02/06/2016 09:30 GMT+7

Gắn biển xanh cho xe Lexus, nghĩ về bổn phận và công bộc

TRẦN KIM ANH
TRẦN KIM ANH

TTO - Từ câu chuyện của nhà tư tưởng Nhật Bản cách đây hơn 100 năm, nghĩ về thái độ ứng xử và phát ngôn của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang trong vụ gắn biển xanh cho xe Lexus mà ngao ngán.

Chiếc xe Lexus từng mang biển số xanh của Hậu Giang 95A-0699, được thay lại biển số trắng - Ảnh: H.T.D.
Chiếc xe Lexus từng mang biển số xanh của Hậu Giang 95A-0699, được thay lại biển số trắng sau khi dư luận lên tiếng - Ảnh: H.T.D.

Fukuzawa Yukichi - nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản cận đại, người thành lập Trường Keio nghĩa thục (tiền thân Trường ĐH Keio hiện nay tại Tokyo) - kể lại chuyện vì luật pháp không cho phép mà ông buộc lòng phải xin lỗi và từ chối tuyển dụng một giáo viên người Mỹ dù trường đang rất cần.

Vào tháng hai năm Minh Trị thứ bảy (tức năm 1874), Trường Keio được nhà quý tộc Ota Sukeyoshi tài trợ để thuê người Mỹ sang Nhật dạy về văn học Mỹ.

Thế nhưng theo quy định của Bộ Giáo dục Nhật Bản ban hành lúc bấy giờ, bộ không chấp nhận giảng viên người Mỹ không xuất trình được bằng tốt nghiệp khoa học tại Mỹ, cho dù chi phí thuê là do cá nhân tài trợ.

Người Mỹ này không xuất trình được bằng tốt nghiệp nên bộ không cho phép ông ta giảng dạy về văn học Mỹ, chỉ chấp nhận nếu ông ta dạy tiếng Anh.

“Nếu chúng tôi ghi trong đơn đề nghị “ông ta sang Nhật để dạy tiếng Anh” thì mọi việc đã dễ dàng hơn, nhưng Trường Keio vốn có nhu cầu học về văn học Mỹ nên chúng tôi mới viết đơn đề nghị chính thức.

Cho dù việc đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giảng dạy của nhà trường, nhưng không vì thế mà chúng tôi lừa gạt cơ quan công quyền.

Để đạt được mục đích mà phải dối trá, xin cấp phép một đằng làm một nẻo thì thật đáng xấu hổ. Phương sách tối ưu là không làm sai bổn phận cơ bản của quốc dân một nước” - Fukuzawa Yukichi quả quyết.

Từ câu chuyện của nhà tư tưởng Nhật Bản cách đây hơn 100 năm, nghĩ về thái độ ứng xử và phát ngôn của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang mà ngao ngán.

Có thể ông Trịnh Xuân Thanh - phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - có ý tốt khi đề xuất mang xe từ Hà Nội vào sử dụng vì thấy tỉnh đang thiếu xe công.

Thế nhưng việc gắn biển số xanh cho xe ông Thanh và lập luận “dùng xe mang biển số trắng đi làm việc không tiện, nên đã đề nghị phía công an tỉnh cấp tạm một biển số xe công để ông Thanh đi lại, làm việc trên địa bàn tỉnh” của bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang khó có thể chấp nhận được.

Lập luận này vừa sai luật vừa không có căn cứ như nhận xét của một cán bộ CSGT trong lĩnh vực đăng ký ôtô của lực lượng công an.

Trong khi đó, ông phó chủ tịch tỉnh thấy chuyện đó sai luật thay vì từ chối thì vẫn “vô tư trong vinh dự” ngồi xe riêng, gắn biển số công đi làm.

Không biết các vị lãnh đạo tỉnh Hậu Giang có thật sự hiểu rõ chức trách của mình hay không khi bản thân là người thừa hành luật pháp nhưng lại cố tình vi phạm như thế?

Cần nói thêm rằng quan chức chính quyền được bổ nhiệm dựa trên năng lực, đạo đức và là người thực thi luật pháp. Người dân kính trọng các vị theo lẽ đó chứ không vì chức sắc hay thành phần xuất thân.

Nay những người thực thi luật pháp cho dân không làm tròn trọng trách, dân cảm thấy sự kính trọng của mình có lẽ đặt không đúng chỗ thì phải lên tiếng chứ.

Ấy thế mà đáp trả dư luận, ông bí thư tỉnh nói: “Tôi thấy việc này bình thường, có dùng xe nhà nước sai tiêu chuẩn đâu mà dư luận phê phán ầm ĩ”.

Quan chức không muốn dân phê phán ầm ĩ thì hãy làm tròn bổn phận công bộc của dân, hơn nữa phải có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về pháp luật. Nếu cảm thấy điều đó sai trái phải tự phê bình và rút kinh nghiệm.

Chỉ e là sau một khoảng lùi thời gian, người dân lại phải hỏi nhau câu hỏi mà cố trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh khi còn là bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã chất vấn cấp dưới của mình rằng: “Không biết sợi dây kinh nghiệm nó dài bao nhiêu mà rút hoài không thấy hết?”.

TRẦN KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên