09/12/2022 09:37 GMT+7

Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam: Xuất khẩu của Việt Nam đến EU thật kinh ngạc

NGỌC AN - NGUYÊN HẠNH  thực hiện
NGỌC AN - NGUYÊN HẠNH thực hiện

TTO - Nhiều nhà đầu tư châu Âu coi Việt Nam là thị trường tiềm năng, là trung tâm của khu vực ASEAN và họ đặc biệt chú ý tới cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 (hay cam kết Net Zero) của Việt Nam.

Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam:  Xuất khẩu của Việt Nam đến EU thật kinh ngạc - Ảnh 1.

Ông Giorgio Aliberti, đại sứ - trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam - Ảnh: NVCC

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Giorgio Aliberti - đại sứ, trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam - khẳng định chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới châu Âu (từ ngày 9 đến 15-12) để dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU và thăm các nước Luxembourg, Hà Lan, Bỉ là rất ý nghĩa. 

Đây sẽ là dịp quan trọng để các lãnh đạo cấp cao đối thoại trực tiếp, củng cố quan hệ giữa các bên.

"Sự kết hợp hoàn hảo"

* Như ông chia sẻ, hợp tác đầu tư giữa hai nước sẽ là trọng tâm lớn, nhất là lĩnh vực công nghệ, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh và bền vững. Ông có nghĩ chuyến công tác của Thủ tướng tới châu Âu lần này sẽ thúc đẩy hơn nữa các quan hệ hợp tác đó?

- Việc Diễn đàn & Triển lãm kinh tế xanh (GEFE) 2022 diễn ra tại TP.HCM vài ngày trước quy tụ đông đảo giám đốc điều hành của các công ty toàn cầu cho thấy sự quan tâm rất lớn đến thị trường xanh. 

Tôi nghĩ nhiều nhà đầu tư châu Âu đang coi Việt Nam là thị trường tiềm năng. Rõ ràng Việt Nam có nhu cầu và châu Âu cũng có mong muốn tìm đến. Đây sẽ là sự kết hợp hoàn hảo.

Có nhiều kỳ vọng trong chuyến công tác của ngài Thủ tướng, song chúng tôi mong muốn Việt Nam cần có môi trường và thỏa thuận phù hợp giữa khu vực công và tư nhân. 

Cần có những hợp đồng hấp dẫn, khả thi có thể thuyết phục các ngân hàng cấp vốn. Nếu có tất cả những điều này, sẽ có các dòng tiền khổng lồ trên thị trường tài chính sẵn sàng đổ vào năng lượng xanh và chuyển đổi xanh ở Việt Nam.

Việt Nam phải nhanh chóng quyết định vì Indonesia đã đưa ra lựa chọn khi ký kết thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Các nhà đầu tư quốc tế cũng như châu Âu đang tìm kiếm thị trường. Nếu họ thấy Indonesia đi trước và Việt Nam lùi lại, họ sẽ chọn Indonesia. Nếu Việt Nam cũng cam kết, họ sẽ tìm đến.

Đó cũng là vấn đề tầm nhìn và chúng tôi cảm thấy được khích lệ bởi sự quyết tâm của Thủ tướng. Tôi nghĩ ông ấy đã rất dũng cảm ở Glasgow, trong COP26, khi quyết định cam kết. 

Vì vậy chúng tôi mong Việt Nam tiếp tục nỗ lực này. Việt Nam có thể trở thành tấm gương cho 12 quốc gia trong khu vực khi mạnh dạn tuyên bố cam kết vì các bạn nhìn thấy tương lai ở đó. Đấy là sự khác biệt.

Tất nhiên, nếu cứ ngoảnh đầu nhìn lại và chỉ thấy các thách thức, có lẽ sẽ không ai dám nói "hãy tiếp bước" mà thay vào đó sẽ là "chúng ta hãy chờ xem những người khác làm gì". Nhưng tôi muốn nói rằng nếu bạn muốn đi đầu, bạn cần phải hành động ngay bây giờ.

* Có nhiều lợi thế từ EVFTA đã giúp hàng xuất khẩu Việt Nam vào EU tăng trưởng, song thị phần và các sản phẩm xanh theo tiêu chuẩn châu Âu thì vẫn còn hạn chế và yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam cần cải thiện?

- Tôi thấy rằng kể từ khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 8-2020, chúng ta đã ghi nhận sự gia tăng cả về xuất khẩu và nhập khẩu của hai bên. EVFTA đã cho thấy sự hữu ích, đặc biệt trong dịch COVID-19 đầy khó khăn. Chúng ta đã duy trì quan hệ truyền thống bền chặt và tăng cường xuất nhập khẩu hai chiều và đây là một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên.

Đối với hàng hóa Việt Nam vào EU, chúng tôi thấy có sự nỗ lực rất lớn. Bạn đang so sánh thị phần của Việt Nam tại châu Âu, một thị trường rất lớn. Thị trường này còn có Trung Quốc, Mỹ và cả nhóm kinh doanh nội khối châu Âu. 

Vì thế không dễ để có được thị phần đáng kể ở châu Âu. Nhưng nhìn vào số liệu và sự tăng trưởng trong 20 năm qua, chúng ta sẽ thấy những kết quả thật tuyệt vời. Xuất khẩu của Việt Nam đến EU thật đáng kinh ngạc, mạnh mẽ và đang tăng trưởng rất tốt khi năm 2021 là khoảng 38 tỉ euro, trong khi hàng xuất khẩu từ EU là 10 tỉ euro.

Đúng là vấn đề tiêu chuẩn cần được nâng lên. EU là một trong những thị trường có tiêu chuẩn cao nhất thế giới. Chúng ta cần thời gian và chia sẻ thông tin nhiều hơn để làm được điều đó. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để thông tin tới các doanh nghiệp Việt Nam về những việc cần làm để đạt tiêu chuẩn tốt hơn, tham gia thị trường.

Tôi nhận thấy số doanh nghiệp ở Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu đã tăng đáng kể trong một số lĩnh vực như thực phẩm nông nghiệp hay nghề cá. Một số đã làm được điều này, số khác thì chưa. Vì vậy tôi cho rằng quá trình này sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Ở chiều ngược lại, chúng tôi mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về mặt thủ tục, tháo gỡ một số khó khăn, rào cản như biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật, để có nhiều sản phẩm châu Âu đến được với người tiêu dùng Việt Nam hơn.

Môi trường đầu tư đã tốt rồi

* Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) kỳ vọng sẽ sớm được phê chuẩn bởi các nước thành viên, ông đánh giá gì về triển vọng này?

- Chúng ta đã ký kết IPA. Nghị viện châu Âu, Quốc hội Việt Nam và 12 nước thành viên EU đã phê chuẩn thỏa thuận này. 

Vì vậy chỉ còn chờ 15 nước thành viên cuối cùng ở châu Âu hoàn tất thủ tục, đó chỉ là vấn đề thời gian. Tôi cho rằng nếu các nhà đầu tư quyết định đến, họ sẽ đến ngay cả khi IPA chưa được phê chuẩn. Tôi không nghĩ điều đó thực sự ảnh hưởng đến dòng đầu tư hiện nay.

Tất nhiên đây có thể là một bước tiến mới về bảo vệ đầu tư, giúp khích lệ một số nhà đầu tư khác. Thỏa thuận sẽ cung cấp một hàng rào bảo vệ tốt hơn và sự khuyến khích lớn hơn. 

Nhưng như tôi đã nói, đừng nghĩ đây là chìa khóa để thay đổi mọi thứ. Thỏa thuận sẽ giúp thay đổi môi trường, nhưng điều kiện hiện nay vốn đã tốt rồi. Vấn đề phụ thuộc vào việc Chính phủ (Việt Nam) quyết định như thế nào về khuôn khổ pháp lý.

Chúng tôi biết Việt Nam rất quan tâm đến việc nhận thêm đầu tư từ châu Âu. Chúng tôi cũng luôn khẳng định đây là điều rất quan trọng bởi Việt Nam đã và đang tạo điều kiện hoàn hảo cho đầu tư trong tương lai.

EU cấm nhập khẩu các sản phẩm cà phê, ca cao có xuất xứ do phá rừng EU cấm nhập khẩu các sản phẩm cà phê, ca cao có xuất xứ do phá rừng

Các công ty nhập khẩu vào EU sẽ phải chứng minh sản phẩm không liên quan đến hoạt động phá rừng và phải chứng minh được thông tin địa lý chính xác về vùng đất xuất xứ của sản phẩm.

NGỌC AN - NGUYÊN HẠNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên