13/07/2022 08:21 GMT+7

Euro lao xuống gần bằng USD

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Ngày 11-7, đồng euro giảm giá sâu nhất trong 20 năm qua, về mức gần bằng đồng USD trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng có nguy cơ kéo dài và đe dọa làm trầm trọng tình trạng suy thoái kinh tế tại châu Âu.

Euro lao xuống gần bằng USD - Ảnh 1.

Đồng euro và đồng USD lần đầu tiên gần ngang giá kể từ năm 2002 - Ảnh: GUARDIAN

Tính tới 16h10 ngày 12-7 theo giờ Việt Nam, đồng euro đã giảm xuống mức 1 euro đổi 1,0002 đôla Mỹ (USD), sau khi giảm 1,3% còn 1 euro đổi 1,0053 USD một ngày trước đó.

Tác động kép

Hồi tháng 2 vừa qua, 1 euro vẫn còn đổi được 1,15 USD. Nhưng đồng tiền chung châu Âu đã liên tục mất giá với tốc độ đáng chú ý trong thời gian gần đây. Lần gần nhất đồng tiền chung châu Âu giảm sâu như hiện nay là vào năm 2002, theo Hãng tin Bloomberg.

Giới quan sát đánh giá có hai lý do chính dẫn tới việc euro mất giá. Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất khiến đồng USD tăng giá. Thứ hai, xung đột Nga - Ukraine đã khiến viễn cảnh tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu trở nên ảm đạm, đồng thời khiến chi phí nhập khẩu năng lượng leo thang.

Đồng USD đã mạnh lên khi FED nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản hồi tháng 6. Theo kênh CNBC, các lãnh đạo FED lo rằng họ sẽ mất uy tín nếu tình hình lạm phát xấu đi. Ngày 11-7, Bloomberg ghi nhận đồng USD tiếp tục mạnh lên khi chỉ số Dollar Index tăng 1,1%.

Ngoài ra, dù chưa tính đến việc đồng USD tăng giá, chiến lược gia Jim Reid của ngân hàng đầu tư Deutsche Bank nhận định đồng euro sẽ tự mất giá vì diễn biến thời sự. Ông nói: "Vẫn còn nỗi lo đáng kể về việc liệu đường ống dẫn khí đốt (Nord Stream 1) có được mở lại sau khi kết thúc thời gian bảo trì không, điều đó có nghĩa là đồng euro thậm chí sẽ tự giảm xuống gần ngang bằng với USD".

Ngày 11-7, Nga đã dừng bơm khí đốt thông qua Nord Stream 1, đường ống dẫn khí lớn nhất từ Nga sang Đức, để bảo trì kỹ thuật thường niên. Quá trình này sẽ kéo dài trong vòng 10 ngày. Song, nhiều chính phủ châu Âu và giới doanh nghiệp lo rằng thời gian có thể bị kéo dài do ảnh hưởng từ chiến sự tại Ukraine.

Theo báo Guardian (Anh), nếu Matxcơva quyết định ngắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu trong mùa đông này, các nước như Đức có thể sẽ phải tìm cách phân phối nguồn năng lượng ít ỏi họ có được từ những nguồn thay thế. 

Điều này đồng nghĩa nhiều ngành công nghiệp có nguy cơ buộc phải ngừng hoạt động và các hộ gia đình không có điện để sưởi ấm trong mùa đông. Bối cảnh khó khăn đó hẳn nhiên sẽ tác động tiêu cực đến đồng euro.

Euro lao xuống gần bằng USD - Ảnh 2.

Nguồn: Tradingview.com - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Không có giải pháp nhanh chóng

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiều khả năng sẽ có lần đầu tiên tăng lãi suất kể từ năm 2011. Quyết định dự kiến được đưa ra tại cuộc họp trong tháng 7 này.

Đây là động thái có thể giúp ECB đuổi kịp FED và Ngân hàng Anh, những ngân hàng đã bắt đầu nâng lãi suất cho vay để kiềm chế lạm phát. Ngay cả khi lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu đã chạm mốc kỷ lục 8,6%, giới chuyên gia cảnh báo ECB sẽ không thể nâng lãi suất nhanh như FED bởi nguy cơ suy thoái và "phân mảnh tài chính". 

Sự "phân mảnh" xảy ra khi lãi suất cho vay đối với các nước thành viên có nợ công cao tăng nhanh hơn các nước khác trong cùng khu vực đồng tiền chung euro, đe dọa sự ổn định giá cả và của chính đồng euro.

"Chúng tôi dự đoán đồng euro sẽ về mức ngang giá (so với USD) và thậm chí còn giảm sâu hơn, trong bối cảnh FED và ECB đang có lập trường khác nhau", ông Mohit Kumar, đại diện ngân hàng đầu tư Jefferies (Mỹ), nói.

Trong khi đó, Deutsche Bank lo ngại vấn đề từ nguồn cung khí đốt của Nga có thể kéo dài đến đầu tháng 8. Theo ông Reid, đồng nghiệp của ông cảnh báo "sự bất định" này có thể kéo dài ngay cả khi Nga thật sự cần bảo trì. Vì lý do hậu cần, ông Reid cho biết sẽ cần thêm khoảng 1 - 2 tuần để lắp xong tuôcbin mới vào Nord Stream 1.

Thách thức với châu Âu

Ông Stephen Innes, đối tác của hãng quản lý tài sản SPI Asset Management, cảnh báo vài tuần tới có thể là thách thức lớn đối với châu Âu. Theo chuyên gia này, giới đầu tư ngày càng tin rằng dòng khí đốt của Nord Stream 1 sẽ không trở lại sau giai đoạn bảo trì từ ngày 11 đến 21-7.

"Nếu vậy, Đức nhiều khả năng buộc phải thực hiện giai đoạn 3 của kế hoạch khẩn cấp về khí đốt trong tháng 8", ông Innes phân tích, đồng thời cho biết điều này sẽ khiến GDP của Đức giảm vài phần trăm.

Tin thế giới 12-7: Đồng euro xuống thấp nhất trong 20 năm, gần bằng đồng USD Tin thế giới 12-7: Đồng euro xuống thấp nhất trong 20 năm, gần bằng đồng USD

TTO - Đồng euro xuống thấp ngang đồng USD; EU sẽ thảo luận gói trừng phạt thứ 7 đối với Nga; Dịch COVID-19 tăng lại ở nhiều nước... là các tin quốc tế đáng chú ý trong ngày 12-7.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên