24/04/2015 16:46 GMT+7

​“Em yêu anh” và câu chuyện “tiết kiệm” lời yêu thương

THÙY AN (TP.HCM)
THÙY AN (TP.HCM)

TTO - Không phải bỗng dưng mà phép thử “em yêu anh” dễ dàng tạo nên một cơn sốt trên mạng xã hội suốt những ngày qua.

Phép thử “Em yêu anh” là một phép thử hết sức ngọt ngào - Ảnh: Internet
Phép thử “Em yêu anh” là một phép thử hết sức ngọt ngào - Ảnh: Internet

Một gia vị ngọt ngào trong những ngày hè nóng bức, xua tan những bận rộn thường nhật, khoảnh khắc chờ đợi tin nhắn trả lời khiến người ta có thêm chút hy vọng vào một điều gì lãng mạn, mặc dù đôi khi thực tế lại chỉ là những dòng cảm thán ngắn ngủi: “Hâm à!”, “Điên à!”, “Lại muốn xin gì à?”, hay “Nhắn nhầm số rồi”, hoặc bá đạo hơn là “Lo làm việc đi, coi phim Hàn nhiều quá rồi đấy!”…

Cơn sốt này bắt nguồn từ trò chơi được một cô gái khởi xướng trên Facebook với nội dung: Các chị lấy điện thoại, nhắn tin cho chồng “Em yêu anh”, đợi xem phản ứng của các ông ấy rồi post kết quả lên đây”. Trò chơi này ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của những bà vợ, tiếp đến là những cô gái đang yêu…

Những dòng trả lời của các đức ông chồng hay bạn trai được chia sẻ trên mạng xã hội với đủ mọi cung bậc cảm xúc của các cô, các chị. Người thì chê chồng kém lãng mạn, kẻ thì hào hứng khi ông chồng bị “sốc”, người thì cười ha ha, chết ngất với tin nhắn trả lời của người yêu…

“So với các phép thử như chia tay, giận, ốm, tai nạn, ngoại tình… thường đưa lại hậu quả không mấy tốt đẹp và được khuyến cáo không sử dụng trong cuộc sống vợ chồng, thì phép thử “Em yêu anh” là một phép thử hết sức ngọt ngào, không gây hại, vô thưởng vô phạt mà lại vui. Cũng là dịp hâm nóng tình cảm vợ chồng. Hình như đã lâu lắm, từ hồi cưới nhau thì phải, chúng mình không còn dành cho nhau lời yêu như kiểu này”, chị Ngọc Ánh (31 tuổi), một nhân viên văn phòng tại Hà Nội, chia sẻ về trào lưu “Em yêu anh”. Chị cùng nhiều bạn bè đều tham gia trò chơi này và chia sẻ kết quả trên mạng xã hội.

Ngược lại, nhiều người cho biết không tham gia trò chơi này bởi “chắc chắn chồng không bao giờ trả lời”. Chị Hoàng Xuân (36 tuổi, TP.HCM), một người mẹ có hai con, cho biết: “Từ hồi có con, chồng tôi chuyển cách gọi từ “em ơi sang “mẹ nó ơi”, dù vợ chồng rất yêu thương nhau sau ngần ấy năm nhưng ít khi thổ lộ tình cảm lắm. Có lần chồng lên sân thượng súc bể nước, kêu “mẹ nó ơi” để nhờ vợ đưa cái thùng lên. Vợ bảo: “Phải kêu em yêu ơi thì mới đưa thùng”, thế mà dứt khoát không là không!”.

Cuộc sống vợ chồng với bộn bề lo toan dễ khiến người ta dần quên đi cách thổ lộ tình cảm. Yêu đó, thương đó, quan tâm đó, nhưng nói ra thì… ngại, hoặc phải tìm cách nói bóng gió nào đó mà không phải là “em yêu anh”. Tâm lý ngại nói lời yêu thương từ lâu đã ăn sâu trong tâm lý. Ngại nói, nên dẫn đến nghe ai nói lời yêu thương với mình, cũng ngại. Ngại, nên chuyển sang nghi ngờ mục đích nói lời yêu, mà theo đa số các ông thì phải là vợ làm gì đó tội lỗi, muốn xin tiền mua sắm hay một lý do bất thường nào đó thì mới nói ngọt với mình.

Tôi nhớ một bài báo cách đây nhiều năm đã so sánh cách sống của người Việt với người phương Tây với hai hình ảnh đối lập: trong khi ở phương Tây người ta hôn nhau ở bất cứ đâu nhưng nhất định phải vào WC khi đi vệ sinh, thì ngược lại, người Việt có thể “tè” ở ngoài đường nhưng thể hiện tình yêu thì e dè đi tìm nơi kín đáo. Một thói quen “lạ” và đến lúc cần thay đổi chăng?

Chính bản tính tế nhị, kín đáo của người Việt, mà nhiều bậc cha mẹ khó chịu khi thấy con cái đăng những bức ảnh thể hiện tình yêu với người yêu trên mạng xã hội. Hôn, ôm, âu yếm, nói lời yêu… của giới trẻ trở thành cái gai trong mắt người già, là một thứ gì đó đóng mác “sống thoáng”, xa lạ với truyền thống. Dù thể hiện tình yêu là quyền và là nhu cầu có thật.

Cũng vì cái sự “tiết kiệm lời yêu thương” đó mà trên FB nhiều người đã chia sẻ về việc chưa một lần nói con yêu ba, yêu mẹ, từ khi lớn lên, đi làm chưa một lần ôm ba mẹ vào lòng. Đến khi hiểu được giá trị của lời yêu thương với mẹ cha thì đã ở quá xa, hay thời gian không cho phép làm điều đó nữa.

Tôi còn nhớ trong đám cưới của mình, một người bạn của bố chồng từ Mỹ về Việt Nam dự đám cưới đã dặn dò tôi rằng: “Trong đời sống vợ chồng, có nhiều biến cố sẽ xảy ra, nhưng một điều rất quan trọng là dù trong trường hợp nào đi nữa, đừng bao giờ đổi đại từ nhân xưng “anh” và “em” thành ông, tôi, mày, tao…

Giữ được cái nếp ấy thì gia đình sẽ luôn hòa thuận. Đó là điều mà cô chú đã làm suốt gần 50 năm qua”. Năm nay, cô chú đã gần 70, nhưng vẫn xưng hô anh em và nắm tay nhau khi đi bộ, tặng hoa vào ngày kỷ niệm, ôm hôn nhau vào những thời khắc quan trọng… Một tình yêu đúng nghĩa “đầu bạc răng long”.

Người Việt sống tình cảm nhưng lại ngại thể hiện sự yêu thương, nhất là chỗ đông người. Hy vọng cơn sốt “em yêu anh” không chỉ dừng lại ở một trò chơi “phù phiếm” mà đánh dấu cho một phong trào cởi mở, thoải mái thể hiện tình cảm với người mà mình yêu thương, không chỉ là vợ chồng, mà còn với cha, mẹ, anh, em, bạn bè... Đó cũng là cách để bạn nhận lại yêu thương và làm cho khoảng cách giữa người với người ngày càng xích lại.

THÙY AN (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên