30/12/2023 09:33 GMT+7

Đừng tưởng làm lại cải lương xưa là dễ ăn

Tối 29-12, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang diễn vở cải lương Khách sạn Hào Hoa. Đây là kịch bản cải lương thuộc hàng kinh điển được nhà hát dựng lại để quảng bá Cuộc thi tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang.

Chuông vàng vọng cổ Kim Luận (vai Quỳnh Nga) và chuông vàng vọng cổ Nguyễn Văn Khởi (vai Trần Minh) trong vở Bên cầu dệt lụa  - Ảnh: LINH ĐOAN

Chuông vàng vọng cổ Kim Luận (vai Quỳnh Nga) và chuông vàng vọng cổ Nguyễn Văn Khởi (vai Trần Minh) trong vở Bên cầu dệt lụa - Ảnh: LINH ĐOAN

Chưa hết, tối 13-1-2024 nhà hát tiếp tục trình làng phiên bản mới vở cải lương kinh điển khác là vở Bên cầu dệt lụa.

Giải pháp an toàn

Thật ra, việc dựng lại kịch bản cải lương xưa không phải mới mà đã diễn ra nhiều năm qua. Ngay Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, ngoài Khách sạn Hào Hoa Bên cầu dệt lụa, trước đó đã dựng Lan và Điệp, Tiếng trống Mê Linh, Tướng cướp Bạch Hải Đường...

Sân khấu cải lương mới Đại Việt của soạn giả Hoàng Song Việt dựng lại Nàng Xê Đa, Cô đào hát...

Các đoàn cải lương tuồng cổ thì hầu như dựng lại các tuồng cũ như Xử án Phi Giao, Hoàn Châu cách cách, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Mạnh Lệ Quân, Lưu Kim Đính...

Ông Phan Quốc Kiệt, giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, chia sẻ viết một kịch bản cải lương không phải dễ.

Bởi không chỉ câu chuyện mà phải đặt để bài ca như thế nào, phải biết cân bằng yếu tố ca - diễn.

Trong khi sàn diễn cải lương ngày càng khó khăn, không có đơn vị nào dám sáng đèn thường xuyên nên nhiều khâu của cải lương hiện đang rất thiếu và yếu.

Một trong những cái thiếu đó chính là tác giả. Tác giả đầu tư viết kịch bản mới mất nhiều tâm sức nhưng viết xong rồi thì nơi nào sẽ dựng? Vậy nên đa số tác giả trẻ giờ chủ yếu viết bài ca lẻ theo đặt hàng của nghệ sĩ hoặc làm việc khác dễ sống hơn.

Vì vậy, chọn dựng lại kịch bản cũ qua năm tháng đã chứng minh giá trị và gần như hoàn chỉnh, khán giả cũng đã hết sức quen thuộc, nhắc tên vở gần như thuộc lòng thì họ luôn hồi hộp và nôn nao muốn xem.

Với các đoàn cải lương tuồng cổ, dựng lại vở cũ như một bảo chứng về doanh thu. Khán giả không xem câu chuyện mà họ đến để được xem vũ đạo, trình thức biểu diễn của các nghệ sĩ tuồng cổ, những bài ca, giai điệu rộn ràng, trang phục lộng lẫy...

Chuông vàng vọng cổ Võ Minh Lâm và chuông vàng vọng cổ Thu Vân trong vở Khách sạn Hào Hoa - Ảnh: LINH ĐOAN

Chuông vàng vọng cổ Võ Minh Lâm và chuông vàng vọng cổ Thu Vân trong vở Khách sạn Hào Hoa - Ảnh: LINH ĐOAN

Áp lực dựng vở cũ

Soạn giả Hoàng Song Việt cho biết đúng là cải lương vẫn đang thiếu kịch bản hay. Nhưng với sân khấu của ông, việc dựng lại kịch bản cũ còn tùy thời điểm.

Ông Việt nhấn mạnh dựng vở cũ là để các nghệ sĩ trẻ tiếp cận với những vai hay và khó dù nhiều khi họ cảm thấy áp lực khi nhận vai đã đóng đinh tên tuổi các nghệ sĩ đi trước.

Thời đó, nghệ sĩ thuận lợi là một vở có thể diễn được mấy trăm thậm chí cả ngàn suất, qua mỗi ngày chỉnh sửa vai diễn và cứ thế họ càng thấm và càng diễn hay hơn, nhân vật trở thành vai diễn để đời của họ.

Các nghệ sĩ trẻ hiện nay khá thiệt thòi vì một vở cải lương diễn cao lắm là 2-3 suất, tuồng chưa kịp thuộc hết cũng khó cảm mà diễn cho hay.

Khán giả cải lương không ít người "bảo thủ" và chỉ chấp nhận cách diễn mà nghệ sĩ kỳ cựu trước đây đã tạo ấn tượng với họ.

Vậy nên khi một vở kinh điển ra mắt chắc chắn sẽ bị so sánh với bản gốc trước đó.

Đạo diễn Trần Ngọc Giàu là người dàn dựng lại hầu hết các vở kinh điển của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang thời gian qua.

Ông bày tỏ chọn kịch bản cũ ngoài việc muốn phục hồi kịch bản hay còn là cơ hội cho diễn viên trẻ học tập những vai diễn gần như là khuôn mẫu.

"Dựng kịch bản kinh điển thuận lợi là kịch bản đã định hình, hoàn chỉnh. Tuy nhiên, cái khó của người đạo diễn là làm sao chỉnh sửa cho phù hợp cuộc sống hôm nay.

Với tôi, mỗi chỉnh sửa là phải cân nhắc bởi kịch bản đã tạo dấu ấn quá lớn trong lòng công chúng. Tôi chọn thay đổi về hình thức, tiết tấu vở diễn và đào sâu tâm lý nhân vật.

Cái cực là phải uốn nắn các diễn viên trẻ, phân tích tâm lý thật kỹ để các bạn hiểu nhân vật, bối cảnh. Chưa hết, phải xử lý vở như thế nào để khán giả trẻ hôm nay hiểu, mà có hiểu thì họ mới có thể cảm, mới xem được vở", ông Giàu chia sẻ.

Ông Việt chỉ ra rằng không hiếm những vở kinh điển dựng lại ông xem qua dự đoán là vở sẽ chết.

"Tôi nghĩ khi làm lại phải rất kỹ xem nhân vật đó có phù hợp khả năng diễn viên hay không. Đừng trao bừa, diễn viên phải bơi, ảnh hưởng chất lượng vở thì khán giả sẽ quay lưng". Chưa kể tình trạng một số nghệ sĩ "chân ngoài dài hơn chân trong".

Nghĩa là họ ham chạy sô lẻ kiếm tiền nhưng khi được tạo cơ hội có vai diễn hay để học hỏi thì thiếu trân trọng, diễn như "trả nợ". Rốt cuộc vai diễn của họ không hồn vía, mờ nhạt. "Lúc đó, khán giả chê trách không oan uổng chút nào!", ông Việt nói.

Sân khấu Đại Việt đã tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ như Tú Sương, Võ Minh Lâm, Cao Thúy Vy, Phương Cẩm Ngọc... có nhiều vai diễn hay để học tập, ông Hoàng Song Việt chia sẻ:

"Chúng tôi không mơ là các em sẽ diễn bằng hoặc diễn hay hơn người đi trước. Chỉ cần các em nỗ lực hết mình để người làm nghề, khán giả nhìn vào đánh giá có khả năng, triển vọng phát triển là vui rồi".

Truyền tích Cổ Loa xưa và điểm hẹn mới cho cải lươngTruyền tích Cổ Loa xưa và điểm hẹn mới cho cải lương

TTO - Vở cải lương Truyền tích Cổ Loa xưa (tác giả: Mai Hương - Nguyên Phương, đạo diễn: NSƯT Lê Nguyên Đạt) vừa được công diễn tối 17-10 tại sân khấu Sen Việt - sân khấu nhỏ dành cho cải lương vừa ra đời.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên