11/03/2020 06:30 GMT+7

Giá dầu lao dốc: người tiêu dùng vui, doanh nghiệp lo lắng

NGỌC AN - LÊ THANH - NGỌC HIỂN - TUẤN PHÙNG
NGỌC AN - LÊ THANH - NGỌC HIỂN - TUẤN PHÙNG

TTO - Giá dầu thế giới lao dốc, các doanh nghiệp (DN) trong nước có cơ hội giảm chi phí đầu vào. Nhưng không phải DN nào cũng vui.

Giá dầu lao dốc: người tiêu dùng vui, doanh nghiệp lo lắng - Ảnh 1.

Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi do giá dầu giảm, nhưng nhiều doanh nghiệp lại không vui - Ảnh: Tự Trung

Giá xăng dầu thế giới liên tục có những phiên giảm sâu kỷ lục trong vòng gần 5 năm trở lại đây, mở ra cơ hội cho giá xăng dầu trong nước tiếp tục đà giảm vào kỳ điều hành ngày 16-3 tới.

Người dân hưởng lợi

Đại diện đơn vị phân phối xăng dầu, ông Nguyễn Văn Tiu - tổng giám đốc Công ty CP xăng dầu Tự Lực I (Hà Nội) - cho biết xăng dầu lao dốc mạnh chỉ có người tiêu dùng được lợi. Ông cho rằng giá xăng dầu trong nước chắc chắn giảm mạnh vào chu kỳ điều chỉnh ngày 16-3. Để đẩy hàng tồn, bán cắt lỗ, DN phân phối đã tăng mức chiết khấu lên 2.000 đồng/lít nhưng lượng bán vẫn không tăng. "Dù giá xăng dầu giảm nhưng DN xăng dầu đang ngồi trên lửa. Chưa bao giờ kinh doanh ế ẩm, khó khăn như lúc này" - ông Tiu nói.

Ông Huỳnh Tấn Cầu - giám đốc Công ty TNHH thương mại Kk Petro - cũng nhận định giá xăng dầu kỳ điều hành tới sẽ giảm, song mức giảm nhiều hay ít phụ thuộc vào phương án điều chỉnh giá của liên bộ Tài chính - Công thương (tính thuế phí, quỹ bình ổn...). Và giá điều hành sẽ là giá xăng dầu thành phẩm bình quân 15 ngày, chứ không chỉ là giá ngày giảm mạnh vừa qua. Với đợt giảm giá này, ông Cầu cho hay các DN phân phối đã chủ động cắt giảm sản lượng nhập xăng dầu, trước đây lượng hàng tồn 40-50% nhưng hiện nay giảm còn 20-30% và chỉ nhập đủ sản lượng bán ra nhằm giảm thiệt hại.

Giá gas cũng trong xu hướng giảm theo giá dầu. Ông Lê Quang Tuấn - trưởng phòng kinh doanh Công ty CP thương mại XNK dầu khí Thái Bình Dương (Pacific Petro) - cho biết dự báo giá gas tháng 4 sẽ giảm đến 48.000 đồng/bình 12kg. Với mức giảm này, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi khi 3 lần liên tiếp được mua gas giá rẻ, tổng số tiền giảm lên đến gần 100.000 đồng/bình 12kg.

Doanh nghiệp xăng dầu "chết dở sống dở"

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Duy Đông - vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) - cho hay nguồn cung xăng dầu thế giới đang tăng nhanh, đẩy dầu mỏ thế giới bước vào cuộc chiến giá. Nhu cầu dầu mỏ cũng giảm mạnh, như Trung Quốc thông báo cắt giảm 20-25% nhu cầu, sẽ càng đẩy giá xuống thấp.

Giá dầu giảm mạnh, theo ông Đông, có lợi cho người dân và một phần cho DN sản xuất kinh doanh dịch vụ. Nhưng với một số DN xăng dầu, giá giảm lại rơi vào cảnh "chết dở sống dở" khi sản lượng tiêu thụ chỉ đạt 40% so với bình thường. "Lượng tồn kho xăng dầu khá lớn đã nhập trước đó ở mức giá cao đang tạo ra áp lực tài chính lên DN. 

Nhiều DN xăng dầu mong muốn ngân hàng hỗ trợ giãn nợ vì lỗ nhiều lắm. Do đó, trong điều hành giá vừa phải đảm bảo lợi ích chung cho người tiêu dùng nhưng cũng tính toán để đảm bảo hoạt động cho các DN kinh doanh..." - ông Đông nói.

Giá dầu lao dốc: người tiêu dùng vui, doanh nghiệp lo lắng - Ảnh 2.

Dữ liệu: NGỌC AN - Nguồn: Bộ Công thương - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Hãng vận chuyển có lợi nhưng... không vui

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hồng Hà - phó tổng giám đốc Vietnam Airlines - cho biết giá dầu giảm chắc chắn tốt cho vận tải, trong đó có hàng không. Nhưng không vui là vì các hãng hàng không đã phải dừng đến 45-50% năng lực vận tải.

Cũng theo ông Hà, các hãng hàng không đã khuyến mãi, giảm giá vé rất thấp để kích thích hành khách đi lại nhưng vẫn phải giảm tần suất khai thác do khách ngại đi lại vì dịch COVID-19. Nhiều đường bay phải dừng khai thác khiến máy bay dư thừa, mà bài toán này lại chỉ có cách giải là... cho máy bay nằm nghỉ. Trong khi đó, các hãng vẫn phải trả chi phí cố định như tiền thuê máy bay, lãi vay, lương nhân công... Với việc dừng miễn thị thực với công dân một số nước châu Âu và nếu thị trường Nhật Bản có diễn biến xấu trong thời gian tới, hãng hàng không rất khó khăn nên giảm giá dầu trong bối cảnh này cũng không giúp được nhiều.

Tương tự, ông Nguyễn Đàm Văn - giám đốc Công ty du lịch Văn Minh chuyên hoạt động xe khách giường nằm tuyến Hà Nội - Nghệ An, Hà Tĩnh - cho biết "khổ nhất bây giờ là không có khách, có chuyến chỉ 3 đến 6 khách trên xe 40 giường nên thiệt hại ghê gớm.

Một lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết khách đi xe buýt của DN giảm gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Với xe buýt, giá xăng dầu giảm thì mức trợ giá cho hành khách của Nhà nước cũng giảm.

Mảng vận tải du lịch cũng điêu đứng khi vào mùa lễ hội mà khách giảm 35-40% so với cùng kỳ 2019. Mảng kinh doanh bến xe cũng rất khó khăn do nhiều nhà xe dừng hoạt động. "Giá dầu giảm mà không có khách cũng không giúp ích được nhiều nên DN cũng không thấy vui" - vị này nói.

Ông Trịnh Quang Khanh (phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN):

Cứ nhập về là lỗ

Trong bối cảnh giá dầu thế giới liên tục giảm mạnh, DN xăng dầu trong nước cứ nhập về là mặc nhiên đã lỗ. Trong khi theo quy định, DN phải dự trữ xăng dầu đảm bảo 30 ngày nên giá biến động mạnh trong tháng qua khiến DN không biết lấy gì bù đắp. Hiện kho tại các DN kinh doanh xăng dầu và tại 2 nhà máy lọc dầu trong nước luôn trong tình trạng quá tải, không thể tiếp nhận và tồn chứa thêm.

Hiệp hội Xăng dầu VN vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ cho DN được gia hạn chậm nộp thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong 90 ngày. Đây là khoản tiền thuế mà DN nộp hộ người tiêu dùng, nhưng theo quy định nếu nhập khẩu thì phải nộp tiền thuế này trước khi thông quan. Đồng thời, Hiệp hội Xăng dầu VN cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ có ý kiến với Bộ Tài chính sớm hướng dẫn tiền hoàn thuế hàng trăm tỉ đồng cho DN xăng dầu.

Không ảnh hưởng thu ngân sách

Theo ông Võ Thành Hưng - vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), giá dầu thô trên thế giới giảm mạnh trong vòng 2 -3 ngày nay cũng không ảnh hưởng nhiều đến số thu ngân sách trong năm nay, dù dự toán ngân sách xây dựng trên cơ sở giá dầu thô là 60 USD/thùng. Bởi số thu từ dầu thô chỉ chiếm 3% tổng thu ngân sách, thay vì 5-7 năm trước chiếm 11%.

Bộ Tài chính cho biết lũy kế thu 2 tháng từ dầu thô đạt 112.000 tỉ đồng, bằng 32% dự toán, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tác động của dịch COVID-19 nên giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm. Tuy nhiên, do có độ trễ trong thanh toán, giá dầu VN thanh toán bình quân 2 tháng vẫn duy trì ở mức 68 USD/thùng, cao hơn 8 USD/thùng so với giá dự toán.

LÊ THANH

Giá dầu giảm sâu kể từ chiến tranh vùng Vịnh Giá dầu giảm sâu kể từ chiến tranh vùng Vịnh

TTO - Giá dầu đã giảm gần 1/3 trong ngày 9-3, mức giảm lớn nhất kể từ chiến tranh vùng Vịnh 1991.

NGỌC AN - LÊ THANH - NGỌC HIỂN - TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên