12/05/2023 10:26 GMT+7

Gen Z cần nhìn lại, tấm vé vào đời không chỉ có tấm bằng khá giỏi là đủ

Là giảng viên thường xuyên làm việc với sinh viên có khá đông các bạn gen Z, tôi rất đồng cảm với góc nhìn về kỹ năng gen Z dần đánh mất trong các số báo vừa qua.

Tham gia hoạt động thiện nguyện là một trong những cơ hội để cácbạn gen Z rèn kỹ năng còn thiếu của bản thân - Ảnh: Q.L.

Tham gia hoạt động thiện nguyện là một trong những cơ hội để cácbạn gen Z rèn kỹ năng còn thiếu của bản thân - Ảnh: Q.L.

1. Không phủ nhận công nghệ tạo ra sự thay đổi tích cực cho đời sống, mạng xã hội cũng đem đến cơ hội cho nhiều người, nhất là người trẻ biết tận dụng công nghệ để phát triển công việc, năng lực đặc biệt của bản thân. Nhưng phải nói ngay, có rất nhiều suy nghĩ hời hợt của các bạn đang được "bồi dưỡng" từ thế giới mạng. Chẳng hạn như cách nghĩ chỉ cần nổi tiếng trên TikTok là có thể hái ra tiền, hay đẹp là một loại "vốn tự có" giúp ai đó có thể đổi đời...

Đúng rằng ngoại hình bắt mắt sẽ là một lợi thế đem đến thiện cảm cho người khác, giúp bản thân tự tin và có thể "ghi điểm" từ lần tiếp xúc đầu tiên. Nhưng đó không phải là tất cả, bởi đã có nhiều người thành công vượt bậc dù không nổi tiếng trên mạng, ngoại hình cũng không hẳn dễ thương lắm nhưng lại tạo được cảm tình sâu lắng cho người khác khiến ai biết đến cũng thấy bình an, ngưỡng mộ.

Vì họ không phát triển phần bề nổi của bản thân mà để mình giỏi chuyên môn, trau dồi các kỹ năng mềm, trong đó có sự chân thành và khiêm nhường trong ứng xử. Có thể học cách của người Nhật để thấy giá trị bền vững, thay vì chỉ lo tập trung vào những giá trị tức thời bởi "bông lúa chín là bông lúa cúi đầu". 

Không có nghĩa chúng ta sợ hãi, thua thiệt mà cúi đầu để mở lòng học hỏi, đón nhận những cái hay khác. Vốn dĩ trong cuộc sống núi này cao vẫn luôn có núi khác cao hơn, cũng như cổ nhân có dạy "thiên ngoại hữu thiên" (ngoài trời còn có trời).

Gen Z cần nhìn lại, bởi tấm vé vào đời không chỉ có tấm bằng khá giỏi là đủ. Thành công trong cuộc sống cần nhiều hơn thế, trong đó có sự tôn trọng, không ngừng học hỏi trước những việc khó, trải qua thử thách cam go để trưởng thành, vững chãi trước gió dông!
LÊ TRƯỜNG AN

2. Khiêm hạ là đức tính của người điềm tĩnh và thành công trong cuộc sống. Ấy cũng là đức tính thành công trong các giao tiếp xã hội. Vì khi ấy bạn không tỏ ra nguy hiểm hoặc trở nên nguy hiểm trong mắt người khác, để họ có thể vui vẻ mở cửa đón bạn và sẵn sàng mở lòng trao cho bạn những điều hay ho khác.

Trong truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm cũng vậy, người thầy dù muốn cũng thật khó lòng trao "bí kíp" cho học trò nào tự tin đến mức tự cao. Điều này, tiếc thay lại đang có khá nhiều bạn trẻ gen Z mắc phải. 

Tự tin là tốt, nhưng quá tự tin thành tự cao, dẫn tới không coi ai ra gì là một điểm yếu, một dấu trừ khiến người khác không muốn cộng tác. Mà ngay bản thân bạn cũng không thể cộng tác được với ai, kể cả người thân. Vì bạn sẽ luôn tự cảm thấy mình giỏi, thấy không ai hiểu mình, thậm chí coi thường người khác và cho rằng họ không xứng đáng để mình cộng tác.

3. Thêm nữa, chiếc nôi gia đình bảo bọc các bạn gen Z quá kỹ khiến nhiều bạn nghĩ không cần thiết phải cố gắng thêm nữa, cũng chẳng thèm chịu khó, nhẫn nhịn để có thể vượt qua thử thách đôi khi khá nhẹ nhàng. Bỏ việc hay đổ xô muốn làm chủ ngay cả khi không có năng lực, chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm, dễ bỏ việc và coi thường thầy cô, nói xấu sếp... là cách ứng xử và sự ngộ nhận chết người mà chắc chắn sẽ phải trả giá.

Phương pháp xem người học là trung tâm không sai nhưng không thể máy móc đến mức thỏa hiệp, sợ hãi trước mọi phản ứng của học sinh sinh viên. Giáo dục càng không thể cung cấp cho xã hội những sản phẩm có hình thức đẹp với sự lạm phát danh hiệu khá giỏi cùng điểm số cao ngất nhưng nội dung lại chẳng có gì vì chỉ khiến các bạn trẻ lầm tưởng rằng họ tài năng lắm. Đây là vấn đề vĩ mô, có lẽ cần được bàn thảo sâu hơn để định vị lại quy trình đào tạo.

Phản hồi từ bạn đọc

• Tôi đi cà phê với nhóm bạn, ai cũng cắm đầu lướt điện thoại, lâu lâu phát ngôn vài câu về thứ vừa xem, rồi nhắn tin riêng ngay khi đang ngồi cùng nhau. Mình không lướt điện thoại cũng không biết nói gì, làm gì hoặc tự lướt về nhà... (Thanh Hiếu)

• Mạng xã hội tạo ra nhiều tích cực và cái tiêu cực lại ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài. Điều có thể thấy là cái tôi, ảo tưởng về bản thân... tràn ngập. Giờ chỉ còn thấy suy nghĩ "khi tôi đã nói đúng thì ai cãi lại đều sai". Tư duy phản biện, nhìn nhận vấn đề nhiều mặt rất khan hiếm. (Dinh Huynh)

• Chuyện cũ nói mãi, tốt nhất là cấm TikTok như nhiều nước khác là xong, sao mà lại đau đầu như thế! (Huy)

• Gen Z hiện ai cũng nghĩ là rất năng động, dễ dàng tiếp thu công nghệ mới nhưng vẫn còn tránh né hoặc không chào hỏi thầy cô nghĩa là vẫn thiếu tự tin, vẫn thiếu kỹ năng sống trầm trọng. (Truong Kiet)

• Cũng cần xem thầy cô có theo kịp được sự phát triển của xã hội không. Sắp tới người ta cho sử dụng điện thoại trong lớp học, trong lớp thích học thì học, khuyến khích thành công theo những lối đi riêng. (Nhân Mạnh)

• Gen Z sẽ hòa nhập được nhưng theo tư duy cá nhân, sống cho bản thân, không cần nghĩ cho người khác, chẳng biết tôn trọng ai trong công ty. Không ít bạn gen Z bây giờ ra đi làm, sếp nói chỉ cho lắm nhưng một câu dạ hay cảm ơn còn không có, đó cũng là điều đáng quan ngại nhất bây giờ. (phuc)

• Tôi là giảng viên, một lần ngồi đợi xe trong khuôn viên trường nghe mấy em sinh viên xung quanh chửi thề quá nhiều, tôi có góp ý là không nên chửi thề. Vậy mà các em nói kháy luôn "Sao thích góp ý, có nói tới đâu mà thích nói vậy!". Thật sự ngán ngẩm nhưng không phải vì lý do đó mà tôi không nhắc nhở các em. (Tùng)

Giúp gen Z hoàn thiện bản thânGiúp gen Z hoàn thiện bản thân

Những 'điểm trừ' về kỹ năng ở người trẻ hiện nay công bằng mà nói có trách nhiệm đáng kể của người lớn và xã hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên