02/01/2016 06:51 GMT+7

“Em vẫn đợi anh về...”

MINH PHƯỢNG ghi (minhphuong@tuoitre.com.vn)
MINH PHƯỢNG ghi (minhphuong@tuoitre.com.vn)

TT - “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, tình cảm cũng vậy, đi qua dâu bể mới càng thấy quý những ngày hoạn nạn không phụ nhau.

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

7 năm 6 tháng tù của anh không phải dài nhưng là bao khó khăn khi một mình chị vật lộn nuôi nấng, dạy dỗ hai đứa con còn nhỏ xíu.

“Anh nghiện em có bỏ anh không?”

Ngày còn ở nhà, lúc ngồi nói chuyện vui với nhau, anh P.V.T. (ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) từng hỏi dò vợ là chị H.T.T. như thế. Không một giây suy nghĩ, chị thẳng thừng: “Bỏ chứ sao! Anh vậy em mang con về ngoại đấy”. Anh cười cho qua.

Nhưng bản tính phụ nữ nhạy cảm khiến chị để ý kỹ anh hơn. Chị bắt đầu theo dõi anh. Thấy chồng sợ nước, lười tắm, người ốm nhom chị gặng hỏi.

Cuối cùng, anh đã thú thật anh dính vào cái chất trắng chết người ấy. Giận thì giận lắm nhưng lo lắng hơn cả, chị tìm cách đưa anh đi cai nghiện. 

Anh về, lúc ấy chị cũng vừa hết thời gian nghỉ cữ sinh con. Thấy anh còn ốm yếu, mệt mỏi, chị nói anh ở nhà bế con để chị đi làm công nhân.

Ở nhà, bạn bè lại tìm tới, anh tái nghiện. “Tôi không muốn anh giao du bạn bè xấu. Nhưng tôi đi làm cả ngày, anh ở nhà thì bạn bè lại tới đưa thuốc (ma túy)” - chị kể.

Rồi anh bị bắt do tham gia đường dây mua bán ma túy, chị gần như rơi vào cảm giác tuyệt vọng, hụt hẫng.

Hôm ấy vợ vừa đi làm, anh lấy xe máy ra gặp người lấy “thuốc”, một tay vẫn ẵm con thì bị công an bắt tại chỗ.

Chị mím chặt môi: “Thằng bé lúc đó mới 7 tháng, trắng bóc, mập ú. Lúc bắt ba nó, anh công an còn nói: Trời ơi, có thằng con cưng vậy, sao không lo làm ăn đàng hoàng nuôi con mà lại làm vậy?”.

Anh vào trại giam, lúc ấy chị vừa 25 tuổi, đứa nhỏ 7 tháng, đứa lớn 3 tuổi. Chị kể ai cũng sốc, cũng suy sụp, nhất là ba mẹ chồng.

Thời gian hai năm qua đã làm mẹ anh - người phụ nữ 53 tuổi - trở nên khô héo, tóp teo và khắc khổ. Mái tóc bà sợi trắng gấp đôi sợi đen, đôi mắt sâu hoắm. Lặn lội cả trăm cây số cùng con dâu lên thăm con trai, nhìn con trong bộ áo phạm nhân thùng thình, bà húng hắng ho: “Tôi chán lắm. Con cái nghe bạn hơn mẹ rồi vậy đấy”.

Bà nhớ lại mấy tháng đầu con bị bắt bà khóc suốt đêm, chẳng ngủ được. Chồng bà buồn chán nên lao vào rượu. Sống trong hoàn cảnh ấy, chị buộc mình cứng rắn, mạnh mẽ làm chỗ dựa tinh thần cho cha mẹ anh và lo cho hai đứa con nhỏ.

“Tôi thì không sao, chỉ thương mẹ anh. Bà chỉ có mỗi ảnh là con trai. Bà dồn hết mọi thứ cho anh, ai ngờ anh lại quậy thế...” - chị nói.

Từ đây, mọi vất vả một mình chị gánh trên vai. Cứ 6g, chị chở hai đứa đến trường rồi về đi làm công nhân. Tối nào chị cũng tăng ca đến 10g đêm nên nhờ bà nội rước hai đứa nhỏ. Chị làm quần quật kiếm tiền mua sữa, đóng học phí cho con.

Chắt chiu được đồng nào, tháng hai lần chị vượt quãng đường hơn 90 cây số từ Biên Hòa lên trại giam Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thăm anh.

Hơn hai năm trôi qua, chị như con ong cặm cụi một mình và không một lời cằn nhằn, nặng nhẹ với anh.

Chị không rời bỏ anh bởi: “Những lúc này, anh chỉ một mình. Không có ai bên cạnh chắc đơn độc, tủi thân lắm. Tôi ráng động viên để anh yên tâm cải tạo tốt chứ đâu thể bỏ anh được”.

Chị nói đó là duyên số, đã lựa chọn thì khó khăn cũng phải vượt qua.

“Hồi xưa tôi vào đây làm công nhân rồi quen anh (quê chị ở Thanh Hóa). Hồi đó anh cũng quậy rồi. Ba mẹ tôi không cho lấy anh nhưng tôi cố thuyết phục. Tôi nghĩ thanh niên có gia đình sẽ lo làm ăn. Ai dè có vợ rồi ảnh còn quậy dữ hơn” - chị cười cho biết.

Đợi anh về nhé!

Đáp lại những hi sinh, những vất vả và tình cảm của chị, ở trong trại giam anh đã cố gắng cải tạo thật tốt. Món quà anh dành tặng chị là cải tạo tốt để có mặt trong hội nghị gia đình phạm nhân.

Ngày hôm ấy anh được ăn cơm cùng với mẹ, vợ và đứa con trai. Lâu lắm rồi anh chỉ được gặp họ chớp nhoáng những lúc thăm nuôi, lâu lắm rồi anh chị không ăn cơm cùng nhau, lâu lắm rồi biết bao câu chuyện trong nhà ngoài xóm chưa có dịp tíu tít kể nhau nghe... Hạnh phúc lớn nhất lúc này là được thấy những người thương yêu.

Trong bộ áo phạm nhân nhưng gương mặt khá sáng sủa, anh đưa tay bế con. Cậu nhóc gần 3 tuổi khóc ré, vùng chạy đi. Anh cười nhưng chắc buồn lắm: “Mình vô đây con mới 7 tháng, làm sao con nhớ được”.

Nhưng theo lời anh thì con bé lớn 5 tuổi mà khôn lắm. Lên trại giam thăm ba, con bé bi bô nói nhớ ba và lao vào ôm lấy ba.

Chị cười kể hôm nay con bé đi học nên không cho lên. Tối hôm trước chị phải “dụ”, ẵm con đi gửi để sáng nay đi sớm. “Con bé mà biết mình đi, nó không chịu đâu. Một là cho nó đi cùng, hai là mẹ khỏi đi” - chị kể.

Tranh thủ lúc ngồi bên vợ, anh hỏi han con có khỏe không, con nay học được gì rồi, ở nhà có ngoan không, có nghe lời mẹ không...

Vẫn còn hơn năm năm nữa, anh nói mình sẽ cố gắng cải tạo thật tốt. Mọi việc ở nhà đều trông chờ vào chị, anh mong chị luôn mạnh mẽ để thay anh nuôi dạy con cái. Anh ngại ngùng không dám nói những lời yêu thương với chị, chỉ khẽ cầm lấy tay vợ.

Tuổi 30 nhưng anh đã chững chạc hơn. Anh trầm ngâm: “Vào trong này, có thời gian suy nghĩ, mình mới hối hận. Mình luôn day dứt vì làm khổ vợ con. Ban đầu vợ cũng giận. Tôi biết không thể nào xin lỗi được, nhưng vẫn viết thư gửi về xin lỗi vợ, mong vợ tha thứ và đợi tôi về. Lúc nào được gọi điện thoại, tôi cũng gọi cho vợ. Trong này, tôi chỉ biết cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được ra”.

Đong đầy yêu thương

Có nhiều những lá thư được viết từ trại giam của những người chồng. Cả người đang thụ án và người ở nhà đều mong ngóng nhau trong bao nỗi nhớ niềm thương...

“Thấm thoát hơn hai năm rồi, anh lại viết thư cho em. Thật buồn quá phải không em. Thật trùng hợp vì hôm nay lại đúng là ngày sinh nhật của em, là ngày mà cách đây 27 năm em cất tiếng khóc chào đời. Biết làm sao được khi có rất nhiều sự kiện buồn vui của hơn hai năm trở lại đây anh đã không thể bên cạnh chia sẻ cùng em. Anh có thể cảm nhận được sự hụt hẫng và tuyệt vọng của em. Từng giây, từng phút, từng giờ, chính bản thân anh cũng đang rất khổ tâm...

Ngày anh được đưa ra xét xử, em hứa với anh dù thế nào cũng không được khóc. Vậy mà cứ khóc hoài. Em có biết mỗi lần em khóc là mỗi lần trái tim anh ngừng đập... Vì anh mà danh dự của em bị tổn thương nghiêm trọng. Em phải sống khổ sở như thế nào với dư luận, bươn chải lo toan với cuộc sống hằng ngày như thế nào anh đều cảm nhận được. Vừa nuôi con nhỏ, vừa dành dụm đi thăm anh, với đồng lương giáo viên của em anh biết em phải chắt bóp ra sao...

Xin lỗi em! Anh muốn nói câu xin lỗi em hàng trăm ngàn lần để vơi bớt đi sự hối hận dày vò từng ngày gặm nhấm cõi lòng anh.

Chỉ một thời gian nữa thôi, anh được đoàn tụ cùng gia đình rồi. Anh sẽ cố gắng, cố gắng cải tạo thật tốt, sớm trở về làm người công dân có ích cho xã hội và cùng em gánh vác lo toan trong cuộc sống...”.

(Trích thư phạm nhân P.T.A. gửi vợ, chị T.S.)

MINH PHƯỢNG ghi (minhphuong@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên