Người dân Nhật Bản đeo khẩu trang bên ngoài sàn giao dịch Tokyo - Ảnh: Reuters
Nguyên nhân trực tiếp của cơn sóng gió này là cuộc đối đầu không ai chịu ai giữa Nga và Saudi Arabia.
"Cuộc chiến" còn dài
Saudi Arabia luôn muốn nắm quyền "nhạc trưởng" trong việc điều phối các động thái cắt giảm sản lượng của các nước thành viên OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác trên thế giới.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin từ chối tuân theo sự chỉ huy của Saudi Arabia, không cắt giảm sản lượng khai thác dầu. Để trả đũa, Saudi Arabia tăng sản lượng, đánh tụt giá dầu xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua và tuyên bố tăng thêm nguồn cung để đoạt nốt thị phần dầu mà Nga đang nắm giữ.
Chỉ trong ngày 9-3, giá dầu thô Brent chốt phiên với 34,36 USD/thùng, giảm 50% so với đỉnh đã thiết lập ngày 6-1.
Diễn biến này cùng với ảnh hưởng dịch COVID-19, chứng khoán Mỹ cũng lao dốc. Lần đầu tiên kể từ năm 1997, sàn giao dịch chứng khoán New York phải kích hoạt cơ chế ngừng giao dịch tự động trong 15 phút trong sáng 9-3 khi chỉ số chứng khoán sụt giảm hơn 7% để nhà đầu tư ổn định tâm lý trở lại.
Nga sẽ tương kế tựu kế
Giá dầu hạ, giới đầu tư lo ngại sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế Mỹ khi sẽ giáng một đòn chí tử vào ngành sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, trong khi kinh tế Mỹ là trụ cột chính cho động lực tăng trưởng toàn cầu.
Đáng lưu ý, giới quan sát cho rằng Matxcơva có thể sẵn sàng duy trì tình trạng giá dầu thấp vì muốn tương kế tựu kế giáng thêm một đòn vào ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ.
Trên thực tế, nguồn dầu xuất khẩu của Mỹ sang châu Âu đã và đang đe dọa thị phần năng lượng đáng kể mà Nga đang nắm giữ tại Tây Âu.
Lần gần nhất Saudi Arabia chơi đòn hạ giá dầu là giai đoạn 2014-2015, với mục tiêu là bóp chết ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ. Khi đó, giá dầu toàn cầu giảm mạnh khiến rất nhiều công ty dầu mỏ và khí đốt của Mỹ phá sản.
Mặc dù nền kinh tế Mỹ đã phần nào sôi động trở lại sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giảm nhiệt, song khi phải đối mặt với hai thách thức cùng lúc là giá dầu giảm và dịch bệnh, thật khó để lường hết những hệ lụy với nền kinh tế hàng đầu thế giới này.
Chứng khoán chờ tín hiệu tích cực
Trong khi thị trường chứng khoán Mỹ đang điêu đứng, các chỉ số chính tại châu Á đã có dấu hiệu hồi phục trong phiên ngày 10-3. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 0,85% sau khi Chính phủ Nhật Bản tiết lộ sẽ cung cấp thêm gói kích thích thị trường thứ hai. Chỉ số Shanghai Composite Index của Trung Quốc cũng tăng 1,7% sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm thành phố Vũ Hán.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia tỏ ra tiêu cực khi nhận định thị trường tăng giá dài kỷ lục, dù đã "sống sót" trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nay đang sắp "chết" vì COVID-19. Cuộc chiến giá dầu mới đây giữa Nga và Saudi Arabia được ví như "cọng rơm cuối làm gãy lưng con lạc đà".
"Đây có phải là khởi đầu của thị trường xuống giá? Theo đánh giá của công ty chúng tôi, nhiều khả năng là như vậy" - ông Michael Foguth, nhà sáng lập Tập đoàn tài chính Foguth (Mỹ), nhận định với báo USA Today.
BẢO DUY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận