21/07/2012 08:46 GMT+7

Lãi suất vay dưới 15% trong... 1 năm tới

LÊ THANH
LÊ THANH

TT - Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã khẳng định như trên tại hội nghị đối thoại NH và doanh nghiệp (DN) nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sáu tháng cuối năm 2012 diễn ra ngày 20-7.

Song tại đây, DN đã “kêu trời không thấu” về hàng loạt bức xúc đối với ngành NH.

RcfQAc1Y.jpgPhóng to

Thống đốc Nguyễn Văn Bình - Ảnh: Nguyễn Khánh

Hội nghị này có sự tham dự của các NH địa bàn Hà Nội và đại diện hơn 300 DN.

Phải xuống 10%/năm

"Hãy nghe và làm theo thống đốc và chỉ đạo của NH Nhà nước thì nhất định sẽ thắng lợi. Từ hôm tôi nhậm chức thống đốc đến giờ, trước khi làm gì tôi cũng nói trước dư luận. Như tôi đã khẳng định từ nay đến cuối năm tỉ giá tăng không quá 3%. Với cách điều hành như hiện nay, NH Nhà nước xin khẳng định những bất ổn mà trước đây ta gặp phải là giật cục đùng đùng sẽ không bao giờ có nữa"

Thống đốc Nguyễn Văn Bình

Theo thống kê của NH Nhà nước, đa số NH đã có văn bản chỉ đạo hạ lãi suất các khoản vay cũ xuống 15%/năm. Tuy nhiên, qua phản ánh của báo chí, có một số tổ chức tín dụng thực hiện chưa nghiêm túc.

Chưa hài lòng với mức giảm của NH, ông Lê Vĩnh Sơn - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP quốc tế Sơn Hà - mong muốn lãi suất cho vay cần giảm xuống 10%/năm dù hiện nay lãi suất trên 20%/năm đã giảm xuống mức khoảng 14,2%.

Còn bà Nguyễn Thu Hà, tổng giám đốc Công ty Máy thiết bị xây dựng, bày tỏ mức lãi suất cho vay 15%/năm được cộng đồng DN mong đợi cả một năm qua. Nhưng mức này được áp dụng trong bao lâu? Thực tế DN cũng không kỳ vọng quá nhưng mong muốn giữ được ít nhất một năm.

Với tư cách thống đốc NH Nhà nước, ông Bình khẳng định lãi suất cho vay tối đa 15%/năm sẽ ổn định ít nhất một năm. Nếu cứ duy trì ổn định lạm phát ở mức 7% thì lãi suất cho vay khoảng 15%/năm hoàn toàn thực hiện được. Trong năm nay có đủ điều kiện thực hiện lãi suất cho vay mức 15%/năm.

Cũng theo ông Bình, giảm lãi suất là mong mỏi chung của nền kinh tế hướng đến ổn định lâu dài, còn mức bao nhiêu chúng ta phải quy định với những diễn biến kinh tế vĩ mô. “Vì khi lãi suất thấp quá, tôi cũng phải nói thật là chúng ta lại nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng nghĩa tăng trưởng tín dụng sẽ rất cao. Song hệ lụy của việc tăng trưởng tín dụng tiền ra nhiều hơn, nhiều DN yếu kém cũng tiếp cận tín dụng dẫn đến nợ quá hạn, tiềm ẩn rủi ro. Do vậy, mục tiêu chống lạm phát đặt lên hàng đầu và phải có bước đi chứ không thể nóng vội. Còn tăng trưởng tín dụng sẽ tập trung vào quý 3 và kế hoạch tăng trưởng toàn hệ thống trong sáu tháng cuối năm chỉ 8-10%. Chắc chắn sẽ không gây ra lạm phát vào năm tới” - ông Bình nói.

Ngân hàng kén doanh nghiệp

Thẳng thắn chỉ rõ nhiều vấn đề của hệ thống NH, ông Đỗ Hà Nam - tổng giám đốc Công ty Intimex kiêm chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN - nói dù tiếp cận vốn vay không dễ dàng gì nhưng DN đang rất ngại NH. Thực tế có NH rất chuẩn, DN rất yên tâm. Tuy nhiên, có nhiều NH gây rủi ro cho DN trong cách tổ chức cho vay, “sáng nắng chiều mưa”, sáng cho vay chiều thu hồi.

Ông Nam chia sẻ rất “buồn cười” rằng sau khi đẻ ra một loạt NH cổ phần, lúc đầu cơ chế rất thoáng, ai vay cũng được. Nhưng đến khi xảy ra rủi ro, mất mát thì NH đồng loạt siết chặt, không phân biệt DN tốt hay xấu. Có DN tốt cũng bị siết cho vay khiến không kịp trở tay.

“Có NH bảo rằng nên dồn lại vay một NH. Thế nhưng cái DN sợ nhất là khi dồn vào một NH mà đùng một cái NH “giận hờn” cắt không cho vay thì tất cả hợp đồng phải dừng hết. Do vậy, buộc DN phải chia nhỏ các khoản vay tại nhiều NH vì nếu bị NH nào làm khó thì còn chuyển sang NH khác” - ông Nam bức xúc.

Bà Nguyễn Thu Hà chia sẻ NH gây khó khăn cho cả những DN tốt như DN của bà, dù chưa bao giờ chậm trả một đồng nào. Thứ bảy bảo cho vay nhưng thứ hai tuần sau, NH lại báo là phải bổ sung hồ sơ khiến DN bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh.

Ghi nhận ý kiến trên, ông Bình chia sẻ thời gian qua, nhiều NH đang vi phạm quy định của NH Nhà nước khi 42% vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn, trong khi đó tỉ lệ cho phép tối đa là 30%. Trên thực tế, thời gian qua gần như 100% vốn huy động hệ thống NH là ngắn hạn. Đây là khó khăn cần khắc phục thời gian tới nhưng không thể một sớm một chiều.

Nợ xấu gây phản cảm

“Thế nào là nợ xấu?” - ông Đỗ Hà Nam đặt câu hỏi. Với DN kinh doanh nông sản, như mặt hàng điều, từ đầu năm giá cả hàng hóa đều đi xuống nên nếu bán đi thì lỗ. Trong khi đó, NH không cho DN gia hạn mà bắt phải bán để trả nợ. Có hiện tượng DN nhỏ sợ quá phải đi vay nóng để trả lãi suất NH. Vì nếu bán đi DN chỉ thu được 1/3 giá trị của lô hàng.

Với góc nhìn từ phía NH, ông Bình băn khoăn không biết tại sao lại sinh ra từ “nợ xấu”. Vì theo thế giới, từ này là những khoản nợ không sinh lời. Còn khái niệm nợ xấu ở ta đang gây ra nhiều phản cảm, nợ xấu đang được hiểu là mất hết rồi, là tham ô, tham nhũng. Tuy nhiên, những khoản nợ này vẫn là khoản nợ có tài sản đảm bảo chứ không xấu xa gì.

Còn để xử lý nợ và mua lại nợ, ông Bình cho biết đây là vấn đề hết sức bình thường trong nền kinh tế thị trường. Nếu NH thấy DN này có tiềm năng trong tương lai thì có thể chuyển nợ đó thành cổ phần, cổ phiếu của DN... để vừa giúp DN và NH tháo gỡ khó khăn, quan trọng là tạo thanh khoản cho nền kinh tế.

Về xử lý tài sản đảm bảo, NH Nhà nước cũng đang đau đầu, vì thực tế như giá trị bất động sản giảm 20-30% đang gây khó khăn cho DN và NH cũng thấy rủi ro cao. Nếu buộc NH chấp nhận chuyện đó thì không công bằng lắm. DN và NH cần ngồi lại trên tinh thần chia sẻ.

Chỉ đạo... chỉ là đề nghị trên tinh thần chia sẻ

Trao đổi về câu hỏi ý kiến chỉ đạo của thống đốc về kéo lãi suất cho vay các khoản nợ cũ xuống 15%/năm có tính pháp lý đến mức nào, ông Bình cho biết đây chỉ là đề nghị của NH Nhà nước với các NH thương mại với tinh thần chia sẻ khó khăn với DN.

Nếu nói NH nào không giảm sẽ xử lý theo văn bản nào là rất khó. NH Nhà nước đang cho tổng hợp xem đã thực hiện chủ trương này thế nào.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên