17/03/2019 09:33 GMT+7

Gặp người lâm nạn: Đừng lướt qua nhau!

THÁI HOÀNG
THÁI HOÀNG

TTO - Thấy người bị tai nạn giữa đường mà không giúp, chỉ xem vì tò mò rồi bỏ đi. Thấy người bị đánh mà không can ngăn, chỉ lo quay clip để tung lên mạng. Chúng ta trở nên vô cảm trước khốn khó, tai nạn của người khác?

Gặp người lâm nạn: Đừng lướt qua nhau! - Ảnh 1.

Người đi đường giúp một phụ nữ bị nạn trên đường Võ Văn Kiệt, quận 5, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Tuổi Trẻ giới thiệu hai ý kiến bạn đọc bàn về chuyện này.

Dửng dưng, mặc kệ

Trong vòng một tháng qua, tôi gặp 5 vụ người gặp nạn giữa đường. Cả 5 vụ đều thấy những kiểu hành xử dửng dưng, vô cảm.

Tai nạn xảy ra vào một buổi sáng trên đường Trường Sa, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Một thanh niên đang giúp hai người té xe. Phía trước, bác tài chạy xe ôm công nghệ (chừng 50 tuổi) hối anh lên xe để bác ta chở đi. Thấy tai nạn nên anh ta nói bác tài dừng lại để giúp. Chỉ chờ ít phút, bác tài yêu cầu đi ngay. Lẽ ra lúc đó bác tài cũng nên xuống xe và cùng giúp người gặp nạn, cùng dìu người bị nạn hoặc dẫn xe vào lề chẳng hạn.

Chuyện trên đường Cách Mạng Tháng 8, phường 5, quận 3, một phụ nữ chạy xe cán phải hòn đá té xuống đường. Hai xe chạy sau bất ngờ không xử lý kịp, cả ba xe đều ngã. Hai người cố gắng dựng xe lên. 

Người phụ nữ đau đớn cần người cứu giúp. Hai nam sinh đi bộ ngang qua thản nhiên nhìn người bị nạn. Tôi tìm chỗ cho xe lên vỉa hè và ra giúp chị, một người đàn ông khác cũng vừa tới. Tôi lên tiếng "Sao không giúp chị ấy đi?", cả hai nam sinh mới chạy ra giúp. 

Người phụ nữ bị xe đè và chị không thể tự mình thoát khỏi xe. Nếu mọi người chậm tay, biết đâu chị có thể bị thương nặng hơn. Nhìn hai nam sinh cao lớn mà chạnh buồn, buồn vì các em hoặc không biết xử lý tình huống thực tế trên đường phố (giỏi kiến thức sách vở, dở kiến thức thực tế) hoặc vô cảm, dửng dưng. 

Một phụ nữ chở trái cây đang loay hoay cố gắng dựng xe hàng lên ở ngã tư Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Bình, TP.HCM) nhưng không thể dựng được do hàng nhiều và nặng. Hai người đàn ông ngồi trên vỉa hè vô tư chuyện trò, không đoái hoài. 

Tôi dừng xe sát lề cùng chị đỡ xe lên. Một người đàn ông chạy xe máy dừng xe và một thanh niên phía bên kia đường cũng bước qua giúp. Tôi đã nói lời cảm ơn họ. Người phụ nữ cho biết chị suýt đập đầu xuống đường vì một nam thanh niên chạy ẩu va vào chị.

Một chiều khác, tôi lại gặp một phụ nữ té cạnh xe máy ở đường Hoàng Diệu, quận 4. Tôi và một thanh niên chạy đến đỡ chị lên. Chị chỉ bị đau ở chân. Nguyên do một người đàn ông chạy xe vượt đèn đỏ nên đụng vào xe chị, thấy chị té nhưng ông ta chạy luôn.

Khoảng 19h ngày 13-3, trên đường đi làm về, đến đường 3A, Khu công nghiệp Biên Hòa 2, phường An Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai, tôi nhìn thấy bên kia đường một phụ nữ đứng dựa vào cây xanh trên vỉa hè, chiếc xe máy đổ nghiêng. Nhiều người chạy xe qua nhưng không hề dừng lại. 

Tôi tìm chỗ quay đầu xe, quẹo lại để giúp đỡ. Em cho hay trên đường đi làm về vì hơi chóng mặt và mệt, không thể chạy xe tiếp. Đến đoạn này mệt quá nên xe ngã về phía vỉa hè, may sao không bị gì. Em mang thai bảy tháng, nhà cách đó khoảng 2km.

Thật đáng buồn cho sự dửng dưng của người qua lại trước tình cảnh đặc biệt này. Mong đừng vô cảm với tai nạn trước mắt (nhất là những vụ liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người). Cần nhiều hơn những tấm lòng đặt mình vào vị thế của người gặp nạn để sống văn minh hơn với cộng đồng.


Vô cảm hay né phiền phức?

Sau khi chụp ảnh ghi lại biển số xe buýt lạng lách, đánh võng, mới đây một nữ hành khách bị tài xế và nhân viên xe buýt ở Hà Tĩnh đánh đập dã man giữa ban ngày, không ai can ngăn.

Đúng ngày 8-3, dư luận bất bình về một clip ghi hình ảnh cô gái bị người đàn ông rượt đuổi đánh đập, cô vừa chạy vừa cầu cứu thất thanh trên đường Nguyễn Văn Lũy, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Thay vì can thiệp ngay hoặc tìm cách giúp nạn nhân, có những người chọn cách đứng nhìn, người thì quay clip.

Có ý kiến cho rằng nếu vào can ngăn lúc cô gái bị đánh không biết chừng mang họa thiệt thân, hay giúp đỡ người bị tai nạn giao thông cũng có thể gặp rắc rối như bị chửi bới, đổ oan, người thân nạn nhân hiểu lầm gây phiền phức, phải giải trình với công an...

Thậm chí có phụ huynh còn lưu ý con em mình khi ra đường nếu nhìn thấy tai nạn thì nên tránh đi, không bị ám ảnh, tránh bị vạ lây hay sự liên đới vì phải đưa nạn nhân đến bệnh viện, lắm khi phải trả viện phí, chưa kể các chuyện phiền phức khác.

Đất nước Nhật Bản tiện nghi tuyệt hảo, công nghệ tiên tiến phục vụ đời sống phần lớn đều tự động hóa đến nỗi không cần người khác giúp đỡ (từ các dịch vụ điện, nước, viễn thông, thu gom rác hay thanh toán khi mua hàng thực phẩm). Đi lại trên đường phố có lối riêng biệt, âm thanh định hướng, nút ấn chữ nổi trong thang máy để người mù nhận biết...

Thế nhưng sau đó nước này cũng đã nhìn lại sự phát triển của mình. Đó là vào năm 2010, nhiều cơ quan báo chí đã đăng tin hàng trăm cụ già đơn thân tại các thành phố lớn, có người qua đời mấy ngày sau mới có người phát hiện.

Nhật Bản sau đó đã khắc phục bằng cách tạo không gian cho người dân giao tiếp với nhau nhiều hơn như đặt ghế đá trên đường phố, tạo thêm nhiều công viên và nơi dạo bộ, tổ chức sinh hoạt ngoài phạm vi gia đình, tuyên truyền vận động mọi người hãy quan tâm đến nhau hoặc tranh thủ trò chuyện trên xe buýt, tàu điện ngầm...

Nhưng người Nhật Bản vẫn ít khi giao thiệp, trò chuyện với nhau ở những nơi công cộng, tới nỗi giáo sư nổi tiếng nước này là Hiroaki Suzuki đã nói người Nhật đang lướt nhanh qua bên cạnh nhau hơn là đi cùng nhau.

Thiết nghĩ cuộc sống có hiện đại, tự động hóa, phát triển đến đâu cũng vẫn giữ văn hóa truyền thống, nhân văn giữa người và người. Trong cộng đồng, dù ở đâu, đô thị hay nông thôn, giàu có hay nghèo khó, sự lạnh lẽo và vô cảm làm cho con người không được lành mạnh về tinh thần, dẫn đến chất lượng sống bị sụt giảm. Cuộc sống còn ý nghĩa gì khi thiếu vắng sự quan tâm giữa người với người, ai ai cũng cảnh giác đề phòng, sợ phiền phức nếu giúp người khác?

Giúp người gặp nạn là một trong những tiêu chí cao nhất khi đề cập đến chất lượng sống, tính nhân văn ở bất kỳ xã hội nào. Tôi ấn tượng với câu nói: "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực, mà là nơi thiếu vắng tình thương".

ĐỖ NGÔ TRẦN

THÁI HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên