Vẫn còn nhiều điều chưa rõ, ngay cả những người trong cuộc cũng không biết chắc cuộc chiến này có chấm dứt nhờ ông Trump hay không.
Tuy nhiên có một điều chắc chắn lúc này: Dù nước Mỹ dưới thời ông Trump 2.0 có dừng hay giảm viện trợ cho Ukraine đi nữa, các đồng minh Ukraine ở châu Âu cũng sẽ sát cánh Kiev.
Châu Âu sẵn sàng đi đầu
Phát biểu tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức vào hôm 9-1, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Đại diện cấp cao ngoại giao và chính sách an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Kaja Kallas tuyên bố khối này sẵn sàng đóng vai trò lãnh đạo trong việc hỗ trợ Ukraine nếu Mỹ giảm cam kết. "Nếu Mỹ không sẵn sàng cho việc đó thì EU sẵn sàng đi đầu", bà Kallas khẳng định.
Bình luận của bà Kallas trái ngược với người tiền nhiệm Josep Borrell - người đã tuyên bố hồi năm ngoái rằng "châu Âu không thể lấp đầy khoảng trống" khi nói đến việc hỗ trợ Ukraine. Hiện tại Ukraine và các đồng minh đang chờ đến sau lễ nhậm chức tổng thống của ông Trump vào ngày 20-1 để xem liệu Washington có tiếp tục hỗ trợ Kiev hay không.
Cũng trong hôm 9-1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo cuộc họp mới nhất trong một loạt cuộc họp giữa Kiev và các đồng minh phương Tây tại Đức tuần này đã mang đến kết quả đáng chú ý: viện trợ quân sự thêm 2 tỉ USD cho Ukraine.
"Tôi muốn cảm ơn tất cả đối tác, tất cả lãnh đạo quốc phòng, hơn 50 quốc gia. Chúng ta đã có một cuộc họp rất tốt đẹp hôm nay và đạt được kết quả rất tốt. Đã có các gói hỗ trợ bổ sung trị giá 2 tỉ USD dành cho Ukraine, mà vốn rất quan trọng, và 8 "liên minh năng lực".
Điều này đã có trên giấy tờ. Có 34 quốc gia đã hỗ trợ các liên minh chiến lược này" - ông Zelensky cho biết hôm 9-1, sau cuộc họp của Nhóm liên kết phòng thủ Ukraine (UDCG) ở Đức.
Thời gian qua Tổng thống đắc cử Donald Trump và đội ngũ của ông đã bày tỏ sự hoài nghi về các khoản hỗ trợ tài chính của Mỹ dành cho Ukraine. Ông Michael Waltz, người được ông Trump chọn làm cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền sắp tới, phát biểu vào ngày 15-12-2024: "Một tấm séc trắng không phải là chiến lược".
Theo Hãng tin AFP, đến nay ông Trump cũng chưa đưa ra bất kỳ đề xuất cụ thể nào về lệnh ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình. Tuần này ông Trump còn bày tỏ đồng cảm với lập trường của Nga rằng Ukraine không nên trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuyên bố này đã gây kinh ngạc cho các đồng minh ủng hộ Ukraine.
Tuy nhiên, phát biểu của ông Keith Kellogg, người được ông Trump chọn làm "đặc phái viên về Ukraine và Nga" trong chính quyền sắp tới, lại mang tính trấn an hơn. Ông Keith Kellogg khẳng định ông Trump "sẽ không cố gắng trao bất cứ thứ gì cho Putin hay người Nga" và "đang cố cứu Ukraine và bảo vệ chủ quyền của nước này".
Theo ông Kellogg, ông Trump sẽ cố gắng tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột Nga - Ukraine trong vòng 100 ngày sau khi nhậm chức.
"Thật điên rồ nếu bỏ cuộc"
Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden là quốc gia hỗ trợ nhiều nhất cho Ukraine, cung cấp viện trợ quân sự trị giá hơn 65 tỉ USD cho Kiev kể từ lúc xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2-2022.
Tại cuộc họp của Nhóm liên kết phòng thủ Ukraine ở Đức vào hôm 9-1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 500 triệu USD cho Ukraine, gồm tên lửa phòng không, đạn dược, thiết bị hỗ trợ cho tiêm kích F-16 và thiết bị liên lạc an toàn.
Hơn 20 lần kể từ đầu xung đột Nga - Ukraine, người đứng đầu Lầu Năm Góc Lloyd Austin đã tham gia các cuộc họp với người đồng cấp các nước khác để đảm bảo cung cấp những vũ khí cần thiết cho Ukraine. Với sự dẫn dắt của Mỹ, liên minh đã đạt được thành tựu nổi bật: cam kết viện trợ hơn 126 tỉ USD cho Ukraine
Khi được hỏi liệu ông nghĩ chính quyền sắp tới của ông Trump sẽ tiếp tục tham gia liên minh gồm hàng chục quốc gia này hay không, ông Austin từ chối suy đoán, nói rằng đó là quyết định "do chính quyền tiếp theo đưa ra".
"Liên minh hỗ trợ Ukraine không được chùn bước và không được thất bại. Sự sống còn của Ukraine đang bị đe dọa. An ninh của chúng ta cũng vậy", ông Austin cảnh báo.
Ông Trump và các cố vấn của ông chưa nói liệu họ có tiếp tục tham gia diễn đàn viện trợ cho Ukraine này hay không. Tổng thống Zelensky cho rằng lễ nhậm chức của ông Trump vào ngày 20-1-2025 sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một "kỷ nguyên mới", đòi hỏi các quốc gia châu Âu phải nhận trách nhiệm lớn hơn đối với số phận chung của họ và của Ukraine.
Giờ đây các quốc gia phương Tây đối mặt với một bài kiểm tra lớn: liệu họ có thể duy trì được mức độ hỗ trợ quân sự hiện tại và đảm bảo các mục tiêu cốt lõi của mình trong bất kỳ giải pháp nào để chấm dứt chiến tranh hay không.
"Chúng ta đã đi một chặng đường dài đến mức, thành thật mà nói, sẽ thật điên rồ nếu bỏ cuộc ngay bây giờ", ông Zelensky chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận