Từng dòng chữ nhỏ nhắn viết bằng bút mực đỏ như cố gắng đứng thật sát vào nhau để tiết kiệm chỗ trống trên những trang giấy pơluya mỏng manh, bé nhỏ.
Phóng to |
Dù vậy, người viết những dòng chữ ấy đã không thể sống cho tới khi phủ kín cuốn nhật ký chỉ bằng cỡ bàn tay ấy. Chủ nhân của cuốn nhật ký, liệt sĩ Vũ Đình Đoàn, đã hi sinh ngày 7-3-1966 trong trận đánh ở đồi Chóp Nón (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi).
“Khi bố tôi ra đi, tôi vẫn là một đứa trẻ chưa biết gì, em tôi còn trong bụng mẹ, anh chị tôi vẫn còn chập chững đi. Những gì bố tôi để lại cho anh em chúng tôi là niềm tự hào về sự hi sinh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước” - ông Vũ Đình Sơn, con trai liệt sĩ Vũ Đình Đoàn, xúc động nói trong dịp nhận lại kỷ vật của cha từ Bảo tàng Lịch sử quân sự VN ngày 21-9. Phải mất 46 năm, nhật ký mới tìm về gia đình của chủ nhân, giờ chỉ còn lại hai người con là ông Vũ Đình Sơn và bà Vũ Thị Tuyến.
Để tới được tay gia đình ông Vũ Đình Sơn, người lính Mỹ năm xưa giờ đã già yếu phải gửi gắm cuốn nhật ký vào tay một người bạn của gia đình, người còn đủ sức lực và thời gian để tìm tới Đài truyền hình PBS, nơi nhờ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ giúp đỡ và cuối cùng tìm tới VN trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta.
Ông Vũ Đình Sơn trong lời cảm tạ của mình đã xúc động nhắc tới Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, người đã cam kết với Bộ trưởng Panetta sẽ chuyển cuốn nhật ký về đúng nơi cần nhận, và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, người đã trực tiếp chỉ đạo các bộ phận, đơn vị liên quan xúc tiến những công việc cần kíp để cuốn nhật ký đến được gia đình liệt sĩ Vũ Đình Đoàn. Tuy nhiên, vợ của liệt sĩ Vũ Đình Đoàn đã qua đời từ vài tháng trước mà không thể chờ đến ngày 21-9.
Tìm thấy một cuốn nhật ký xúc động lòng người Ngày 21-9, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương đã tổ chức thảo luận về giá trị cuốn nhật ký chôn vùi khoảng 50 năm dưới lòng đất vừa được tìm thấy, đồng thời tìm tác giả của cuốn nhật ký này. Cuốn nhật ký có tựa “Thế hệ Hồ Chí Minh”, dày 35 trang chứa đựng lòng yêu nước, lý tưởng sống cao đẹp và tình cảm trong sáng của một nữ chiến sĩ chưa rõ tên. Nhật ký ghi chép chuỗi ngày công tác, hành quân của tác giả xưng tên “M”, trong khoảng thời gian từ năm 1962-1966. Nội dung cho thấy tác giả từng dạy học, quê miền Tây. Nhật ký có một số bài thơ và sáu tấm ảnh, trong đó có ảnh anh Nguyễn Văn Trỗi. Ngoài ra còn có chân dung một cô gái được phỏng đoán là tác giả cuốn nhật ký. Tại buổi thảo luận, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương cho biết sẽ đề xuất tỉnh ủy chỉ đạo thẩm định sâu giá trị cuốn nhật ký, từ đó cân nhắc việc in thành sách để giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận