12/12/2023 14:39 GMT+7

Vì sao di dân nhiều nhưng lao động ở lại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn thất nghiệp?

Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long công bố năm 2023 cho thấy dù một lượng lớn lao động trong vùng di dân đến các vùng khác tìm việc làm, nhưng lao động ở lại vẫn thất nghiệp. Nguyên nhân do đâu?

TS Vũ Thành Tự Anh trình bày các nội dung của báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long được công bố ngày 12-12 - Ảnh: CHÍ QUỐC

TS Vũ Thành Tự Anh trình bày các nội dung của báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long được công bố ngày 12-12 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ngày 12-12, tại TP Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức công bố báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2023, với sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh trong vùng, các tổ chức trong và ngoài nước...

52% doanh nghiệp ở ĐBSCL báo có lãi

TS Vũ Thành Tự Anh (Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, trưởng nhóm nghiên cứu) dẫn báo cáo cho biết tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của ĐBSCL vẫn cao nhất nước, vì thế thu nhập bình quân của ĐBSCL luôn thấp hơn bình quân cả nước.

Theo ông Tự Anh, chỉ khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong năm 2020, 2021 thì người lao động mới trở về ĐBSCL. Nhưng đến năm 2022 khi hết dịch, người dân lại di chuyển đến các vùng khác tìm kiếm việc làm và cho rằng "đó là quy luật khách quan của thị trường, lao động sẽ về đâu có nhiều cơ hội nhất, có điều kiện phát triển nhiều nhất".

"Đây là điều đáng suy nghĩ đối với các nhà làm chính sách. Khi chúng ta chấp nhận phải có lượng di dân, nhưng ngay khi di dân rồi thì với lực lượng còn lại vẫn thất nghiệp cao, vẫn thiếu công ăn việc làm. Thực trạng đó có nghĩa là chúng ta đang thiếu cơ hội nội sinh của nền kinh tế ĐBSCL", ông Vũ Thành Tự Anh phân tích.

Trong khi đó, tỉ lệ doanh nghiệp/nghìn dân của ĐBSCL cũng chỉ bằng 40% cả nước. Chín tháng đầu năm 2023, ĐBSCL cùng với Đồng bằng Bắc Bộ - Duyên hải miền Trung là hai vùng có số lượng doanh nghiệp giảm so với cùng kỳ, số lượng doanh nghiệp thành lập mới còn thấp hơn số lượng doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động.

"Tuy nhiên, có điều thú vị là ở ĐBSCL, dù các doanh nghiệp có tỉ suất lợi nhuận thấp nhưng tỉ lệ doanh nghiệp có lãi lại cao, với khoảng 52% các doanh nghiệp trong vùng báo cáo có lãi.

Có một lý do đằng sau chuyện này là không gian kinh tế chúng ta còn rộng rãi, mức độ cạnh tranh chưa quá gay gắt nên kinh doanh ở đây vẫn dễ có lãi hơn các vùng khác.

Tuy nhiên có lãi đấy nhưng lãi rất mỏng, làm sao tăng lên. Lãi mỏng là do chi phí cao, chi phí logistics, nguyên vật liệu đầu vào đều cao, trong khi giá bán thì phải theo thị trường, cạnh tranh sòng phẳng các vùng khác", ông Tự Anh khuyến nghị.

Cần thành lập tổ chức lưu vực sông

Tại hội nghị, vấn đề nguồn nước nhận được quan tâm và có nhiều khuyến nghị. Ông Patrick Haverman (đại diện Tổ chức UNDP tại Việt Nam) khuyến nghị Việt Nam cân nhắc thành lập các tổ chức lưu vực sông để hỗ trợ quản lý nước từ góc độ người dân. Tổ chức này được thành lập duy nhất cho ĐBSCL hoặc 2-3 tổ chức cho các tiểu vùng khác có chế độ thủy văn tương tự. Tổ chức này sẽ có chức năng quản lý, vận hành, tham vấn cho các bên sử dụng nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.

Ngoài ra tổ chức còn có trách nhiệm thu thập, phổ biến thông tin liên quan tới nước, phục vụ truyền thông cho các bên sử dụng nước bao gồm cả người dân và doanh nghiệp, cũng như thông tin chuyên sâu cho nhà hoạch định chính sách và nhà nghiên cứu, từ đó mang lại giá trị lợi ích đáng kể cho người dân khu vực ĐBSCL.

Báo cáo kinh tế thường niên năm 2023 cũng đưa ra một trong những khuyến nghị về vấn đề này, đó là tôn trọng quy luật tự nhiên, coi tất cả các nguồn nước đều là nguồn tài nguyên. Cần đánh giá lại một cách căn bản về chiến lược và chính sách nông nghiệp để sử dụng tài nguyên nước một cách hiệu quả trước khi quá muộn.

"Chúng tôi muốn nói về 3,5 triệu ha lúa, về an ninh lương thực, về phát triển các lĩnh vực lúa giảm phát thải, tăng giá trị gia tăng và thân thiện, bền vững về môi trường. Cần đưa các nội dung quản lý tài nguyên nước tại các lưu vực sông vào Luật Tài nguyên nước.

Dù rất nhiều lao động đã đi đến các vùng khác, nhưng lực lượng lao động còn lại ở ĐBSCL vẫn thất nghiệp đang là một trong những vấn đề được nêu ra tại báo cáo kinh tế thường niên năm 2023 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Dù rất nhiều lao động đã đi đến các vùng khác, nhưng lực lượng lao động còn lại ở ĐBSCL vẫn thất nghiệp đang là một trong những vấn đề được nêu ra tại báo cáo kinh tế thường niên năm 2023 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Cuối cùng là áp dụng cơ chế thị trường vào quản lý nước, có thể khuyến nghị này gây tranh cãi. Cái gì miễn phí thì sẽ bị sử dụng rất lãng phí. Nước đang miễn phí nên vô cùng lãng phí, nhưng hiện nay đã khan hiếm rồi và đang chuẩn bị thiếu nước vào mùa khô.

Vậy chúng ta sẽ phải coi nước là hàng hóa kinh tế và phải định giá. Định giá thế nào, lộ trình ra sao, hỗ trợ ngược lại cho nông dân thế nào là câu chuyện chính sách cần phải bàn. Tôi không tin chúng ta tiếp tục miễn phí nước thế này là giải pháp bền vững về môi trường", ông Vũ Thành Tự Anh nói.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long: Hàng triệu nông dân sẽ được hưởng lợiĐề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long: Hàng triệu nông dân sẽ được hưởng lợi

Nhiều tỉnh thành khu vực này phấn khởi bắt tay vào thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với nhiều tâm thế, kỳ vọng mới cho ngành hàng lúa gạo khi xuất khẩu gạo đạt hơn 4 tỉ USD trong năm 2023 vừa qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên