19/06/2022 11:20 GMT+7

'Gặp nhau' trong dạy con

TẤN KHÔI
TẤN KHÔI

TTO - Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có sự khác biệt riêng về tính cách, lối sống. Tất nhiên, nếu hiểu điều này và lắng nghe để thấy để hiểu rõ từng đứa trẻ, cha mẹ sẽ có cách ứng xử phù hợp và giúp con phát triển tích cực.

Gặp nhau trong dạy con - Ảnh 1.

Hiểu từng đứa trẻ để có thể ứng xử phù hợp - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Và đôi khi vì chuyện dạy con mà không ít gia đình có mâu thuẫn nhất định.

1. Ngày chị M. (TP Thủ Đức) sinh con đầu lòng, cả nhà đều vui mừng vì đó là kết quả của cuộc hôn nhân đầy tình yêu của anh chị. Nhưng có lẽ vì là đứa cháu đầu tiên nên cả ông bà nội ngoại đều tập trung tình thương, thậm chí muốn... giành nuôi, dạy cháu theo cách của người lớn.

"Ông bà vẫn hay nói hồi xưa cha mẹ nuôi dạy các anh các chị sao thì giờ nuôi dạy cháu như vậy, có sao đâu", chị kể. Nhưng thực sự, dạy trẻ bây giờ có nhiều điều mới hơn, chẳng hạn như có cho trẻ xem tivi hoặc điện thoại hay không, làm sao nói với trẻ về những thay đổi cơ thể tuổi mới lớn và tình yêu khi con bước vào tuổi dậy thì là điều không dễ.

"Trẻ bây giờ nhiều vấn đề hơn" - chị M. nhận ra và thấy mình cần phải học làm cha mẹ hiện đại chứ không thể quản con theo cách của ông bà xưa. Mâu thuẫn trong việc dạy con cháu giữa hai thế hệ là một trong những vấn đề khiến trẻ bị ảnh hưởng tâm lý không nhỏ. 

Có thể từ đây, giữa ông bà - cha mẹ của con có xung đột, tạo không khí căng thẳng ngầm. Tiếp đến là ông bà sẽ nói một đường, cha mẹ một nẻo khiến trẻ không biết đâu mà lần, dẫn tới con càng hoang mang trong định hướng bản thân.

2. Câu chuyện mâu thuẫn trong dạy con, định hướng phát triển cho con còn xảy ra giữa chính cha và mẹ. Anh T.L. chia sẻ, gia đình trở nên bớt ấm khi có thêm cậu con trai thứ hai. 

Với cậu con đầu khá ngoan hiền nên mọi việc nuôi dạy khá nhẹ nhàng. Con trai thứ hai cá tính và luôn muốn thể hiện mình trong nhiều thứ nên có lúc cãi lời anh chị. Anh cho rằng không thể để con muốn làm gì thì làm, cần có uốn nắn nhất định. Chị S., vợ anh, thì bảo hãy tôn trọng con và đừng áp đặt này nọ khiến con càng khó dạy hơn.

Tất nhiên, cả hai đều muốn tốt cho con nhưng phương pháp sử dụng cho việc dạy con có khác một chút nên sinh ra mâu thuẫn. "Cũng có lúc cự cãi này kia nhưng rồi đêm nằm cùng nhau, cả hai nói chuyện, giãi bày lo lắng sâu xa, tất cả đều mong con phát triển đúng với tính cách, sở trường chứ không phải vì cá nhân của mình nên dần tìm hướng giáo dục phù hợp nhất", chị S. kể.

3. Tìm hướng ra cho việc dạy con, tất cả vì trẻ chứ đừng vì mình là kết luận anh M. đồng ý với vợ để rồi sau đó anh và chị quan sát con nhiều hơn, trong trường hợp nào thì cùng "rắn" và lúc nào mềm mỏng. Cuối cùng, kết quả đưa tới khá tốt khi anh chị vừa hòa giải được với nhau vừa giúp con kiềm chế được bản thân.

"Có những người vì quá thương con nên thấy con mình cái gì cũng tốt, điều này sẽ... gây hại cho con về lâu dài bởi con sẽ nghĩ dù có gì thì cũng đã có ông bà, cha mẹ bao bọc, chấp nhận", anh L. chia sẻ.

Theo chị M., trẻ nhỏ bây giờ phát triển sớm hơn thế hệ trước (cả sinh lý và tâm lý) nên nếu không học làm cha mẹ từ trước, để bị động trong dạy trẻ thì chính cha mẹ khó đồng hành với con. Ông bà có thể dạy cháu nhưng không nên can thiệp quá sâu bởi sẽ tạo ra những mâu thuẫn không đáng có trong gia đình. "Bầu không khí, năng lượng và từ trường trong gia đình cũng góp phần cho sự phát triển tích cực hay không đối với trẻ cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến các mối quan hệ thân cận", chị M. nói như rút ruột từ thực tế chuyện nhà mình.

Dạy con cần tinh tế

Tinh tế trong dạy con là tránh những cãi vã trong gia đình. Đừng nghĩ trẻ con không biết gì. Ngay từ nhỏ các con đã biết quan sát, nắm bắt thông tin, nhận định được thái độ của người lớn đối với nhau và đối với mình. Có thể thấy điều này khi trẻ dù nhỏ nhưng luôn biết ai thương mình và cũng thương lại người ấy bằng sự gần gũi, thích thú khi chơi cùng.

Tinh tế trong dạy con còn là hiểu từng đứa trẻ để có thể ứng xử phù hợp. Có những trẻ phải "cầm tay chỉ việc" nhưng nhiều bạn nhỏ khác thì hãy để con có tự quyết, chỉ cần nói "cha mẹ tin con" là đủ.

Tránh áp đặt trẻ. Có nhiều chuyện đối với cha mẹ là tốt nhưng không phù hợp với con thì chính cha mẹ phải học cách chấp nhận cá tính, sở thích, xu hướng đặc biệt/ khác biệt với số đông của con mình. Mỗi đứa trẻ, mỗi con người đều

là một, là riêng và hoàn cảnh, thời đại của mỗi người cũng khác nhau, luôn thay đổi, nên không có lý do gì người lớn lại bắt trẻ phải giống mình cũng như thời đại mình sống.

ThS Giáo dục LÊ TRƯỜNG AN (giảng viên Trường đại học Mở TP.HCM)

Cần khéo léo khi dạy con ở tuổi dậy thì Cần khéo léo khi dạy con ở tuổi dậy thì

TTO - Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, có rất nhiều bậc cha mẹ thường than phiền dạy con ở tuổi dậy thì thật khó.

TẤN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên