Có lẽ không riêng bạn trẻ này bực bội với tiếng nhạc ầm ĩ kéo dài của những đám tiệc dựng rạp tại nhà. Ai từng có hàng xóm tổ chức tiệc tùng rùm beng đều thấu cảm nỗi khổ khi lỗ tai bị “tra tấn” nhiều giờ liền bởi những chiếc loa công suất lớn dựng ngay trước cửa, phát liên tục các ca khúc lúc sôi động, khi não nề của những giọng ca đúng chất “cây nhà lá vườn”.
Người Việt dễ tính, thường tặc lưỡi cho qua hoặc bấm bụng chịu đựng vì quan điểm “kệ, đời người cưới hỏi có một lần”. Hoặc nhiều đêm thon thót giật mình vì tiếng kèn trống đám ma cũng phải dặn lòng “nghĩa tử là nghĩa tận, con cháu muốn đưa tiễn long trọng, linh đình cũng không trách được, thôi ráng vài bữa”. Vậy là người già, trẻ em bị tiếng nhạc ầm ầm, tiếng cụng ly cười nói rổn rảng làm mất ngủ; học sinh phải “trốn” qua nhà bạn học bài... Nạn nhân trong những trường hợp này chỉ có thể nhăn mặt nhíu mày, thầm than thở vài câu.
Với những người “tức nước vỡ bờ”, quyết định nhờ sự can thiệp của công an khu vực hoặc lực lượng dân phòng như bạn trẻ nói trên thì thường nhanh chóng nhận ra không mấy khi cán bộ công quyền có thể đem chuyện trật tự, văn minh đô thị đến can dự vào chuyện nhà người. Đám cưới đang vui, kêu dừng hát thì... vô duyên. Đám ma đang long trọng, bảo giảm mức độ kèn trống thì... vô phép. Và cũng bởi cách tổ chức lễ tiệc như trên đã quá quen thuộc, phổ biến nên dù có thấy phiền, thấy bực, người trong cuộc cũng đành chép miệng cho qua.
Một cô giáo người Nhật dặn dò các học sinh Việt Nam sắp tham gia chuyến du lịch học tập tại Nhật: “Ở những không gian công cộng như tàu điện, công viên, nhà hàng quán xá, các em vui lòng hạn chế sử dụng thiết bị di động và không nói to. Đừng làm phiền sự yên tĩnh của người khác”. Đó là quy tắc ứng xử cơ bản: không làm phiền bất cứ ai nơi công cộng, huống gì làm phiền hàng xóm trong chính không gian sống của người ta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận