Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động trở lại với tổng giá trị phát hành mới đạt con số ấn tượng trong tháng 8.
Các nhà băng thành "ông vua" huy động vốn trên thị trường trái phiếu
Theo dữ liệu từ VBMA, tính đến ngày 30-8, có 43 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 37.995 tỉ đồng và 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 11.000 tỉ đồng trong tháng 8-2024.
Như vậy trong tháng 8, tổng cộng có gần 49.000 tỉ đồng được huy động thành công thông qua trái phiếu doanh nghiệp. Cộng dồn đầu năm đến nay, có 227 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 215.583 tỉ đồng và 13 đợt phát hành ra công chúng trị giá 22.773 tỉ đồng.
Các ngân hàng đang dẫn đầu trong cuộc đua huy động vốn khi có đến 42.000 tỉ đồng trái phiếu đã phát hành với những nhà băng huy động vốn gồm HDBank, VPBank, Agribank, BIDV, Baovietbank, Vietinbank, OCB, TPBank, VIB, LPBank, ACB, NamABank, MBBank, SHB.
Đứng ở vị trí "á quân" huy động vốn là nhóm bất động sản khi huy động được gần 5.000 tỉ đồng thông qua 7 đợt phát hành.
Cụ thể, Công ty CP đầu tư xây dựng Thái Sơn có 1 đợt phát hành với trị giá 1.890 tỉ đồng, Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex) có 3 đợt phát hành với tổng trị giá 1.000 tỉ đồng, Công ty CP đầu tư Nam Long có 2 đợt phát hành với tổng trị giá 900 tỉ đồng, Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc có 1 đợt phát hành trị giá 1.000 tỉ đồng.
Nhóm doanh nghiệp ngành tài chính có Công ty CP Tập đoàn đầu tư I.P.A có 1 đợt phát hành với trị giá 1.096 tỉ đồng, Công ty CP kinh doanh F88 có 2 đợt phát hành với tổng trị giá 150 tỉ đồng.
Ngành năng lượng chỉ có Công ty CP Điện Gia Lai với 1 đợt phát hành trái phiếu trị giá 200 tỉ đồng.
Cần tăng tính minh bạch của thị trường
Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, WB nhận định thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi. Lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng gấp 2,5 lần trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 do các ngân hàng tận dụng môi trường lãi suất thấp để đảo nợ trái phiếu.
Tuy nhiên, WB cho rằng lượng trái phiếu đáo hạn trong nửa cuối năm 2024 ước lên đến 139,8 ngàn tỉ VND (5,6 tỉ USD), trong đó trái phiếu bất động sản chiếm 42%, tạo áp lực cho lĩnh vực bất động sản trong điều kiện khó khăn về dòng tiền.
Theo WB, cho đến gần đây, việc tập trung vào phát hành riêng lẻ tạo rủi ro cho các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm.
Mặc dù Luật Chứng khoán đã quy định hạn chế tiếp cận trái phiếu phát hành riêng lẻ, nhưng những bất cập về định nghĩa nhà đầu tư chuyên nghiệp và cách áp dụng trong thực tế đã tạo điều kiện để một lượng lớn trái phiếu phát hành riêng lẻ được bán cho các nhà đầu tư cá nhân chưa được trang bị để hiểu về rủi ro hoặc có khả năng hấp thụ tổn thất.
Kết quả, khi các vụ việc gian lận lớn và hành vi sai trái bị phát hiện vào giữa năm 2022, nhà đầu tư mất lòng tin và thị trường giảm mạnh. Điều quan trọng là các cơ quan chức năng tiếp tục cải cách để ổn định lại thị trường và định hướng để thị trường tăng trưởng theo đúng hướng.
WB cho rằng nghị định số 08/2023 đã tạo hành lang tái cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp để ngăn chặn những xáo trộn lớn hơn gây ảnh hưởng đến ổn định tài chính, còn nghị định số 65/2022 ban hành các điều kiện và yêu cầu chặt chẽ hơn về phát hành riêng lẻ trái phiếu, đặc biệt trái phiếu bán cho nhà đầu tư cá nhân, với các yêu cầu thắt chặt về công bố thông tin.
"Dù đó là các bước đi tích cực, nhưng cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để phát triển thị trường theo hướng lành mạnh.
Những việc cần làm tiếp theo bao gồm tăng cường tiêu chí xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp và cách áp dụng, mở rộng việc sử dụng xếp hạng tín nhiệm, khuyến khích các quỹ đầu tư đại chúng phát triển để tập hợp các nhà đầu tư nhỏ lẻ và đẩy mạnh tính chuyên nghiệp trên thị trường, tối ưu hóa kênh phát hành đại chúng và tăng cường minh bạch thông tin trước và sau giao dịch", WB khuyến cáo.
Hơn 105.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, doanh nghiệp tiếp tục phát hành trái phiếu
Trong tháng 8, các doanh nghiệp đã mua lại 11.023 tỉ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2023. Trong các tháng còn lại của năm 2024, ước tính có khoảng 105.945 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 43.352 tỉ đồng, tương đương 40,9%.
Về kế hoạch phát hành sắp tới, VBMA cho hay HĐQT Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý 3-2024 với tổng trị giá tối đa 1.000 tỉ đồng.
Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo, mệnh giá 1 tỉ đồng/trái phiếu. Trái phiếu có kỳ hạn 2 năm với lãi suất cố định 10,5%/năm.
Bên cạnh đó, HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ được chia làm 15 đợt trong năm 2024. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không tài sản đảm bảo với trị giá tối đa 15.000 tỉ đồng, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn tối đa 5 năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận