Tọa lạc trên tầng 2 của một chung cư trên đường Nguyễn Siêu (quận 1, TP.HCM), gánh biểu diễn đều đặn vào mỗi tối thứ bảy, đôi lúc có thêm các xuất diễn vào tối thứ sáu hoặc chủ nhật.
Có nhiều khán giả đến gánh Thiên Lý để nghe hát, trong đó có các văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên và cả người nước ngoài.
Gánh hát cải lương phi lợi nhuận
Phim điện ảnh Song Lang của đạo diễn Leon Quang Lê ra mắt khán giả vào năm 2018, trong phim có sự xuất hiện của đoàn cải lương Thiên Lý.
Năm 2022, đoàn bước từ màn ảnh ra sân khấu đời thực với tên gọi "Gánh cải lương Thiên Lý", nhờ tình yêu cải lương của đạo diễn Leon Quang Lê và cô đào Tú Quyên.
"Bầu" của gánh là Tú Quyên - người thủ vai cô đào tài sắc Thùy Vân trong Song Lang. Đạo diễn Leon Quang Lê là người cố vấn nghệ thuật, hỗ trợ cho gánh hát.
Nhiều khán giả cho rằng gánh Thiên Lý là một nơi xem hát đặc biệt giữa lòng Sài Gòn bởi nó tái hiện lại dáng vẻ của một gánh cải lương thuở xưa.
Các nghệ sĩ của gánh biểu diễn hoàn toàn "mộc" (không sử dụng bất cứ dụng cụ khuếch đại âm thanh nào, ngoại trừ đàn bầu vì đây là nhạc cụ bắt buộc).
Với nghệ sĩ Tú Quyên, "hát mộc" là một trình thức biểu diễn hay nhất của cải lương, dễ nuôi cảm xúc khi hát và cũng đúng với câu nói trong phim Song Lang: khi sân khấu và cuộc đời hòa quyện.
Âm thanh của dàn loa đôi khi chỉ hỗ trợ khuếch đại lớn hơn và không có tác dụng nhiều cho việc hát và đàn.
Khán phòng của gánh hát giới hạn tối đa 60 người cho mỗi suất diễn. Mỗi vở diễn không kéo dài quá một tiếng rưỡi và không có giải lao.
Mỗi khán giả khi bước vào khán phòng sẽ có một cây quạt tím cùng một tập thông tin song ngữ Việt - Anh về vở diễn và các nghệ sĩ tham gia. Và một điều không kém phần đặc biệt là gánh hát hoạt động phi lợi nhuận.
Nghệ sĩ Tú Quyên giải thích khi không bán vé thì có thể giữ chân được khán giả đến hoài với gánh. Họ quay lại bao nhiêu lần cũng được mà không phải "lăn tăn" đến chi phí.
Gánh Thiên Lý ra mắt với vở diễn Độc thoại đêm của cố soạn giả Lê Duy Hạnh, do nghệ sĩ Tú Quyên đạo diễn. Vở từng tham dự Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm tại Hà Nội vào tháng 11-2022.
Cải lương chưa đi đến hồi kết
Trong cuốn sách Câu chuyện cải lương: Thật và Đẹp ấn bản tiếng Việt do nhà văn - đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc biên tập, nghệ sĩ Bo Bo Hoàng từng viết:
"Máu của người Việt, nghe qua ai hát là biết có chất cải lương hay không rồi.
Cải lương là cái gì thân thuộc, nó vào trong tim và thành một cái gì đó rất Việt Nam. Y như bên Mỹ có nhạc đồng quê.
Xưa tới giờ người ta ưa gán bốn chữ "xướng ca vô loại" cho nghề hát, nghĩa là không xếp vô được loại nào hết.
Nhưng tôi - Bo Bo Hoàng, năm nay trên 70 tuổi, cả đời theo nghề, muốn nhấn mạnh: Nghề xướng ca chính là thầy đó. Một dân tộc mà không có loại nghệ thuật như cái đạo này thì mất đi một vẻ đẹp lớn lao rồi".
Tú Quyên chia sẻ với Tuổi Trẻ suy nghĩ của cô về đời sống của cải lương trong hiện tại và tương lai: "Cải lương sẽ không bao giờ biến mất vì nó chính là nền tảng, nằm trong sự trường tồn của một đất nước. Nó sẽ không bao giờ "chết".
Số phận của cải lương âu cũng chỉ lên xuống theo thời đại. Sau nhiều năm, vẫn sẽ có những người yêu cải lương như tôi hay anh Leon tiếp tục duy trì loại hình nghệ thuật này".
Còn đạo diễn Leon Quang Lê không mong tất cả mọi người đều yêu cải lương. Nhưng theo anh, họ không nên xem thường mà cần trân trọng vì đây là một trong những bản sắc, cá tính, "tài sản văn hóa" đặc trưng ít ỏi còn sót lại của nghệ thuật Việt Nam.
Sau khi xem buổi công diễn vở Độc thoại đêm vào ngày 27-1, Phương Vy - cựu sinh viên chuyên ngành thiết kế đồ họa Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM - nói với Tuổi Trẻ:
"Với mình, chỉ biết đến cải lương thôi cũng là một điều đáng mừng, còn yêu thích hay không sẽ tùy vào gu thưởng thức của mỗi cá nhân. Mình từng làm dự án văn hóa về hát bội mang tên Bội Tự.
Mình nhận thấy các bạn trẻ luôn có một sự quan tâm đặc biệt và rất mở lòng tìm hiểu những giá trị văn hóa nước nhà. Người trẻ ngày càng tìm cách đến gần thì làm sao cải lương rời xa họ được nhỉ?".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận