27/12/2022 13:06 GMT+7

EVFTA: Chỉ một lô hàng bị phát hiện vi phạm thì tên doanh nghiệp sẽ vào 'danh sách đen'

NGỌC AN
NGỌC AN

Xuất khẩu Việt Nam sang EU đã đạt kết quả tích cực khi tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU - EVFTA, song thị phần hàng Việt Nam tại EU vẫn khiêm tốn và lợi thế ưu đãi sẽ dần mất đi nếu không nhanh chân tận dụng cơ hội.

EVFTA: Chỉ một lô hàng bị phát hiện vi phạm thì tên doanh nghiệp sẽ vào danh sách đen - Ảnh 1.

Hội nghị "Tổng kết 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA" - Ảnh: BCT

Sáng 27-12, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị "Tổng kết 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA - thành tích, các vấn đề tồn tại và giải pháp tận dụng hiệu quả".

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay đây là hiệp định thế hệ mới với cam kết sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là xóa bỏ thuế quan, tự do hóa hoạt động dịch vụ và đầu tư… nên được kỳ vọng sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho quan hệ thương mại song phương.

Từ thực tế thời điểm triển khai năm 2020 đến nay cho thấy những kỳ vọng xuất khẩu tăng trưởng sang EU đã thành hiện thực. Trao đổi thương mại song phương từ mức 54,9 tỉ USD lên 61,4 tỉ USD vào năm 2021, riêng xuất khẩu đạt 45 tỉ USD, tăng 17%. Trong 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch hai chiều đạt 57 tỉ USD, xuất khẩu đạt 43,5 tỉ USD, tăng 21%.

Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực như dệt may (tăng 24%), giày dép (tăng 19%), thủy sản (tăng 41%)…

Thêm nữa, tỉ lệ tận dụng ưu đãi trong EVFTA cũng tăng cao, khi kim ngạch xuất khẩu sử dụng mẫu C/O Euro.1 đạt khoảng 8,1 tỉ USD, chiếm khoảng 20,2% tổng kim ngạch, tăng 244% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng năm 2022, tỉ lệ tận dụng ưu đãi là 25,1%, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021.

Khảo sát của VCCI, có 4/10 doanh nghiệp Việt Nam đã từng hưởng lợi từ EVFTA, song ông Khánh cho rằng đây mới chỉ là bước đầu. Thương hiệu Việt Nam chưa được xây dựng và biết đến tại các nước châu Âu, còn khó khăn khi tiếp nhận thị trường, trong khi dư địa thị trường còn lớn.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc kinh doanh xuất khẩu, Tập đoàn Lộc Trời - cho hay khi EVFTA có hiệu lực đã giúp xuất khẩu của Lộc Trời từ mức 32.000 tấn gạo năm 2019 tăng lên gần 100.000 tấn năm 2022.

Tuy vậy, thách thức đặt ra là yêu cầu nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, doanh nghiệp phải tổ chức vùng trồng, chuỗi giá trị bền vững để vượt 600 hoạt chất mà EU yêu cầu. Bởi chỉ một lô hàng bị kiểm tra mà phát hiện vi phạm thì tên doanh nghiệp sẽ nằm trong danh sách đen, hết đường sang EU.

"Chúng tôi mất hai năm làm thương hiệu, quan trọng là chất lượng ổn định theo khách yêu cầu. Vì vậy, rất mong muốn Nhà nước hỗ trợ cấp vốn tín dụng cho nông dân, an tâm sản xuất gạo cao cấp. Đề xuất xây kho ngoại quan để tăng sản lượng cũng như đàm phán với EU để tăng hạn ngạch lên gấp đôi" - ông Hiếu nói.

Ông Ngô Chung Khanh - phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - chỉ ra thực tế là thị phần rau quả Việt Nam tại EU chỉ chiếm 2,7%. Mặt hàng thủy sản có tới 85,6% kim ngạch được hưởng thuế 0%, nhưng thị phần vẫn khiêm tốn chỉ hơn 4%. Thị phần dệt may là 3,8%, mặt hàng máy móc thiết bị là 2,19%, gạo là 2%.

Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam:  Xuất khẩu của Việt Nam đến EU thật kinh ngạc Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam: Xuất khẩu của Việt Nam đến EU thật kinh ngạc

TTO - Nhiều nhà đầu tư châu Âu coi Việt Nam là thị trường tiềm năng, là trung tâm của khu vực ASEAN và họ đặc biệt chú ý tới cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 (hay cam kết Net Zero) của Việt Nam.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên