05/12/2017 10:23 GMT+7

Giá điện phải công bằng

TRẦN NGỌC THƠ
TRẦN NGỌC THƠ

TTO - Đưa giá điện vận hành phù hợp với kinh tế thị trường là điều phải hướng tới. Nhưng tăng giá điện như đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam chưa hẳn theo cơ chế thị trường.

Giá điện phải công bằng - Ảnh 1.

Theo bảng tính toán tác động khi tăng giá, giữa khung giá điện cũ và mới, với người dùng từ 400kWh trở lên có mức tăng "phi mã" bởi đơn giá ở những khung sử dụng này tăng cao.

Lý do để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra khung giá cao nhằm khuyến khích tiết kiệm điện. Thế nhưng ngược lại, EVN đang phải hào phóng bù lỗ giá điện cho một số doanh nghiệp ngành thép, ximăng. 

Nếu EVN có nguồn lực để bù lỗ cho doanh nghiệp nào đó thì chẳng có gì đáng bàn, đằng này những khoản này đều tính vào kết quả kinh doanh của EVN, tức là mọi người dùng điện đều phải gánh chịu.

Phi thị trường là ở chỗ đó. 

Chuyện hỗ trợ doanh nghiệp là chính sách của Nhà nước, nhưng thực hiện lại là EVN, một doanh nghiệp kinh doanh, phải tính lời lỗ. EVN đâu thể bỏ tiền túi của mình ra. Tiền đó là từ tất cả người tiêu dùng đang bị áp giá điện rất cao.

EVN cho rằng việc tăng giá điện chỉ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI 0,1% và tăng trưởng GDP 0,166% trong năm 2018? Những con số này cần được nhà chuyên môn phân tích. 

Còn với người dân, họ chỉ quan tâm bức tranh chi tiết hoạt động đầu tư và kinh doanh của EVN 5-10 năm vừa qua và kế hoạch sử dụng tiền lời tăng thêm do tăng giá điện như thế nào trong tương lai. Xa hơn nữa là tái cấu trúc EVN như thế nào để có được một thị trường điện cạnh tranh thực sự. 

Người dân phải được biết chính xác đâu là nguyên nhân gốc rễ những yếu kém của ngành điện, để biết được việc tăng giá điện liệu có thuyết phục.

Một điều muốn nói nữa là các kịch bản tăng giá điện sẽ tác động thực sự như thế nào đến CPI và tăng trưởng GDP? 

Sẽ không có bất kỳ nhà chuyên môn nào dám khẳng định con số chính xác là bao nhiêu. 

Nhưng việc tính toán tác động của tăng giá điện cần phải đặt trong bối cảnh toàn bộ diễn biến cuộc sống thực với đủ các loại thuế phí mà người dân đang phải đối mặt hằng ngày, là nguy cơ lạm phát trở lại, rồi lộ trình tăng giá các dịch vụ y tế, giáo dục... và nhất là lộ trình tăng thuế VAT mà Bộ Tài chính đề xuất mới đây...

Do vậy, tăng giá điện dù chỉ 1 đồng nhưng nếu không hợp lý và không dựa trên lợi ích tổng thể quốc gia thì chẳng những người dân không hài lòng, mà còn ảnh hưởng đến những chủ trương lớn của Chính phủ trong kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô.

Giá điện tăng vì gánh quá nhiều thứ Giá điện tăng vì gánh quá nhiều thứ Sao lại tăng giá điện vào cuối năm? Sao lại tăng giá điện vào cuối năm? Ai chịu tác động nhiều nhất khi giá điện tăng? Ai chịu tác động nhiều nhất khi giá điện tăng?
TRẦN NGỌC THƠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên