24/01/2019 09:12 GMT+7

Gần tết, loa 'khủng' càng hành dân, đường dây nóng 'nguội lạnh'

THIÊN THẢO
THIÊN THẢO

TTO - Câu chuyện người thật việc thật khổ sở vì tiếng loa "khủng", hành trình mấy tuần “kêu cứu” cơ quan chức năng và tâm trạng bức bối khi tiếng nhạc vẫn mở ầm ầm tiếp diễn.

Gần tết, loa khủng càng hành dân, đường dây nóng nguội lạnh - Ảnh 1.

Chiếc loa “khủng” được đặt ngay trước cửa một cửa hàng trên đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Bài viết của bạn đọc Thiên Thảo, chuyện không của riêng ai, tương tự nỗi lòng hàng trăm bạn đọc vẫn liên tục gửi đến đường dây nóng báo Tuổi Trẻ phản ảnh về tiếng ồn ở khu dân cư.

Câu chuyện "người trong cuộc"

Nhà chị tôi ở đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM. Hơn 20 ngày qua, người dân xung quanh khổ sở vì bị "tra tấn" liên tục bởi tiếng nhạc từ mấy cái loa mở lớn, cả ngày và đêm từ một cửa hàng bán tranh mới mở. Nhiều người xung quanh cùng chung bức xúc, đã có góp ý, rồi tiếng loa có vẻ ngày càng lớn hơn.

Sáng 10-1-2019, chị gọi đến đường dây nóng xử lý tiếng ồn TP.HCM, người trực hỏi "Có phản ảnh ở phường, quận hay chưa?". Sau đó người trực hỏi tên, địa chỉ cửa hàng để ghi lại. Tiếng ồn vẫn ầm ầm từ sáng tới đêm. 

Khoảng 9h sáng 12-1-2019, chị gọi lại đường dây nóng xử lý tiếng ồn TP, không ai bắt máy, chỉ nghe câu "Voicelink xin kính chào quý khách đã sử dụng dịch vụ. Mời quý khách để lại tin nhắn sau khi nghe tiếng "bíp"... Xin quý khách thứ lỗi. Hộp thư đã đầy và không thể nhận thêm bất kỳ tin nhắn nào khác. Xin quý khách gọi lại sau"(?!).

Tiếng loa vẫn ầm ầm. Sáng 15-1-2019, chị gọi Công an phường Sơn Kỳ để phản ảnh thì được nghe những lời nhẹ nhàng, động viên. 

Ngày 16-1-2019 chị vào Cổng thông tin điện tử quận Tân Phú, gửi email nêu rõ đây là khu vực dân cư, có những người cần sự yên tĩnh để làm việc, nhà có người già, người bệnh cần nghỉ ngơi, học sinh sinh viên phải học bài (đối diện là phân hiệu của một trường ĐH), tha thiết mong lãnh đạo quan tâm có biện pháp để giải quyết.

Sáng 20-1-2019, chị gọi đến Công an quận để phản ảnh, người trực hỏi có gọi công an phường chưa, chị nói đã gọi rồi nhưng vần ồn quá sức chịu đựng... Và lại chờ, mọi sự vẫn như trước. 

10h sáng 22-1-2019, chị gọi lại đường dây nóng xử lý tiếng ồn TP, vẫn không ai nhấc máy và lại nghe từ Voicelink "Xin quý khách thứ lỗi. Hộp thư đã đầy và không thể nhận thêm bất kỳ tin nhắn nào khác. Xin quý khách gọi lại sau".

Ám ảnh với loa

Đã có quá nhiều vụ xích mích, vụ án, những cái chết vì góp ý người gây tiếng ồn. Người dân quá mệt mỏi và khổ sở với tiếng ồn loa công suất lớn. Chưa thấy giải pháp hiệu quả rõ nét từ cơ quan chức năng. Giữa tháng 5-2018, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo các sở ngành, quận huyện cung cấp đường dây nóng để người dân phản ảnh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn; thành lập tổ phản ứng nhanh để kịp xử lý. 

Đến nay, bước sang năm 2019, không rõ các đường dây nóng của quận huyện có hay không, nơi nào đã công bố cho dân biết? Người dân phải kêu ai khi đường dây nóng xử lý tiếng ồn của TP còn "nguội lạnh" đến vậy?

Đọc báo, thấy giá loa "kẹo kéo" hát karaoke giá chỉ từ 150.000 đồng đắt khách cận tết, giảm sâu so với giá 700.000 đồng của những năm trước. Vài trăm ngàn có thể chọn được một loa mẫu nhỏ gọn công suất lớn, kèm micrô không dây, một số hỗ trợ remote. 

Doanh số mặt hàng loa công suất lớn ở các siêu thị tăng mạnh từ giữa tháng 12-2018. Đọc những dòng này, thật sự thấy rùng mình, ám ảnh, nhất là với những ai từng "bịt tai chịu trận".

Tôi phản ảnh câu chuyện này đến báo chí với hi vọng cuối cùng: xin các cơ quan thực thi chức trách hãy có biện pháp hữu hiệu để giúp người dân, hàng triệu người khắp nơi có được không gian sống bình yên, không bị tra tấn bởi tiếng ồn từ những cái loa "khủng" từ các cửa hàng, quán nhậu, dàn karaoke khắp các ngõ hẻm. Càng gần tết càng ồn ào.

Theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 6 nghị định 167/2013/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội quy định: gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. 

Theo Luật bảo vệ môi trường năm 2014 và nghị định 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi gây ồn quá quy định đối với cá nhân sẽ bị phạt từ 1-160 triệu đồng tùy độ ồn ghi nhận được. Đối với tổ chức, mức phạt sẽ tăng gấp đôi, cơ sở kinh doanh vi phạm còn bị đình chỉ hoạt động tiếng ồn từ 3-12 tháng.

Rất nhiều ý kiến cho rằng: những quy định phạt gây tiếng ồn, karaoke ầm ĩ sau 22h không có tác dụng chấn chỉnh thực trạng. Trong giờ hành chính, các cửa hàng kinh doanh mở loa công khai, tiếng ồn không thể giấu giếm, người dân có báo cũng không thấy thay đổi được, đinh tai nhức óc giữa đêm thì biết kêu ai?

Đánh vào túi tiền của người gây ồn

Gây tiếng ồn như một kiểu "tệ nạn", tác hại tinh thần khủng khiếp, gây bức xúc xã hội, không chỉ riêng địa phương nào. Đây là câu chuyện văn minh, chất lượng sống của cộng đồng dân cư. Mong chính quyền quyết liệt giảm tiếng ồn kiểu khủng bố này.

Nên chăng, cần lập các đội xung kích tại địa phương sẵn sàng ra quân, tham gia xử lý tiếng ồn, mở các đợt truyền thông phổ biến các quy định xử phạt đến từng hộ dân (kể cả người cho thuê mặt bằng) và có ký cam kết trách nhiệm nếu để xảy ra tiếng ồn.

Vận động trong cộng đồng: nói không với tiếng ồn, không mua hàng của các cửa hàng quảng bá bằng loa gây tiếng ồn. Phải có biện pháp mạnh đánh vào túi tiền của những người vô ý thức thì mới dẹp được vấn nạn này.

Chuyện người cho thuê loa Chuyện người cho thuê loa

TTO - Tối 10-10, tôi theo vài người bạn ra công viên ven biển của TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên hóng gió và uống sinh tố. Gió mát, công viên đầu tư đẹp, có thể thảnh thơi đi dạo và tập thể dục....

THIÊN THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên