Chật vật gọi xe công nghệ
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online ngày 18-1, nhiều người dân tại TP.HCM khó đặt dịch vụ xe công nghệ thành công, hoặc phải chờ tài xế lâu hơn hẳn ngày thường nếu có "bác tài" nhận cuốc.
Chị Hiền Anh (ngụ quận 7, TP.HCM) có cuộc hẹn công việc quan trọng lúc 15h chiều 17-1 tại quận 1 nên tranh thủ đặt xe sớm từ trước 14h. Tuy nhiên, "hơn một tiếng đồng hồ tôi luôn gặp tình trạng các tài xế đều đang bận. Đến khi đặt được xe thì cuộc hẹn của tôi đã bị hủy vì khách phải chờ quá lâu, làm nhỡ mất công việc", chị Anh kể.
Chị Thanh Trúc (ngụ quận 1, TP.HCM) cũng cho biết nhiều lúc đặt được xe nhưng tài xế ở xa điểm đón nên phải mất thời gian chờ khá lâu. Đặc biệt, "nếu đặt xe vào giờ cao điểm mà còn đi về hướng đường đông như phía Bình Thạnh, Tân Phú, Thủ Đức, nhiều tài xế cũng ngán nên báo hủy vì vài lý do gì đó".
Còn theo chị Hồng Uyên (quận 5, TP.HCM), giá cước dịch vụ xe công nghệ gần đây, đặc biệt là sau ngày 23-12 âm lịch, cao hơn bình thường và thường xuyên ở trạng thái “nhu cầu tăng cao".
"Mã khuyến mãi thì khi có khi không và cũng không phù hợp với nhu cầu sử dụng xe, nên không giúp người dùng tiết kiệm được là bao. Tuy nhiên, vì có việc cần phải đi nên người dùng vẫn phải cố cắn răng chấp nhận mức cước 'khủng' để không lỡ việc", chị Uyên nhận xét.
Không chỉ riêng người dân cần đi lại, không ít chủ shop bán hàng online cũng phải "khóc thét" vì không gửi hàng được cho khách mua.
Anh Hoàng Khánh (quận Phú Nhuận) cho biết đơn hàng đồ ăn "nổ" liên tục nhưng shipper lại không "nổ" tương ứng khiến khách phàn nàn rất nhiều.
"Thậm chí có khách còn hủy mua vì tôi không giao kịp hàng như họ mong muốn", anh Khánh chia sẻ.
Chị Thảo Nguyên, chủ một shop bán đồ chơi, cũng cho biết phải dùng đến dịch vụ Grab Express (lấy hàng ngay trong 15 phút) để giao nhanh cho khách.
"Tuy nhiên giá cước gần đây tăng rất cao, ví dụ cho đoạn đường tầm 7km giao đến quận Gò Vấp thì giá app báo là 95.000 đồng. Nhiều khách thấy giá cước cao cũng nản và không mua hàng luôn", chị Nguyên kể.
"Nếu may mắn shop tìm được 2 đến 3 đơn hàng cùng tuyến đường để ghép đơn đi chung thì mới giảm được tiền ship cho khách. Tuy nhiên, khi ghép đơn như vậy thì không dùng được mã khuyến mãi và shop mất khá nhiều thời gian ở việc canh thời điểm giá cước hợp lý để đặt đơn giao đi", chị Nguyên cho biết thêm.
Theo chia sẻ của nhiều người dùng, trong những ngày tất bật cuối năm âm lịch, việc đặt dịch vụ gọi xe không thành công là chuyện bình thường. Khi đặt xe thành công thì đó gọi là… hạnh phúc.
"Níu chân" tài xế, xe công nghệ tăng phụ phí
Theo một số ứng dụng, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung tài xế có xu hướng giảm dần trong khi nhu cầu di chuyển, giao hàng hay đặt đồ ăn lại tăng cao.
Bên cạnh đó, một số tài xế quyết định giảm tần suất hoạt động vào khung giờ cao điểm do mật độ giao thông những ngày cuối năm dày đặc.
Dù được tích lũy thêm điểm hay giá cước cao hơn, các tài xế vẫn hạn chế di chuyển do doanh thu về tay không như kỳ vọng.
Anh Phạm Công Khiêm (ngụ TP Thủ Đức) tỏ ra lo lắng khi có chuyến bay lúc 4h sáng 19-1 sợ không có tài xế đón sẽ lỡ chuyến bay. Đi vào giữa đêm, giá cước cao đã đành nhưng lo nhất vẫn là tình trạng không có xe. Tình trạng khó đặt xe lan dần từ xe máy đến ô tô.
"Gửi xe ở sân bay hai tuần rất nhiều tiền. Buổi sáng sớm gọi xe không có bác tài nhận cuốc lại khó xử. Tôi đang tính tới phương án lên gần sân bay thuê khách sạn để nghỉ ngơi rồi sáng sớm đi bộ ra cho chắc ăn" - anh Khiêm nói về phương án của mình.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, dịp cận Tết, các hãng đều áp dụng phụ phí để khuyến khích tài xế nỗ lực đảm bảo hoạt động xuyên suốt trong giai đoạn cao điểm này.
Hãng Be sẽ áp dụng phụ phí Tết 5.000-20.000 đồng mỗi chuyến xe trong khung giờ từ 6h đến 22h cho tất cả dịch vụ từ ngày 20-1 đến ngày 26-1. Riêng beFood, phụ phí Tết sẽ áp dụng trong khung giờ 6h-23h (tính từ thời điểm phát sinh chuyến xe).
Tương tự, Grab cũng thu phụ phí 5.000 đồng mỗi chuyến GrabBike, đơn hàng dịch vụ GrabMart, GrabExpress và 15.000 đồng cho mỗi chuyến GrabCar tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng...
Giai đoạn từ 28 tháng chạp đến mùng 5 Tết, Gojek áp dụng mức phụ phí 20.000 đồng cho mỗi chuyến GoCar tại TP.HCM và 15.000 đồng tại Hà Nội. Các dịch vụ xe ôm, giao hàng và giao đồ ăn được doanh nghiệp này thu thêm 5.000 - 7.000 đồng mỗi đơn hàng.
Còn Baemin thông báo phụ thu tối đa 10.000 đồng một đơn hàng.
Taxi duy trì lượng xe xuyên Tết, cam kết không tăng giá
Ông Tạ Long Hỷ - tổng giám đốc Vinasun, cho biết dịp Tết 2023, hãng duy trì lượng tài xế và xe đáp ứng nhu cầu khách "alo là có" xe.
Nói về sự chuẩn bị này, Vinasun đã đầu tư hơn 1.000 xe mới (4 chỗ và 7 chỗ) trong dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023. Hãng cam kết luôn duy trì giá cước ổn định, không tăng giá vào giờ cao điểm hoặc ngày lễ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận