Theo báo New York Times, các nhà lập pháp Gambia ngày 18-3 đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật hủy bỏ lệnh cấm với hủ tục cắt âm vật ở phụ nữ, loại bỏ hàng rào pháp lý đang bảo vệ hàng triệu trẻ em gái.
Phần lớn đồng ý hủy lệnh cấm
42/47 thành viên có mặt tại Quốc hội Gambia ngày 18-3 đã bỏ phiếu đồng ý chuyển dự luật lên một ủy ban xem xét trước vòng bỏ phiếu cuối cùng.
Các chuyên gia nhân quyền, luật sư và các nhà vận động cho quyền phụ nữ và trẻ em gái nói việc Gambia lật ngược lệnh cấm sẽ hủy hoại nỗ lực trong hàng chục năm nhằm chấm dứt hủ tục cắt âm vật.
Hủ tục này trong hàng thế kỷ qua là một nghi lễ gắn liền với sự thuần khiết, vâng lời và kiểm soát về mặt tình dục đối với phụ nữ.
Nếu dự luật vượt qua các thủ tục cuối cùng, Gambia sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới "lật ngược" lệnh cấm đối với hủ tục trên.
Trước đó vào năm 2015, Gambia ban hành lệnh cấm thực hiện nghi lễ "cắt âm vật", nhưng lệnh này chỉ được thực thi vào năm 2023. Khi đó ba người thực hiện nghi lễ bị phạt nặng.
Coi hủ tục như một nghĩa vụ tôn giáo
Lấy lý do từ sự vụ này, một giáo sĩ có ảnh hưởng tại Gambia đã dẫn đầu việc kêu gọi bãi bỏ lệnh cấm, cho rằng việc cắt âm vật của các bé gái từ 10-15 tuổi là một nghĩa vụ tôn giáo và mang ý nghĩa văn hóa quan trọng.
Theo lời kể của bà Fatou Baldeh - một nhà hoạt động người Gambia đang vận động cho việc bãi bỏ hủ tục, nhiều người phản đối ngày 18-3 đã tập trung bên ngoài Quốc hội Gambia ở thủ đô Banjul.
Nhưng cảnh sát đã dựng rào chắn và ngăn những người này vào bên trong, trong khi cho phép các lãnh đạo tôn giáo và bên ủng hộ việc bãi bỏ lệnh cấm được vào.
Trong số 47 nhà lập pháp có mặt tại tòa nhà Quốc hội ngày 18-3, có bốn nhà lập pháp Gambia bỏ phiếu chống dự luật và một người bỏ phiếu trắng.
Trong khi đó chỉ có năm trong tổng số 58 nhà lập pháp của Gambia là phụ nữ, nghĩa là nam giới đang có quyền quyết định trong các thảo luận về hủ tục đối với trẻ em gái.
"Họ không có tiếng nói", người đứng đầu Ủy ban Quyền con người Gambia Emmanuel Joof nói.
Phổ biến nhất ở châu Phi, hủ tục cắt âm vật ở trẻ em gái được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Một số nơi ở châu Á và Trung Đông cũng ghi nhận hủ tục này.
Bất chấp các nỗ lực ngăn chặn, hủ tục cắt âm vật nữ đang gia tăng trên toàn thế giới, chủ yếu là do sự gia tăng dân số ở các quốc gia có hiện diện hủ tục.
Theo Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), hơn 230 triệu phụ nữ và trẻ em gái đã phải trải qua nghi lễ cắt âm vật, tăng 30 triệu người so với lần thống kê gần nhất của cơ quan này vào năm 2016.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận