Tim Severin và Lương Viết Lợi gặp lại nhau sau hơn 20 năm - Ảnh: Quốc Thoại |
Tim Severin giờ đây vẫn trông trẻ hơn tuổi thật ngoài thất thập của ông, đơn giản vì ông có sở thích du hành không ngừng nghỉ. Ông đã thực hiện chín chuyến thám hiểm trên khắp các châu lục từ năm 1961 khi ông vừa tròn 21 tuổi, cho đến 1999 ông đã 59 tuổi.
Vận chiếc áo sơmi xám bỏ trong quần tây đen, đội chiếc mũ lưỡi trai xám và mang đôi giày tây đế thấp bằng cao su màu nâu, ông sải những bước dài xuống tàu du lịch Crystal Symphony trong một buổi chiều oi ả với nhiệt độ ngoài trời 36-370C. Chiếc tàu du lịch với sức chứa gần 1.000 hành khách này lưu lại TP.HCM trong ba ngày trước khi nhổ neo đi Hong Kong ngày 4-4-2014. Hai phóng viên Tuổi Trẻ đón ông tại cảng.
Điều bất ngờ cho Tim
“Đây là lần thứ hai tôi đến VN và chuyến đi lần này gợi tôi nhớ những kỷ niệm đẹp, đặc biệt là với con người VN”, ông trầm ngâm. Đôi mắt người đàn ông 74 tuổi long lanh như đang gợi nhớ về khoảng thời gian ông lưu lại Sầm Sơn để đóng bè tre và chuẩn bị cho chuyến hành trình vượt Thái Bình Dương trên chiếc mảng thô mộc này.
“Người VN rất thông minh, siêng năng và tràn đầy nhiệt huyết. Một khi đã quyết tâm làm gì, họ sẽ làm đến cùng, bất kể thời gian và bất chấp gian khổ”, ông hồi tưởng quá trình làm bè mảng tại Sầm Sơn.
Ông đang chờ đợi một điều bất ngờ khi trên đường đến nhà ông Đỗ Thái Bình, dịch giả quyển sách Bè tre VN du ký - 5.500 dặm vượt Thái Bình Dương của Tim Severin...
Bước xuống xe, ông chỉ vào căn nhà trước mặt, hỏi phóng viên Tuổi Trẻ: “Đây là nhà Bình?”.
Ngay sau đó ông Bình xuất hiện và mở cửa đón Tim. Sau khi chào xã giao, ông Bình chỉ tay về phía một người đàn ông trung niên tay cầm một bó hoa từ nhà trong bước ra nói: “Đây, đây chính là điều bất ngờ”.
“Tim!”. “Loi!” - Tim kêu lên tên Lợi (Lương Viết Lợi là thủy thủ VN duy nhất tham gia chuyến thám hiểm) bằng giọng lơ lớ. Hai người ôm chầm lấy nhau. Họ, hai con người, hai quốc tịch, nói hai ngôn ngữ khác nhau, đã sống chết cùng nhau trong 105 ngày trên chiếc bè tre vượt Thái Bình Dương hơn 20 năm về trước.
Sau hơn hai thập niên, người chỉ huy nay đã cao tuổi với mái tóc bạc trắng và dáng vẻ không còn oai vệ như xưa. Người thủy thủ nay cũng trở thành người đàn ông cuối tuổi trung niên. Nhưng dường như chuyến đi năm xưa nay vẫn trở thành những ký ức đẹp mà họ có thể ngồi hàng giờ để kể lại cho con cháu.
Cuộc hội ngộ tại TP.HCM giữa Lương Viết Lợi, Tim Severin và dịch giả Đỗ Thái Bình (từ trái sang) - Ảnh: Quốc Thoại |
Một chút hối tiếc...
Cuộc gặp kéo dài hơn ba giờ này trong phút chốc gần như trở thành cuộc hội thoại giữa hai người. Họ trao đổi với nhau bằng thứ tiếng Anh chuẩn mực của Tim và tiếng Anh “bồi” của Lợi, người mà - theo dịch giả Đỗ Thái Bình - là một “anh nhà quê thứ thiệt” chưa đi ra khỏi làng quê mình trong suốt 56 năm cuộc đời, trừ chuyến đi vượt Thái Bình Dương, và chuyến vào TP.HCM để gặp lại Tim lần này. “Không lời lẽ nào diễn tả được niềm vui của tôi khi được gặp lại Tim sau ngần ấy năm” - ông Lợi nói.
“Hồi ấy, khi Tim hỏi tôi là ông ấy sẽ vượt Thái Bình Dương trên mảng Sầm Sơn, liệu Lợi có đi không, tôi trả lời ông rằng ông đi được thì tôi cũng đi được, với tâm niệm cái gì người nước ngoài làm được thì người VN cũng làm được”. Câu nói định mệnh ấy đã gắn kết hai con người tưởng chừng rất khác nhau ấy lại với nhau.
Tim nhận định rằng Lợi là người năng nổ và thạo việc nhất trong số những người tham gia đóng mảng, những người luôn bắt đầu công việc từ sáng tinh mơ. “Vậy nên khi Lợi nói với tôi rằng anh ấy muốn tham gia chuyến hành trình, tôi cảm nhận một điều gì đó rất đặc biệt sẽ đến vì tôi biết anh ấy là người xuất sắc nhất”.
Bè mảng và các bộ phận điều khiển như buồm, dây và xiếm trông bề ngoài đơn giản như thế, thực tế lại là một kết cấu rất phức tạp và cần những thủy thủ thật sự giỏi để điều khiển nó một cách thuần thục. Chính những ngư dân Sầm Sơn như Lợi mới là những người đủ kỹ năng và kinh nghiệm điều khiển loại phương tiện này, những kỹ năng rất khác so với việc điều khiển tàu bè thông thường. “Trong lúc ở Sầm Sơn tôi có chụp hình lại đội hình bè mảng của dân địa phương ra khơi đánh cá, và những bức ảnh đó là minh chứng hùng hồn nhất cho điều này”.
“Chỉ với bè mảng, một loại phương tiện vô cùng ổn định và không bị sóng đánh ngả nghiêng khi chạy trên mặt nước, cùng với những thủy thủ lành nghề, mới giúp chúng tôi vượt biển an toàn và tránh nguy cơ bị sóng to làm lật úp” - Tim lý giải.
Tim cầm sợi dây mây được ông Lợi mang vào từ Thanh Hóa nói: “Rất đơn giản, cũng với vật liệu ấy, mô hình kết cấu ấy, cách đóng ấy, chỉ khác là tất cả các sợi mây dùng để buộc các thanh tre sẽ được xử lý kỹ hơn, nhúng qua nước sơn để bền hơn khi ngâm trong nước biển lâu ngày”.
“Nếu đi lần nữa, chúng tôi sẽ đến được đất Mỹ, chắc chắn, vì nguyên nhân chính khiến tôi phải ra quyết định rời bỏ mảng lần trước là do các dây mây buộc nối các thanh tre mục rã dần do không được xử lý kỹ như đã làm với các cây tre dùng làm mảng. Tuy Lợi khăng khăng là mảng còn đi được khoảng một tháng nữa, nhưng vì sự an toàn của các thành viên trên mảng, tôi phải ra quyết định khó khăn ấy”.
Tim Severin đùa rằng ông sẽ thử nghiệm chuyến đi này một lần nữa, với điều kiện ông đã không từng đi một chuyến rồi, nhưng ông Lương Viết Lợi khẳng định rất đanh thép: “Nếu Tim còn đủ sức đi một chuyến nữa, tôi sẽ đi cùng ông”.
Còn dịch giả Đỗ Thái Bình cho hay yếu tố con người là điều ông thích nhất trong quá trình dịch quyển sách này. “Tim đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình trong vai trò một nhà tổ chức, một người lãnh đạo uy tín, có khả năng đoàn kết một tập thể gồm nhiều con người đến từ nhiều đất nước và nền văn hóa rất khác nhau, đặc biệt trong đó có Lợi, người đóng vai trò chính trong việc lèo lái con tàu, lại không được học hành đến nơi đến chốn như những người khác”.
Ông Đỗ Thái Bình xuất thân là một kỹ sư đóng tàu, sau đó làm hàng hải và nghiên cứu chuyên sâu về hai mảng này trong suốt mấy chục năm. Ông cho rằng tinh thần hàng hải của dân tộc mình cần được biết đến và khuếch trương bằng nhiều cách. “Trong khả năng của mình, vì tuổi cũng đã cao, tôi chọn việc dịch sách và trong năm nay sau quyển Bè tre VN du ký - 5.500 dặm vượt Thái Bình Dương, tôi sẽ dịch thêm hai quyển sách của hai tác giả Pháp viết từ đầu thế kỷ trước là Thuyền buồm ở Đông Dương và Thuyền và ngành đóng tàu của VN. Đây là những công trình của người nước ngoài nghiên cứu về thuyền bè VN rất chi tiết, sâu sắc và khoa học” - ông cho biết. “Cái đáng buồn hiện giờ là hai ngành khoa học là dân tộc học hàng hải và khảo cổ học hàng hải của VN chỉ là con số không. Một dân tộc biển như người VN sẽ chỉ thật sự mạnh khi ngoài những tàu chiến, chúng ta còn phải phổ cập bơi lội, lặn, chơi thuyền buồm, lòng ham thích say mê đi biển, có những nhà khảo cổ sẵn lòng lặn sâu xuống biển tìm hiểu truyền thống đi biển xa xưa của dân tộc mình”. “Chính một dân tộc biển với tinh thần hàng hải như thế là cơ sở để giữ gìn chủ quyền biển đảo của mình bền vững và dài lâu”. |
__________
Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Bè tre Việt Nam vượt Thái Bình Dương Kỳ 2: Lên đường Kỳ 3: Cuốn theo dòng hải lưu đen Kỳ 4: Tiến vào đại dương bao la Kỳ 5: Trôi trong bão dông Kỳ 6: Một nghìn dặm cuối Kỳ 7: Vĩnh biệt bè tre
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận