Nghệ sĩ dương cầm Tuấn Nam - giám đốc âm nhạc của Fusion Jazz Concert - phiên cùng Đinh Hương trong đêm diễn tại TP.HCM và tối 18-10 - Ảnh: T.V.K
Đó là cảm hứng của những sáng tạo không giới hạn trên tinh thần của Jazz. Và với những biến động đã diễn ra trong suốt từ đầu năm đến nay, nguồn cảm hứng này vô cùng đặc biệt để làng nhạc Việt có thế tiếp bước, vượt qua khó khăn và khủng hoảng.
Trên sân khấu của Fusion Jazz Concert tại Nhà hát TP.HCM vào tối 18-10, dù là nghệ sĩ gạo cội hơn 50 năm trong nghề như Quyền Văn Minh hay nghệ sĩ trẻ đang lên Soobin Hoàng Sơn đều "run rẩy" vì xúc động.
Nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh hạnh phúc đến... đứng không vững vì giờ đây, sau nhiều năm kiên trì và miệt mài cống hiến, ông đã được nhìn thấy một đội ngũ nghệ sĩ trẻ yêu Jazz cuồng say, có thể cùng ông "làm nên chuyện" với Jazz.
Nghệ nhân xếp giấy origami Đào Cương Quyết sáng tạo cùng những thanh âm của Jazz trong Fusion Jazz Concert - Ảnh: T.V.K
Nghệ sĩ dương cầm Tuấn Nam "vỡ òa" vì nhận được sự đồng hành, ủng hộ hết mình từ rất nhiều đồng nghiệp cho Fusion Jazz Concert cho cả hai đêm diễn tại Hà Nội và TP.HCM.
Nghệ nhân xếp giấy sung sướng đến "nhảy cẫng lên" khi được góp phần tạo nên sự kết hợp độc đáo giữa Jazz và nghệ thuật xếp giấy origami trên sân khấu lớn.
Và ca sĩ trẻ Soobin Hoàng Sơn thì như... "phát điên" khi rất lâu rồi mới có cơ hội hát live cùng một ban nhạc "đỉnh của đỉnh" trên một sân khấu sang trọng và đẳng cấp.
Với Fusion Jazz Concert, nghệ sĩ Tuấn Nam - giám đốc âm nhạc của dự án - đã chứng minh được Jazz không khó chơi, khó nghe hay khó cảm như mọi người vẫn nghĩ.
Bằng tất cả sự nhiệt huyết cũng như tài năng của mình, các nghệ sĩ đã mang đến những đêm nhạc đầy sáng tạo, tung tẩy và tươi mới.
Dương Hoàng Yến và Hà Lê trình diễn giọng hát đầy kỹ thuật nhưng chưa hợp lí với Jazz - Ảnh: T.V.K
Hẳn nhiên, trong hành trình sáng tạo và thể nghiệm nhằm mang Jazz đến gần hơn với số đông công chúng đó, vẫn có những loay hoay hay những đoạn "rớt nhịp".
Điểm yếu nhất trong đêm Fusion Jazz Concert tại TP.HCM cũng chính là điểm mà giám đốc âm nhạc muốn thể nghiệm nhiều nhất: Mang những giọng ca pop đương thời vào Jazz.
Nếu như các thành viên trong ban nhạc chơi rất "chắc tay", thoải mái tung hứng (có thể vì đã luyện tập lâu để đạt đến độ ăn ý) thì các giọng hát được chờ đợi sẽ làm nên những điều thú vị lại... "trật đường rầy" và khá mờ nhạt.
Pop Jazz là một thử nghiệm thú vị nhưng không dễ "chơi" - Ảnh: T.V.K
Sáng tạo hay bay bổng đôi khi vẫn cần dựa trên những gì thuộc về cốt lõi. Cốt lõi của Jazz trong giọng hát là sự dày dặn và thâm sâu.
Người hát, không cần biết là già hay trẻ, nhưng cứ như đã trải qua hết mọi hỉ nộ ái ố của cuộc đời, để giờ đây rất điềm tĩnh mà thủ thỉ cho người nghe ngàn câu chuyện đời buồn vui bằng cái giọng thoáng nghẹn ngào, thoáng hạnh phúc.
Giọng hát đó có khi thật khô khốc, cũng có khi "chảy nhựa" nhưng đều tuôn trào từ tận đáy tim.
Lê Hiếu là một lựa chọn an toàn và hợp lí cho pop jazz nhưng chưa đủ "sắc nét" - Ảnh: T.V.K
Vậy nên, những nỗ lực hát thật "đẹp, thật mượt, những trưng trổ quá sức đến chênh phô, quên lời, trật nhịp của Đinh Hương, Hà Lê hay Dương Hoàng Yến thật sự khiến khán giả khó từ bỏ được định kiến "khó chơi" của Jazz.
Trong khi đó, sự êm đềm quá mức của Soobin Hoàng Sơn và Lê Hiếu lại khiến đêm Jazz, dù là Fusion Jazz, bỗng phai tí màu.
Đêm nhạc kết thúc bằng hợp ca Một ngày mới như gửi gắm hi vọng tìm thấy thêm những nhân tố thú vị và đặc sắc cho Jazz Việt trong tương lai - Ảnh: T.V.K
Một xíu thất vọng nhưng không tuyệt vọng, bởi khi đã có ý tưởng tốt, ban nhạc hay và những nghệ sĩ dám nghĩ dám làm thì cơ hội tìm thấy một giọng ca trẻ, đúng chất Jazz sẽ đến vào một ngày không xa...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận