Khu dân cư với hàng nghìn hộ dân phải sống cảnh “ba không” nhìn từ trên cao - Ảnh: Lâm Hoài |
Đó là: không hộ khẩu, không sổ đỏ, không được cấp phép xây dựng.
Tất cả xuất phát từ việc một bản án tuyên không rõ ràng khiến cơ quan thi hành án không thi hành án được.
Bản án... tréo ngoe
“Chúng tôi cũng chịu” Đó là trần tình của ông Ngô Tự Học, phó chánh Tòa hình sự Tòa án nhân dân TP Hà Nội, khi Tuổi Trẻ đề cập tới bản án tréo ngoe nói trên. Ông Học nói: “Bản án đã xét xử cách đây gần 20 năm. Bây giờ người dân nên làm khiếu nại gửi đến các cơ quan có thẩm quyền. Còn Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội, đơn vị trực tiếp thi hành bản án nói trên, nên có đơn đề nghị gửi đến Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại bản án. Trong trường hợp này chỉ có Tòa án nhân dân tối cao mới có thẩm quyền xem xét lại bản án, chứ chúng tôi cũng chịu”. |
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, năm 1992 UBND xã Khương Đình, huyện Thanh Trì (nay là P.Khương Đình, Q.Thanh Xuân) tổ chức bán một số diện tích đất trên khu vực Đầm Hồng với giá 8.000 đồng/m2 (đối với người trong xã) và 10.000 đồng/m2 (với người ngoài xã).
Một số người đã mua đất và xây dựng nhà cửa.
Tuy nhiên đến năm 1995, phát hiện hành vi này của UBND xã Khương Đình là sai trái, cơ quan bảo vệ pháp luật đã tiến hành khởi tố vụ án để xử lý.
Năm 1995, Tòa án nhân dân TP Hà Nội kết tội bị cáo Nguyễn Sỹ Sơn (chủ tịch UBND xã Khương Đình) và các đồng phạm về hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Đồng thời, bản án cũng tuyên thu hồi toàn bộ số đất đai mà các bị cáo đã bán bất hợp pháp. Tuy nhiên, điều tréo ngoe là bản án chỉ đề cập thu hồi khu đất trên tại khu vực Đầm Hồng, Đầm Sen mà không chỉ rõ mốc giới.
Chính điều này khiến gần 300 hộ dân với hơn 800 nhân khẩu đang sinh sống tại khu vực trên hiện nay “dở khóc, dở mếu”.
Cụ thể, bản án tuyên thu hồi diện tích đất bao gồm: “toàn bộ Đầm Sen, Đầm Hồng và 2.500m2 của E26, tương đương với 60 mẫu Bắc bộ (tương đương hơn 20ha)”.
Ông Đặng Hồng Thái, phó chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân, cho biết: “Đây là câu chuyện bức xúc, đồng thời bế tắc gần 20 năm nay của quận, căn nguyên bắt nguồn từ bản án nói trên.
Bản án chỉ nói là thu hồi toàn bộ khu vực hồ và quanh hồ mà không nói rõ phần thu hồi đến đoạn nào, mốc giới ra sao, cũng không quy định rõ cấp thu hồi”.
Hiện nay dù ở giữa quận nội thành nhưng khu dân cư này chẳng khác nào khu ổ chuột với chi chít những ngôi nhà được dựng tạm bợ, người dân sống trong cảnh lụp xụp, tồi tàn.
Theo ông Vũ Hồng Hưng (tổ 85, P.Khương Trung, Q.Thanh Xuân), rất nhiều gia đình quanh khu Đầm Hồng mua đất hợp pháp từ chính quyền nhưng đến nay vẫn phải sống tạm bợ, không xây nhà được. “Xây tới đâu là chính quyền phá dỡ tới đó nên ai cũng sợ” - ông Hưng nói.
Trong khi đó ông Trương Phúc Cường - một chủ hộ có nhà sát ngay bờ hồ Đầm Hồng - bức xúc nói:
“Chúng tôi mua đất có nguồn gốc, đóng tiền cho chính quyền. Thế nhưng giờ không có hộ khẩu cho mình, sinh con nhỏ thì rắc rối khai sinh, người trưởng thành cưới xin thì rắc rối thủ tục đăng ký kết hôn, trẻ nhỏ phải học trái tuyến vô cùng vất vả...”.
Đang bàn cách tháo gỡ
Theo ông Thái, do tài sản đất không hợp pháp (vướng phán quyết của tòa) đồng nghĩa với việc không thể nhập hộ khẩu cho chủ hộ trên phần đất đó. Quận đã mời công an quận, bộ phận tham mưu về hộ khẩu của quận tìm cách tháo gỡ nhưng vẫn bế tắc.
Ngoài ra, ông Thái cho biết thêm năm 1999 quận này lập quy hoạch khu Đầm Hồng, xác định diện tích mặt nước gần 10ha, toàn bộ khu vực xung quanh là cây xanh, các tuyến đường...
Do vậy, ngoài việc vướng vào bản án đã tuyên, các hộ dân lân cận hồ không thể xây dựng công trình vì nền đất nằm trong khu vực đã được quy hoạch, việc cấp sổ đỏ vì thế cũng không thể thực hiện được.
Sau khi nhận được phản hồi của người dân, Q.Thanh Xuân đã có văn bản kiến nghị thành phố có giải pháp đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa lại bản án để cấp dưới có căn cứ thực hiện.
Thứ hai, điều chỉnh lại quy hoạch khu Đầm Hồng cho từng dự án cụ thể sát với thực tiễn theo hướng giữ nguyên phần mặt nước đầm. Khu vực xung quanh đầm, đặc biệt phần đất bị tòa án tuyên, quận sẽ quy hoạch lại tỉ lệ 1/500 chi tiết.
“Khi có quy hoạch riêng từng dự án, quận sẽ điều tra rà soát từng hộ dân, hộ nào có giấy tờ liên quan hợp pháp thì xin cơ chế chính sách đặc thù của thành phố” - ông Thái cho biết.
Tuy nhiên theo ông Thái, hiện nay UBND TP Hà Nội vẫn chưa có văn bản chỉ đạo nào về việc thu hồi khu đất nên mọi việc vẫn được giữ nguyên trạng. Đầu năm 2014, thành phố giao cho Sở Quy hoạch kiến trúc nghiên cứu giải quyết, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phản hồi gì.
Ông Nguyễn Hùng Sơn, phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội, thừa nhận đây là vấn đề rất phức tạp do trải qua nhiều cấp, thời gian quá lâu, đặc biệt chưa có tiền lệ.
Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã có giải thích bản án gửi Thi hành án dân sự TP Hà Nội nhưng việc thi hành án vẫn còn khó khăn. Hiện nay cục đang trình UBND thành phố cho ý kiến để bàn cách tháo gỡ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận