FED tăng lãi suất, chuyên gia người nói ảnh hưởng đến Việt Nam, người nói chỉ tác động đến tâm lý của thị trường - Ảnh: TRẤN KIÊN
Sau khi chốt phiên giao dịch ngày 15-6, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Á có dấu hiệu tiêu cực.
Trừ chỉ số Nikkei (Nhật Bản) giữ được sắc xanh, còn lại các chỉ số lớn như Dow Jones, Nasdaq, HSI đồng loạt suy giảm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có dấu hiệu trồi sụt dữ dội từ phiên giao dịch đầu tuần (11-6) cho đến phiên cuối tuần (15-6).
Chỉ số VN Index xanh đỏ đan xen giữa các phiên. Riêng phiên giao dịch ngày 14-6, khối ngoại bán ròng mạnh nhất, đạt 1.510,6 tỉ đồng toàn thị trường. Qua phiên 15-6, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên ba sàn giao dịch thêm 570 tỉ đồng.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán SJC, nhận định rằng động thái của FED sẽ có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong nước. Tuy nhiên, diễn biến này đã được dự báo từ trước và xuất hiện chuỗi bán ròng hơn hai tháng trước thời điểm 14-6.
"Nhu cầu đã xảy ra rồi, khối ngoại đã ước lượng và bán trước, đồng thời, các quỹ đầu tư cũng sẽ dành một "khoảng lặng" để đánh giá tình hình. Nhiều khả năng áp lực bán ròng sẽ giảm đi", ông Tuấn nói.
Về cục diện vĩ mô, vị chuyên gia này dự báo khả năng Ngân hàng Nhà nước bơm vốn vào thị trường sẽ hạn chế lại vì FED tăng lãi suất kéo theo tỉ giá tăng, ảnh hưởng tới hàng hóa nhập khẩu và lạm phát. Thêm vào đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu giảm nhiệt cũng tác động đến thị trường.
"Xét về thanh khoản, giai đoạn này thị trường ít có sự đột biến. Nhà đầu tư và các quỹ ngoại sẽ đứng ngoài thăm dò, mức độ giao dịch sẽ giảm", ông Tuấn nhận định.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty CP Chứng khoán Maybank Kim Eng, cho biết ngay trong tháng 6, các quỹ ETF cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm số lượng cổ phiếu của Việt Nam, điều này đồng nghĩa với động thái bán ra mạnh sắp tới.
Ông Khánh khẳng định xu hướng khối ngoại bán ròng vẫn chưa dừng lại nhưng tình hình thị trường không quá xấu, diễn biến hiện tại chủ yếu gây tác động tâm lý đến các nhà đầu tư.
Khảo sát các phiên giao dịch trong tuần qua, tổng giá trị khớp lệnh mua và bán toàn thị trường có dấu hiệu sụt giảm về cuối tuần.
Duy nhất phiên giao dịch ngày 13-6 xuất hiện lực mua ròng 137,2 tỉ đồng của khối ngoại trên toàn thị trường. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch mà FED công bố việc tăng lãi suất (14-6), VN Index mất 14,81 điểm và giá trị khối ngoại bán ròng lớn nhất.
Lý giải về điều này, chuyên gia Phan Dũng Khánh bác bỏ giả thuyết cho rằng sự điều chỉnh của thị trường trong một hai phiên nhất định bị chi phối bởi động thái của FED.
"FED tăng lãi suất không hề dồn dập mà việc này đã có dấu hiệu từ năm 2016. Khi FED tăng lãi suất sẽ thông báo trước với tinh chất dự kiến để doanh nghiệp và nhà đầu tư chủ động nên tất cả đã phản ánh vào diễn biến bán ròng trước đó của thị trường", ông Khánh cho biết.
Chuyên gia Bùi Quang Tín nhận định rằng vì dự báo trước việc FED tăng lãi suất nên dòng vốn ngoại sẽ không có thay đổi.
Theo ông Tín, các nhà đầu tư đã tính toán rất kỹ về tỷ suất sinh lợi khi đầu tư sang thị trường Việt Nam hay giữ dòng tiền đầu tư tại thị trường trong nước.
Ông Tín cũng cho rằng mấu chốt của vấn đề nằm ở tâm lý nhà đầu tư. Hơn hai tháng trước, thị trường lập đỉnh 1.206 điểm và bắt đầu điều chỉnh, các nhà đầu tư cũng phải có thời gian để cảm nhận, đánh giá lại các cổ phiếu và cơ cấu danh mục đầu tư của mình.
Diễn biến giao dịch của khối ngoại trong thời gian vừa qua:
KHỐI NGOẠI | 11-6 | 12-6 | 13-6 | 14-6 | 15-6 |
Tổng giá trị khớp lệnh mua và bán toàn thị trường | 9.147,7 tỉ | 8.436 tỉ | 2.633,7 tỉ | 3.752 tỉ | 3.708 tỉ |
Gía trị mua/bán ròng toàn thị trường | -594,8 tỉ | -1.126,6 ti | 137,2 tỉ | -1.510 tỉ | - 570 tỉ |
Tổng giá trị khớp lệnh mua và bán trên sàn HoSE | 9.105,6 tỉ | 8.379,7 tỉ | 2.622 tỉ | 3.537 tỉ | 3.602,6 tỉ |
Gía trị mua/bán ròng trên sàn HoSE | -596,5 tỉ | -1.134,3 tỉ | 144,6 tỉ | -1.145 tỉ | -521,1 tỉ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận