26/12/2023 11:34 GMT+7

Gần 1 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 11 tháng

Số người hưởng thất nghiệp trong 11 tháng đầu năm 2023 lên tới gần 1 triệu người, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Công nhân làm việc trong một xưởng gang tại Hải Phòng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Công nhân làm việc trong một xưởng gang tại Hải Phòng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công, xã hội năm 2024 (diễn ra sáng nay 26-12), tính đến hết tháng 11-2023, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp khoảng 955.000 người, tăng 9,5% so với cùng kỳ 2022, tương ứng gần 910.000 người.

Tình hình thất nghiệp "giảm nhiệt"

Theo bộ, trước tình hình doanh nghiệp khó khăn, ngành đã tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, nhất là phiên chuyên đề theo cụm doanh nghiệp để người lao động nhanh có việc làm.

Đồng thời, các bên liên quan hỗ trợ người lao động mất việc làm bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống, kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới.

Năm 2023 cũng là lần đầu tiên ngành lao động - thương binh và xã hội thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc, qua đó người mất việc ở Hà Nội cũng có thể tìm việc tại TP.HCM.

Bộ cũng dẫn báo cáo nhanh từ các địa phương cho biết số lao động nghỉ, giãn việc cả nước quý 3 khoảng 54.200 người, chủ yếu trong ngành da giày, dệt may.

Tuy nhiên, số mất việc quý 3-2023 trên 118.000 người, giảm tới hơn 99.000 người so với quý trước, tập trung ở Bình Dương và TP.HCM.

Kết quả này là do ngành lao động giới thiệu việc làm cho người mất việc tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương ngay sau khi doanh nghiệp cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng.

"Tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ - giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý 4-2022 đã giảm nhiệt trong các tháng cuối năm 2023", Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định.

Quang cảnh Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024 - Ảnh: CHÍ TÂM

Quang cảnh Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024 - Ảnh: CHÍ TÂM

Tỉ lệ thất nghiệp tại TP.HCM, Hà Nội bao nhiêu?

Theo ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM, thành phố giải quyết việc làm cho trên 315.000 lượt người, đạt 105,3% kế hoạch năm. Trong đó, số việc làm được tạo mới là 141.000, kéo giảm tỉ lệ thất nghiệp dưới 4%.

Ông Dương Anh Đức cho hay năm 2023, nhiều doanh nghiệp lớn phải cắt giảm lao động do tình trạng thiếu đơn hàng. Để gỡ khó, thành phố chỉ đạo các sở ngành hỗ trợ người lao động mất việc, giảm việc ổn định cuộc sống qua tìm việc mới, chi trợ cấp thất nghiệp, qua đó hạn chế đình công, lãn công, ngừng việc tập thể.

Còn bà Bạch Liên Hương - giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội - cho biết thành phố đã tạo việc làm mới cho trên 214.000 lượt người, đạt trên 132% so với kế hoạch, tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị dưới 3%.

Nguyên nhân là địa phương phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho người lao động song song với tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp kết hợp online với các địa phương lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết năm 2023, các doanh nghiệp may mặc, giày da thiếu đơn hàng dẫn đến phải cắt giảm lao động. Do vậy, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như tăng giới thiệu việc làm mới.

Đến cuối năm 2023, Thanh Hóa không còn tình trạng doanh nghiệp giảm giờ làm, người lao động phải nghỉ luân phiên. Nhiều doanh nghiệp đã tuyển mới nhiều lao động. Sơ bộ cả năm, tỉnh tạo việc làm mới cho gần 63.000 lao động và đưa hơn 14.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Số kiều hối từ nước ngoài gửi về gia đình ước khoảng 345 triệu USD, tương đương 8.300 tỉ đồng.

Bình Dương lo lao động ngại trở lại tỉnh làm việc

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương gửi hội nghị, năm 2023, hơn 127.000 lao động tại tỉnh bị ảnh hưởng do doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng, tập trung chủ yếu ở đơn vị chế biến gỗ, da giày…

Tuy nhiên, khi có đơn hàng, các doanh nghiệp gặp vấn đề khó tuyển lao động có tay nghề, kinh nghiệm.

"Người lao động khi bị giảm giờ làm, ít việc hoặc bị mất việc trong thời gian dài dẫn đến giảm hoặc không có thu nhập, thất nghiệp và buộc phải về quê. Hiện nay tâm lý một số lao động vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường lao động do cận Tết, đồng thời người lao động vẫn còn e ngại việc có duy trì được công việc lâu dài, ổn định hay không thì mới có thể quay trở lại Bình Dương làm việc", báo cáo nêu.

Vì sao di dân nhiều nhưng lao động ở lại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn thất nghiệp?Vì sao di dân nhiều nhưng lao động ở lại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn thất nghiệp?

Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long công bố năm 2023 cho thấy dù một lượng lớn lao động trong vùng di dân đến các vùng khác tìm việc làm, nhưng lao động ở lại vẫn thất nghiệp. Nguyên nhân do đâu?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên