Gaza: viện trợ và cái chết

Việc quân đội Israel liên tục dùng đạn thật để kiểm soát những bất ổn khi phân phát viện trợ thay vì sử dụng các biện pháp phi sát thương đã khiến tình hình Gaza ngày càng nghiêm trọng.

Gaza - Ảnh 1.

Em Abdul Jawad al-Ghalban (14 tuổi) người Palestine, một nạn nhân của thảm cảnh đói ăn tại TP Khan Yunis, Dải Gaza ngày 22-7 - Ảnh: AFP

Đầu tuần này, 28 quốc gia gồm: Anh, Pháp, Nhật Bản, Canada đã ra tuyên bố chung chỉ trích Israel, kêu gọi chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến ở Gaza.

Họ nhấn mạnh: "Nỗi đau khổ của người dân Gaza đã lên đến mức độ mới. Mô hình viện trợ của Chính phủ Israel nguy hiểm, gây bất ổn và tước đoạt nhân phẩm của người dân ở Gaza".

Viện trợ và bạo lực

Sau gần hai năm xung đột, Israel đã tàn phá phần lớn Gaza, phá hủy hàng loạt cơ sở hạ tầng, làm suy yếu Hamas và khiến tổ chức này không thể cung cấp dịch vụ xã hội hay duy trì an ninh trật tự tại dải đất 2 triệu dân.

Nhiều tháng qua, giới chuyên gia đã cảnh báo việc Israel không lập kế hoạch chuyển giao quyền lực tại Gaza sẽ dẫn đến hỗn loạn, khiến viện trợ khó khăn hơn và cản trở nỗ lực đánh bại Hamas. Những vụ nổ súng cuối tuần qua đã cho thấy cảnh báo đó chính xác ra sao.

Hôm 19-7, binh sĩ Israel nổ súng vào dân thường gần điểm phân phát thực phẩm do các nhà cung cấp tư nhân được Israel hậu thuẫn vận hành.

Sang ngày 20-7, lính Israel lại nổ súng vào dân thường khi đám đông tụ tập gần đoàn xe chở thực phẩm do Liên hợp quốc gửi đến các khu vực do Hamas kiểm soát.

Những người ủng hộ mô hình viện trợ do Israel hậu thuẫn đã tận dụng vụ việc hôm 20-7 để chỉ ra sự thất bại của hệ thống do Liên hợp quốc lãnh đạo.

Trong khi đó, phe ủng hộ hệ thống của Liên hợp quốc cho rằng vụ nổ súng hôm 19-7 đã cho thấy sự thất bại trong cách tiếp cận của Israel.

Israel lập luận rằng việc đặt các điểm phân phát thực phẩm tại khu vực ngoài quyền kiểm soát của Hamas là cần thiết, nhằm giảm nguy cơ chiến binh Hamas và dân thường cướp bóc lương thực.

Song, giới chỉ trích cho rằng cách làm này buộc dân thường phải băng qua các tuyến phòng thủ của quân đội Israel, đặt họ vào tình thế nguy hiểm hơn.

Khi Israel khôi phục viện trợ hồi cuối tháng 5, nước này đã áp dụng cơ chế khiến tình trạng hỗn loạn mới xuất hiện. Israel cho phép Quỹ Nhân đạo Gaza - tổ chức được cả Mỹ và Israel ủng hộ - phát thực phẩm từ chỉ vài địa điểm.

Để đến được các điểm phân phát mới, người Palestine thường phải đi bộ nhiều km, dẫn đến cảnh tượng tuyệt vọng khi họ chen lấn để nhận thực phẩm trước khi hết phần phát.

Cô lập ngoại giao

Theo báo New York Times, việc không thể tìm ra giải pháp cũng khiến Israel ngày càng bị cô lập về ngoại giao. Hôm 21-7, các quốc gia đã lên án cách hành xử của Israel là "không thể chấp nhận được" và yêu cầu Tel Aviv chấm dứt cuộc chiến ngay lập tức.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu vẫn khẳng định Hamas phải bị tiêu diệt hoàn toàn trước khi bắt đầu lập kế hoạch hậu chiến.

Nhưng giới chỉ trích, gồm cả nhiều người Israel, lập luận rằng nếu không lên kế hoạch thay thế Hamas, việc đánh bại nhóm này sẽ càng khó khăn hơn.

Ông Netanyahu nhiều lần từ chối thiết lập cơ chế chuyển tiếp, dù là bằng cách chiếm đóng quân sự chính thức hay trao quyền cho các lực lượng Palestine thay thế Hamas.

Đặc biệt, ông đã ngăn chặn khả năng Chính quyền Palestine quay lại Gaza. Chính quyền Palestine từng quản lý dải đất này cho đến khi Hamas giành quyền kiểm soát vào năm 2007.

Những rủi ro từ việc không lập kế hoạch cho Gaza hậu chiến đã được cảnh báo từ những tuần đầu của cuộc chiến vào cuối năm 2023.

Dưới sức ép từ các đồng minh cực hữu, ông Netanyahu đã tránh việc xây dựng bất kỳ kế hoạch cụ thể nào liên quan đến việc trao quyền cho Chính quyền Palestine.

Các nhà phân tích Israel và Palestine cảnh báo nếu không có chuyển giao quyền lực, khoảng trống quyền lực sẽ bị lấp đầy bởi những kẻ cướp bóc và các băng nhóm.

Theo các nhà phân tích và chuyên gia về phân phối viện trợ, cả hai hệ thống viện trợ nói trên chỉ là những giải pháp tạm bợ, xuất phát từ thất bại của Israel trong việc lập kế hoạch chi tiết cho quá trình chuyển giao quyền lực ở Gaza.

"Người ta đổ lỗi cho nhau và chỉ tập trung vào các chi tiết kỹ thuật cũng như cách phân phối viện trợ. Nhưng vấn đề lớn hơn chính là tình trạng vô luật pháp và sự sụp đổ của bộ máy quản trị", bà Shira Efron, chuyên gia về các hệ thống viện trợ Gaza tại Diễn đàn chính sách Israel ở New York, chỉ ra.

Bà nhấn mạnh: "Sau 22 tháng xung đột, Gaza đang rơi vào tình trạng hỗn loạn. Nếu không giải quyết được vấn đề cốt lõi về những gì sẽ xảy ra tiếp theo ở Gaza, thì sẽ không có giải pháp nào".

Chiến dịch không hồi kết của Israel cũng khiến các nhà chỉ trích trong nước đặt câu hỏi: Liệu sự hỗn loạn đang diễn ra là hậu quả ngoài ý muốn của việc lập kế hoạch yếu kém, hay là kết quả có chủ đích?

88%

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết gần 88% tổng diện tích Dải Gaza hiện nằm trong khu vực có lệnh sơ tán hoặc trong các vùng quân sự hóa do Israel kiểm soát, buộc hơn 2 triệu dân tại đây phải sống trong không gian ngày càng thu hẹp.

Gaza: viện trợ và cái chết - Ảnh 2.Israel điều xe tăng vào khu dân cư, người dân Gaza chết đói ngày một nhiều

Quân đội Israel lần đầu tiên điều xe tăng vào thành phố Deir Al-Balah ở Dải Gaza, trong khi số người chết đói tại đây ngày một tăng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên