Thống đốc Nguyễn Văn Bình: nợ xấu chưa phải là bi kịchMột nền kinh tế nợ xấu?Lãi suất vay dưới 15% trong... 1 năm tới
Việc xác định nợ xấu phải tuân theo tiêu chuẩn, tại Việt Nam đã dần tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, xác định đúng thực chất nợ xấu cũng như khám sức khỏe, mà ở đó người ta có thể dùng những thủ thuật như uống thêm vitamin để tạm thời che giấu bệnh của mình. Như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình thừa nhận có ngân hàng vì mục tiêu lợi nhuận không muốn công khai các khoản nợ xấu. Có đơn vị báo cáo nợ xấu chỉ ở mức 2,5% và làm ăn có lãi nhưng qua thanh tra, kiểm tra thì con số này cao hơn nhiều. Với những phương thức kinh doanh trên thị trường, doanh nghiệp và ngân hàng có thể biến nợ xấu thành nợ trong hạn, phổ biến là tình trạng mua bán tài sản, qua đó kê khống giá tài sản để được vay tiền từ ngân hàng nhiều hơn, dùng để trả nợ cũ, qua đó che giấu nợ xấu...
Có kinh doanh thì phải phát sinh nợ xấu. Vấn đề quan trọng là phải kiểm soát, đánh giá đúng thực trạng và kiên quyết xử lý nợ xấu. Nếu không nợ xấu sẽ sinh sôi nảy nở, tạo thêm gánh nặng cho cả ngân hàng và xã hội. Trong quá khứ cho thấy có thời điểm ngân hàng không kiên quyết xử lý nợ xấu. Như năm 2008, nợ xấu trong bất động sản là khá lớn nhưng ngân hàng không mạnh tay xử lý mà lại co kéo, biến nợ xấu thành nợ trong hạn. Đó cũng là nguyên nhân khiến nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã tăng khá nhanh kể từ năm 2008, như thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Chúng ta vẫn đang gom góp những đồng vốn ít ỏi cho tăng trưởng kinh tế, khai thông để dòng vốn chảy nhanh hơn nhằm giảm bớt lãi suất vay vốn. Vì vậy, con số nợ xấu lên đến 200.000 tỉ đồng, như lời đại biểu Quốc hội TP.HCM Trần Du Lịch, đang gây khó khăn cho nền kinh tế. Không chỉ thế, khối nợ này đang là trở ngại lớn để các doanh nghiệp vay thêm vốn. Bởi đã có nợ xấu thì khó ngân hàng nào có thể cho vay thêm. Mà doanh nghiệp không vay được vốn, không những thiệt cho họ mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế khi không thể tạo thêm việc làm, tạo thêm hàng hóa cho xã hội. Về phía ngân hàng, họ sẽ tìm cách tăng lãi suất cho vay để bù đắp cho các khoản nợ xấu không sinh lãi. Như vậy, mọi gánh nặng do nợ xấu gây ra đổ lên doanh nghiệp và gánh chịu cuối cùng là nền kinh tế và người tiêu dùng.
Chúng ta không hốt hoảng trước nợ xấu nhưng cũng không thể chủ quan khi nợ xấu đang cản trở dòng chảy của đồng vốn, trở thành gánh nặng tài chính cho ngân hàng và doanh nghiệp. Tình trạng này đã kéo dài, gần như vượt ngoài sức chịu đựng của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận