06/04/2014 12:05 GMT+7

Một nghìn dặm cuối

Tim SEVERIN (Đỗ Thái Bình - Vũ Diệu Linh dịch)
Tim SEVERIN (Đỗ Thái Bình - Vũ Diệu Linh dịch)

TT - Tháng 11 mở đầu với những cảnh báo đáng lo ngại về một “trận bão đang phát triển” và chúng tôi cố gắng tìm mọi biện pháp dự phòng. Rồi “trận bão đang phát triển” cuối cùng đã tới!

Lúc chạng vạng, gió đông nam tăng lên tới 40 hải lý/giờ, sóng biển cao tới 10m, mọi thứ đều rối bời.

7zu87nrY.jpg
Giữa Thái Bình Dương, Tim Severin ngã gãy hai xương sườn - Ảnh tư liệu của Tim Severin

Muốn rã ra từng mảnh

Lúc đầu chúng tôi vẫn giữ hai thép buồm, nhưng đến 11g30 đêm, trong mười phút gió đổi hướng 45 độ, tốc độ tăng lên tới 45 hải lý/giờ, sau đó dịu đi và trở lại hướng cũ.

Trong mười phút cực kỳ nguy hiểm đó, tôi sợ áp lực gió có thể vật đổ cột buồm chính. Lợi và tôi đang trực nên tôi hét lên với cậu ta “Hạ buồm! Hạ buồm!”, tay chỉ về phía cánh buồm chính.

Sau đó chúng tôi để cho mảng được thả trôi theo gió bão, khắp xung quanh dông bão dữ dội, xé nát mặt biển. Mảng nâng lên hạ xuống theo những con sóng đang chạy tràn qua nó.

Sau đó đỉnh sóng được thả tự do và va đập mạnh vào bên mạn, còn thân sóng thì luồn dưới thân mảng. Cú va đập này thật đáng sợ: toàn mảng rung lên và cảm giác thật đặc biệt với ai ngồi trong cái cabin tre mỏng manh đang bị lắc và uốn dưới những cú va đập.

“Chẳng khác gì tên lửa chạm đất” - Joe mô tả như vậy khi hàng tấn nước ụp lên đầu cabin, hoàn toàn phủ kín lấy nó. Vào lúc tồi tệ nhất, khung cabin với những thanh gỗ nhỏ nhắn buộc lạt với nhau kêu lên răng rắc.

Năm giờ sau, qua bản tin thời tiết, chúng tôi được biết là vừa thật sự trải qua một trận bão “chính thức” có sức gió 50 dặm/giờ.

Lợi gọi tôi lại xem xét tình hình cabin phía trước. Cậu ta lật tấm chiếu tre để lộ ra phần tre đan của đáy cabin. Trông nó thật kinh khủng.

Một chỗ u phồng lên to tướng từ phía dưới nhô lên trông như một cái nhọt sắp bục ra. Nếu vỡ ra, sàn tre sẽ gãy đứt và rơi xuống biển.

Có một cái gì đó chưa đoán biết được đã thúc mạnh lên đáy cabin tới mức làm đứt gãy những thanh xà sàn cabin dày tới bảy, tám phân.

Chúng tôi vội vàng phải tìm xem nguyên nhân làm cho đáy cabin hư hỏng. Nhưng đáy cabin lại được buộc với thân mảng trong khi nước trồi lên và len lỏi quanh các thanh tre.

Cách duy nhất có thể tiếp cận được là tháo hẳn cabin khỏi sàn mảng, nâng nó lên trời giữa đại dương mênh mông để xem ở dưới đáy đã xảy ra chuyện gì.

Giữa Thái Bình Dương, chúng tôi bắt đầu tháo ngôi nhà của mình ra từng mảnh. Nguyên nhân gây hư hỏng phát hiện ra ngay: đầu cuối của một cái sườn cong, một thanh gỗ khỏe chạy theo chiều dọc mảng đã bị gãy tại chỗ nối nên đẩy lên cọ vào đáy cabin.

Suốt sáu giờ Trondur và Lợi chui dưới đáy cabin trước nhớp nháp, gập mình trong một khoảng không chật hẹp, sóng đánh phả vào mặt vào đầu gối trong khi hai người buộc hai thanh sườn vào vị trí.

Ẩm ướt, xám xịt cùng gió giật dữ dội, thời tiết tiếp tục gặm mòn cả bè mảng và thủy thủ đoàn. Năm ngày tiếp theo chúng tôi chẳng được ngơi nghỉ.

Đây là phần đầu của nỗi thống khổ của chúng tôi: thời tiết xấu đang muốn rã mảng thành từng mảnh. Ngày tiếp ngày biển động, tức là mảng bị đập phá và thân mảng là những cây tre được gom lại chậm chạp vì những dây mây buộc yếu ớt đã bị đứt.

Chúng tôi lại còn có thể dự báo trước lúc nào thì những cây tre dưới thân mảng có thể lăn ra và trồi lên: việc này thường xảy ra khi chúng tôi đổi lèo sau một hồi gió mạnh.

Khi mảng nằm đều đều theo cùng một góc với hướng gió và sóng thì mọi cây tre lơi lỏng được gom tại chỗ dưới thân mảng.

Nhưng khi chúng tôi vừa chuyển hướng buồm, mảng nghiêng nhẹ sang một góc khác thì các cây tre vừa được gom lại sẽ được thả lỏng ra và chúng nổi bồng bềnh về phía đầu gió của thân mảng.

Bởi vậy chúng tôi phải chiến đấu, cố gắng tính toán xem mảng đang bị bửa ra với tốc độ là bao, và cố gắng tìm mọi cách để cứu những cây tre lơi lỏng trước khi nó trôi đi mất và buộc nó vào vị trí.

Có một phần thứ hai, đó là gió chống lại chúng tôi.

Vào ngày thứ 92, chúng tôi đã vượt qua cái vạch tưởng tượng 1.000 dặm nằm giữa chúng tôi và California. Hai ngày sau, chúng tôi chỉ còn phải vượt 925 dặm nữa là tới nơi.

Nhưng sau đó gió đổi chiều, tăng lên tới cường độ một cơn dông, và tới ngày thứ 96 chúng tôi lại quay trở về cái dấu mốc 1.000 dặm, theo chiều ngược lại.

tBKbxuWQ.jpg
Một cây tre bị bung ra khỏi bè - Ảnh tư liệu của Tim Severin

“Gãy xương sống”

Bầu trời vẫn phủ đầy những đám mây bão nên mới 5g chiều mà trời đã tối sầm. Trong tình trạng mỏi mệt, tôi tưởng như có một nguồn lực phá hoại không còn biết phải trái từ địa ngục sâu thẳm đã hiển hiện nơi đây, đang chờ đợi để phá tan chiếc mảng.

Trời sáng tỏ, thấy tấm chắn của lều lái bằng tấm vải bạt để chặn gió và sóng nước đã bị sóng xé toạc phải khâu lại. Mái cabin có thể sửa lại được mặc dù chúng tôi có thể cột lại sơ qua bằng số dây mây vớt vát được từ những dây chằng cột buồm đã bị thối rữa, vì Lợi đã dùng hết số dây mây dự trữ.

Nhưng khi Trondur và tôi gặp nhau tại sàn trước trong khi đi kiểm tra các hư hại thì cả hai cùng kết luận: mảng không thể chịu nổi một sự trừng phạt với độ tàn bạo như vậy. Kết cấu của nó đã hỏng.

Nguy hiểm không phải là do mất mát những khúc tre, mảng vẫn tiếp tục mất một số tre trong nhiều ngày nữa mà không đắm chìm. Điều đáng lo là những mối dây cuối cùng buộc các thanh ngang với các cây tre bị tuột ra. Nếu thanh ngang và các sào tre tách rời ra thì mảng chẳng còn hình dạng gì hết. Nó chỉ còn là một cụm tre gom lại với nhau, giữ với nhau hết sức lỏng lẻo. Thế là hết.

Vì hai cabin và lều lái che phủ hết 2/3 sàn mảng nên không thể kiểm tra tình trạng các mối buộc quan trọng nối thanh ngang với các sào tre. Nhưng gần như một nửa các mối buộc kiểm tra được cho thấy đã toe đứt.

Tôi dự đoán nếu chúng tôi vào bờ thời tiết sẽ tốt hơn. Nhưng lúc này đã quá tuần đầu của tháng 11 và còn có nhiều trận dông bão nữa. Tôi tự đoán cơ may của mảng không hơn 50/50, nhưng không nói cho mọi người biết.

Hành trình tốt nhất của chúng tôi là cố ép cho chạy tiến ngay khi gió đổi hướng theo chiều thuận lợi, hi vọng thời tiết tốt để có thể cập vào đất liền và giảm khoảng cách tới các tàu cứu trong trường hợp cần phải di tản.

Lần thứ hai chúng tôi vượt qua cái dấu mốc 1.000 dặm. Tối hôm sau, thời tiết lại trở nên tuyệt diệu: suốt đêm gió căng phồng các cánh buồm.

Sáng hôm sau trời sáng và trong suốt, mặc dù giá buốt. Vấn đề ở chỗ gió chưa đúng hướng, và mặc dù mảng di chuyển khá tốt trên mặt nước nhưng chúng tôi bị gió đẩy đi ngang, nên khoảng cách giữa chúng tôi và California chẳng thu ngắn lại được tí nào. Chúng tôi đang giẫm chân tại chỗ và chẳng biết giải quyết ra sao. Và sự sống của mảng còn lại không là bao.

Biển vẫn động nên không thể lặn xuống để xem xét nhưng sóng đã giảm và chúng tôi chỉ phải chuyển lèo có một hai lần. Nhưng tôi thấy một cây tre lớn đã lỏng ra bên mạn phải, và thêm nhiều cây tre khác tuôn ra từ đầu mũi, trong đó có một cây to và dài.

Đó là cây tre chủ chốt. Tất cả các dây cột cả ba cột buồm đều được buộc vào nó. Cây tre này gồm có hai đoạn được nối với nhau bằng mối nối rất kỹ lưỡng. Nay hai đoạn đã đứt rời ra và dây hàng rào bị xoắn lại.

Đó là dấu hiệu chứng tỏ mảng đã bị gãy xương sống.

Kỳ tới: Vĩnh biệt bè tre

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Đến California, tại sao không? Kỳ 2: Lên đường Kỳ 3: Cuốn theo dòng hải lưu đen Kỳ 4: Tiến vào đại dương bao la Kỳ 5: Trôi trong bão dông

Tim SEVERIN (Đỗ Thái Bình - Vũ Diệu Linh dịch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên