23/02/2022 11:49 GMT+7

EU tiếp nhận du khách đã tiêm vắc xin được WHO phê duyệt

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Các nước Liên minh châu Âu (EU) đồng ý mở cửa biên giới cho tất cả du khách ngoại khối đã tiêm ngừa COVID-19 bằng vắc xin do WHO phê duyệt, tức bao gồm các loại của Trung Quốc và Ấn Độ.

EU tiếp nhận du khách đã tiêm vắc xin được WHO phê duyệt - Ảnh 1.

Nhân viên y tế tiêm ngừa COVID-19 cho người dân tại Mexico ngày 15-2 - Ảnh: AFP

Ngày 22-2, EU nhất trí kể từ ngày 1-3 sẽ tiếp nhận du khách ngoại khối đã tiêm ngừa COVID-19 đầy đủ hoặc khỏi bệnh trong vòng 6 tháng.

"Các nước thành viên nên dỡ hạn chế tạm thời đối với việc du lịch không thiết yếu đến EU cho những người đã được tiêm ngừa bằng vắc xin do EU hoặc WHO phê duyệt", Hãng tin Reuters dẫn thông báo của EU.

EU hiện đã phê duyệt vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca (sản xuất tại châu Âu), Johnson & Johnson và Novavax. Trong khi đó, danh sách của WHO ngoài các loại trên còn bao gồm vắc xin của Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc và công ty Ấn Độ Bharat Biotech. Thông báo mới của EU cũng chấp nhận vắc xin AstraZeneca do Viện Serum của Ấn Độ sản xuất.

Theo khuyến nghị mới, các du khách ngoài việc phải tiêm ngừa đầy đủ còn phải đáp ứng điều kiện đã tiêm liều cuối cùng tối thiểu 14 ngày và tối đa 270 ngày trước khi nhập cảnh. Những người tiêm vắc xin do WHO phê duyệt sẽ phải thực hiện xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ trước khi đến và có thể chịu các biện pháp như cách ly. Quy định cũng áp dụng cho cả người 6-18 tuổi.

Đến nay, hầu hết các quốc gia EU vẫn đóng cửa với du khách ngoại khối nhập cảnh với các lý do không quan trọng hoặc không tiêm vắc xin do EU phê duyệt. Khối này đã phong tỏa biên giới từ tháng 3-2021 để ngăn dịch COVID-19 lây lan.

Tuyên bố của EU cho biết việc điều chỉnh dựa trên tình hình dịch bệnh hiện tại và tỉ lệ tiêm ngừa ngày càng tăng.

Sự thay đổi đánh dấu một bước quan trọng nhằm xóa bỏ cơ chế danh sách quốc gia có công dân được phép nhập cảnh vào EU. Danh sách này, được cập nhật mỗi 2 tuần, bị chỉ trích là không coi trọng khoa học khi chỉ dựa vào quốc tịch thay vì tình trạng miễn dịch.

WHO: Châu Âu có thể sớm có WHO: Châu Âu có thể sớm có 'giai đoạn bình yên' sau 2 năm COVID-19

TTO - Ngày 3-2, WHO cho biết hai năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, châu Âu có thể sớm bước vào "giai đoạn bình yên kéo dài" nhờ tỉ lệ tiêm chủng cao, biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn và đã vào cuối đông.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên