Chiều 6-6, tại Văn phòng Điều phối nông nghiệp nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (TP Cần Thơ), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã có buổi tiếp và làm việc với bà Yvonne Pinto - tổng giám đốc Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI).
Lúa IR50404 được ưa chuộng
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết Việt Nam là trung tâm nguyên liệu lúa gạo nổi tiếng trên thế giới, hằng năm sản xuất hơn 43 triệu tấn lúa, trong đó riêng Đồng bằng sông Cửu Long là 24 triệu tấn, góp phần vào an ninh lương thực quốc gia và tham gia thị trường gạo quốc tế.
Thời gian qua Việt Nam nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của IRRI. Hiện tại về mặt quản lý nhà nước đã có gần 1.000 giống lúa, phần lớn có liên quan đến kết quả nghiên cứu của IRRI.
"Các bạn đã chuyển giao cho chúng tôi 25 bộ giống lúa mang thương hiệu IRRI, đặc biệt có giống IR50404 được người sản xuất và người lao động rất ưa chuộng. Hiện mỗi mùa vụ giống lúa này chiếm 10%, rất được người lao động thích, nhất là người đi biển vì dễ nấu, gạo ngon.
Trong bối cảnh hiện nay Việt Nam phải phát triển nhiều giống lúa để đáp ứng nhu cầu đa dạng các đối tượng, ngành nghề, tuy nhiên IR50404 vẫn chiếm một thị phần đáng kể.
Ngay gia đình chúng tôi, cậu, dì của tôi vẫn trồng giống lúa IR50404. Mặc dù các giống khác có giá trị cao hơn nhưng các cậu, dì của tôi nói rằng giống này dễ trồng, dễ bán.
Tôi muốn nói điều đó để chứng minh sự hợp tác của IRRI với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là rất chặt chẽ, chúng tôi cảm ơn IRRI không chỉ trong việc chuyển giao giống lúa mà còn hỗ trợ đào tạo và nhiều lĩnh vực khác trong ngành hàng lúa gạo", ông Nam nói.
Đề nghị hỗ trợ xây dựng thương hiệu lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Ông Trần Thanh Nam cho biết Việt Nam đang triển khai đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là đề án do Chính phủ Việt Nam chỉ đạo toàn diện với mục đích chính là nâng cao chất lượng lúa gạo, phát thải thấp, đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp để gia tăng giá trị và bảo vệ môi trường.
Theo ông Nam, để nâng cao giá trị hạt gạo thì phải được thị trường chấp nhận, vì vậy đề nghị với kinh nghiệm mình, IRRI hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn và thương hiệu gạo chất lượng cao, phát thải thấp để Việt Nam đưa gạo ra thị trường quốc tế.
Đáp từ, bà Yvonne Pinto cam kết tăng cường hợp tác giữa IRRI và Việt Nam. Về đề nghị hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn gạo chất lượng cao và phát thải thấp, IRRI và các nhà khoa học đã có nghiên cứu nhu cầu của người tiêu dùng, thị hiếu về vị gạo, các yêu cầu về mặt dinh dưỡng của người tiêu dùng trên thế giới… và có thể chia sẻ những kết quả nghiên cứu này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận