập tốt sau này cho học sinh. Đó là lý do nhiều phụ huynh mong muốn cho con theo học. Dĩ nhiên, thi lớp 6 hay không là quyền lựa chọn của phụ huynh. Thi không đậu học sinh vẫn có trường THCS tiếp nhận.
Tuy nhiên, nên chăng một vài nội dung đề thi không cần thiết phải ra quá khó. Sự phân loại nằm ở chỗ tư duy logic, lập luận bằng kiến thức học ở bậc tiểu học, chứ không phải là những kiến thức quá khó, vượt tầm bình thường.
Một kỳ thi lớp 6 bình đẳng nên tạo cơ hội như nhau cho mọi thí sinh phổ thông!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận