30/07/2019 14:38 GMT+7

Gặp những chàng trai Đà Nẵng ở Trường Sa

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Những ngày biển Đông đang "nóng" lên bởi các hoạt động của tàu Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam, tôi lại nhớ đến hình ảnh những chàng lính Trường Sa.

Gặp những chàng trai Đà Nẵng ở Trường Sa - Ảnh 1.

Chàng trai Đà Nẵng Lê Công Tuấn (phải) ở đảo Sinh Tồn Đông - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Ánh mắt những chàng trai Đà Nẵng hiếm hoi nơi mũi đất cực Đông xa xôi của Tổ quốc cứ gợi lên trong tâm trí.

Nhắc lại một thời máu và hoa

Vượt hơn 1.000 hải lý đến với quần đảo Trường Sa, sau đảo Len Đao, Sinh Tồn Đông là nơi ngày đầu chúng tôi đặt chân đến.

Ở đây tôi gặp Lê Công Tuấn (23 tuổi), chàng trai Đà Nẵng hiếm hoi ở Trường Sa. Được biết có đồng hương Đà Nẵng ra đảo, Tuấn bốc xong mấy thùng hàng quà xếp gọn, quệt mồ hôi chạy ù tới chúng tôi. 

Cậu bạn cười hiền, ánh mắt đúng chân chất thật thà của người miền Trung. "Em nghe có anh chị nào người Đà Nẵng ra thăm ạ?". Thấy tôi chào và dang tay ôm nhận đồng hương, anh cười tươi lộ chiếc răng khểnh dễ thương nổi bật giữa làn da rám nắng.

Nhận món quà quê hương từ tay tôi, Tuấn vui lắm. Anh hỏi thăm những ngày lênh đênh trên biển có mệt không, có say sóng không, hỏi về Đà Nẵng thân yêu có đổi thay nhiều?

Gặp những chàng trai Đà Nẵng ở Trường Sa - Ảnh 2.

Tuấn (thứ 2 bên phải) cùng giao lưu với đoàn công tác số 10 thăm Trường Sa - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Gần 2 năm rồi vì nhiệm vụ anh chưa về nhà, cũng nhớ nhà lắm nhưng mỗi lần gọi về, gia đình anh lại động viên.

Ba mẹ Tuấn sắp sửa bước sang tuổi 60, nhà có 3 chị em, Tuấn là con út nhưng gia đình ai nấy đều ủng hộ việc anh ra làm nhiệm vụ ở Trường Sa.

"Ở đây chỉ mỗi mình em là người Đà Nẵng thôi. Vì quê quán trong giấy khai sinh em ở Tam Kỳ, Quảng Nam nên em nhập ngũ Vùng 4 Hải quân mà không phải Vùng 3 như các bạn" - Tuấn tâm sự.

Trong câu chuyện với Tuấn giữa nắng hè oi ả, chúng tôi nhắc về vùng đảo Gạc Ma cách nơi Tuấn đóng quân không xa. Nơi đó nằm lại giữa biển khơi mãi mãi trước họng súng Trung Quốc là những chàng trai Đà Nẵng tuổi mười tám - Trung Đoàn 83 Công Binh.

Trận hải chiến diễn ra vào sáng 14-3-1988 tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc khu vực đảo Sinh Tồn cách đất liền Việt Nam hơn 400km.

Những chàng trai trẻ Đà Nẵng đã anh dũng xả thân mình trên bãi san hô Gạc Ma để giữ vững lá cờ Việt Nam.

Tuấn bảo rằng trong cuộc sống yên bình ở Trường Sa hôm nay, những người lính Trường Sa vẫn nhắc lại cho nhau nghe một thời máu và hoa của thế hệ cha anh năm xưa.

Là người con Đà Nẵng, mỗi khi nghĩ về sự hi sinh thiêng liêng của cha anh ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao…, em lại càng thêm quyết tâm chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu, đồng thời đề cao cảnh giác trước những âm mưu gây hấn phá hoại của kẻ thù.

Lê Công Tuấn

Hỏi Tuấn điều gì khác biệt nhất ở cuộc sống nơi đảo xa với quê nhà. Anh cười hiền "Ở đây bọn em đứng tắm trên một máng hứng, phía dưới là bể trữ nước để dùng cho việc giặt và tưới cây, tăng gia sản xuất. Anh em lính đảo ai cũng tự ý thức chỉ sử dụng 15 - 20 lít nước mỗi ngày tiết kiệm điện, nước cho sản xuất và chiến đấu" - Tuấn chia sẻ.

Gặp những chàng trai Đà Nẵng ở Trường Sa - Ảnh 4.

Ngoài làm nhiệm vụ, học tập, các chiến sĩ ở Trường Sa tăng gia sản xuất - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Thiếu tá Nguyễn Văn Trung, chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông cho biết: "Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ, học tập, Tuấn thực hiện rất nghiêm túc các phong trào thi đua, năng nỗ và nhiệt tình trong các phong trào văn nghệ. Đặc biệt rất biết giúp đỡ và hỗ trợ anh em".

6 lần đến Trường Sa

Bên cạnh cái nắng, gió và những chiến sĩ trên đảo, điều làm cho tôi nhớ nhất về chuyến hải trình vượt biển Đông đến với Trường Sa là chàng thuỷ thủ trẻ Trần Thắng (26 tuổi) trên tàu KN-290.

Gặp những chàng trai Đà Nẵng ở Trường Sa - Ảnh 5.

Từ Đảo Sinh Tồn Đông nhìn ra tàu Kiểm Ngư 290 - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Cái chân thật và giọng nói không lẫn vào đâu được của một chàng trai Đà Nẵng khiến tôi không khó nhận ra anh. Thắng làm nhiệm vụ vận hành máy tàu KN-290 được hơn 3 năm rồi.  Anh khoe đã 6 lần đưa đoàn công tác đến Trường Sa.

Ngoài thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.  Kiểm ngư còn bảo vệ ngư dân và chủ quyền quốc gia trên biển.

Gặp những chàng trai Đà Nẵng ở Trường Sa - Ảnh 6.

Thủy thủ tàu Kiểm ngư làm việc trên xuồng máy giữa vùng biển Trường Sa - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Ở trên tàu, công việc vất vả hơn đất liền gấp nhiều lần. Những ngày đưa đoàn công tác ra thăm Trường Sa, trọng trách của những chàng trai kiểm ngư còn nặng nề hơn gấp bội. Để di chuyển từ tàu vào các đảo, các đại biểu phải đi bằng xuồng máy lần lượt ra vào. Và những anh lính kiểm ngư luôn túc trực có mặt sớm nhất và nghỉ ngơi muộn nhất. Thắng Cũng không ngoại lệ.

Công việc tưởng chừng như đơn giản, nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, đòi hỏi những người lái xuồng phải luôn cẩn trọng, tập trung cao độ.

Những ngày lênh đênh trên biển, tôi hỏi Thắng điều gì đưa đẩy anh đến Trường Sa đến 6 lần. Anh trả lời gọn lỏn: "Trước vì thực hiện nhiệm vụ chứ thực tâm không thích". Tôi biết câu hỏi khó có câu trả lời như tôi mong muốn bởi ở giữa biển khơi, không sóng điện thoại, xa gia đình, người thân. Nắng gió cộng với vị mặn chát của muối biển sẽ là một trở ngại lớn với những chàng trai thành phố như Thắng.

Tôi lại hỏi: "Cảm giác không thích của lần 1 khác với lần thứ 6 như thế nào?" Chàng thủy thủ ngại ngùng: "Cảm giác mỗi lần khác nhau. Mức độ không thích giảm dần và niềm ao ước được đứng giữa vùng biển, vùng trời của tổ quốc tăng lên".

Tôi hỏi sau lần thứ 6, có muốn đi nữa không, anh cười hiền: "Nếu được thì đi chứ, không sẽ nhớ Trường Sa lắm".

​Ra mắt chuyên mục ​Ra mắt chuyên mục 'Tôi yêu Đà Nẵng' trên báo Tuổi Trẻ

TTO - Sáng 23-3, tại Đà Nẵng, báo Tuổi Trẻ và UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức lễ ra mắt chuyên mục Tôi yêu Đà Nẵng.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên