08/07/2017 18:52 GMT+7

G20 ra thông cáo chung, chia rẽ về biến đổi khí hậu

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Bản thông cáo chung của các nhà lãnh đạo G20 thể hiện sự đồng thuận trong nhiều vấn đề, ngoại trừ biến đổi khí hậu và có điểm nhượng bộ Mỹ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) tỏ ra thoải mái khi trò chuyện với tổng thống Donald Trump (phải) và chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk trước khi hội nghị ngày 8-7 - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) tỏ ra thoải mái khi trò chuyện với tổng thống Donald Trump (phải) và chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk trước khi hội nghị ngày 8-7 - Ảnh: Reuters

“Rõ là chúng ta đã khộng hoàn toàn đạt được sự đồng thuận, nhưng những khác biệt không phải không được nêu ra, nó đã được nhắc tới rất rõ ràng”, Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu sau khi kết thúc phiên cuối cùng của thượng đỉnh G20 tại Hamburg tối 8-7.

Nhà lãnh đạo Đức trước đó thừa nhận quá trình đàm phán ra thông cáo chung là “rất khó khăn”. Đến chiều 8-7, những thông tin đầu tiên bắt đầu được hé mở, cho thấy sẽ có thông cáo chung sau hội nghị.

"Kết quả rất tốt. Chúng ta đã có được một thông cáo chung. Chỉ có duy nhất một vấn đề sót lại là biến đổi khí hậu nhưng tôi hi vọng các nhà lãnh đạo thế giới có thể tìm kiếm được sự thỏa hiệp trong vấn đề này", hãng tin Reuters chiều 8-7 dẫn lời một quan chức Liên minh châu Âu (EU) giấu tên tiết lộ.

Đối với một hội nghị thượng đỉnh lớn như G20, thông cáo chung được xem là chỉ dấu góp phần quan trọng đánh giá sự thành công của nước chủ nhà. Hội nghị G20 năm nay đã từng được dự báo sẽ bị chia rẽ sâu sắc bởi những khác biệt giữa Mỹ và các nước còn lại xung quanh vấn đề thương mại, biến đổi khí hậu.

Dự đoán này xuất phát từ thực tế thượng đỉnh G7 cách đây không lâu. Các tờ báo châu Âu khi đó đã gọi đó là thượng đỉnh G6+1 chứ không phải G7, ám chỉ những quan điểm khác biệt của Tổng thống Mỹ Donald Trump so với các lãnh đạo còn lại trong khối.

"Nhưng chúng ta đã có một thông cáo chung của 20, chứ không phải 19 nước", một nhà ngoại giao EU nhấn mạnh.

Theo vị này, bản thông cáo chung năm nay gần như là một cuộc chiến về từ ngữ. Mọi việc chỉ tạm kết thúc vào lúc 2h sáng hôm nay (8-7), khi các quan chức Mỹ cuối cùng cũng đồng ý về những câu từ được sử dụng để nói về chống chủ nghĩa bảo hộ.

Tuy nhiên, phía Mỹ đề xuất đưa việc sử dụng năng lượng hóa thạch vào mục Biến đổi khí hậu trong thông cáo chung. "Nước Mỹ cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với các nước khác để đảm bảo họ có thể tiếp cận và sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch một cách hiệu quả và sạch sẽ hơn". 

Vấn đề này sẽ được các nhà lãnh đạo G20 xem xét, kết quả như thế nào sẽ có ở thông cáo chung chính thức cuối cùng của hội nghị, quan chức EU thông tin thêm. 

Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố ông không tin hiệu ứng nhà kính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu và thể hiện sự ủng hộ với các ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Và giờ mọi chuyện đã rõ, những gì Mỹ đề xuất đã được đưa vào thông cáo. AFP bình luận sự xuất hiện này được xem là sự nhượng bộ của châu Âu và một chiến thắng của chính quyền Trump tại G20.

Tuy nhiên, thông cáo chung của G20 đã nhắc đến chuyện Washington rút lui khỏi Thỏa thuận chống biến đổi Paris cách đây không lâu và tái khẳng định những cam kết mạnh mẽ của 19 nước còn lại trong vấn đề này.

Trái ngược với những dự đoán và lo ngại trước đó rằng có thể rất khó để ra thông cáo chung, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đứng trước cơ hội được tung hô vì những gì đã thể hiện tại G20. 

Một thông cáo chung của G20 năm nay sẽ cho thấy bản lĩnh ngoại giao của nhà lãnh đạo Đức khi khéo léo xoay chuyển và điều hòa những khác biệt sâu sắc với phần còn lại, đến từ chính đồng minh thân cận của Berlin: nước Mỹ.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên