13/08/2022 09:23 GMT+7

'Em chở mùa hè của tôi đi đâu?' - Kỳ 3: Mùa hè đi bắt chuồn chuồn, bắt ve

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Cứ nghĩ thú vui mùa hè đi bắt ve sầu, mò cua đã lùi vào dĩ vãng cùng tuổi thơ thời 8X của chúng tôi. Nào ngờ, dịp về quê lần này, tôi đã gặp lại hình ảnh thân thương đó.

Em chở mùa hè của tôi đi đâu? - Kỳ 3: Mùa hè đi bắt chuồn chuồn, bắt ve - Ảnh 1.

Bọn trẻ quê tôi cầm que bôi nhựa mít đi dính chuồn chuồn - Ảnh: TÂM LÊ

Nhìn lũ trẻ thích thú với "chiến lợi phẩm" không khác gì lũ chúng tôi ngày xưa, ký ức thuở hoa niên ùa về vẹn nguyên cùng sắc màu hoa phượng đỏ...

Đội nắng ra đồng tìm thú vui

Chiều đầu tháng tám, tôi chạy xe máy trên trục đường liên thôn (xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Trời chưa tắt nắng nhưng đã có một nhóm trẻ loay hoay mò cua, bắt ốc ở bãi đất ngập nước lắp xắp.

Đứa đầu trần, đứa đội mũ vải... cẩn thận lật từng cục đất, viên gạch vỡ để tìm con vật mà mình yêu thích như cua, cá, ốc... Đứa nào phát hiện ra con gì thì lập tức nhảy cẫng lên khoe. Túi nilông đựng thành quả trên tay cứ nhiều dần lên, lấm lem bùn đất. Rồi chúng dồn tất cả vào một túi, chuyền tay nhau vừa xách vừa lần mò tìm thêm.

"Chỉ có cua và ốc, con nào to để ăn, con nào bé thì về nuôi", bé gái tên Nhung cười nói. Các bé đều là học sinh lớp 4-5, ở cùng xóm, dắt theo một em bé gái 3 tuổi đi cùng.

Trông chúng chẳng khác lũ chúng tôi ngày xưa, chỉ khác các bé bây giờ giữ quần áo sạch hơn, rón rén đi ven bờ chứ không nhảy bổ xuống nước như chúng tôi. Nhất là mấy đứa con trai, ngày đó đi tát cá, mò cua về thì biết liền: toàn thân ướt nhẻm, bùn đất từ chân lên tới đầu, chỉ trừ hai con mắt với cái miệng lộ ra khi cười.

Và cua, ốc ngày nay cũng chỉ còn loại bé, không có nhiều con to như trước. Nhưng có thành quả mang về cải thiện bữa ăn, phụ huynh cũng bớt mắng mỏ khi thấy hình hài "người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm" của lũ chúng tôi. Có đứa còn được khen nên tỏ ra hớn hở, oai phong.

Hôm khác, tôi lại gặp một nhóm trẻ đang bắt ve sầu ở hàng cây ven đường, giữa cánh đồng sau mùa gặt. Một cậu bé cầm cây gậy hái quả, đầu gậy có vợt. Cậu hăng hái dẫn đường, 4-5 đứa bạn lon ton chạy theo như vệ tinh quay quanh mặt trời.

Mấy bạn nhỏ ngoài nhiệm vụ xách túi đựng ve còn đi tiền trạm. Xác định chỗ nào có ve sầu bám trên thân cây thì kêu bạn đem vợt lại úp sọt. Bắt ve sầu cũng phải có bài, không phải cứ chỗ nào có tiếng kêu thì chỗ đó mới có ve. 

Có những con không chịu kêu, lại nằm ẩn mình trong mắt cây hoặc khe nứt của thân cây. Thân chúng cũng được ngụy trang thành màu nâu xám giống như vỏ cây, rất khó phát hiện.

Lúc úp rọ cũng phải cẩn thận, kẻo đụng vào cành lá mà không trúng thì chúng sẽ vù bay mất. Mấy đứa nhỏ háo hức thử tài bắt ve, cũng như chúng tôi khi xưa, với "tham vọng" bắt về để nuôi cho chúng kêu. Nhưng lạ là khi nuôi nhốt thì chúng chẳng những không chịu ăn, không chịu kêu mà còn chết dần.

Nhiều đứa nhỏ thương con ve ủ rũ lại rủ nhau đem thả về thân cây, chú ve uể oải bò rồi lờ đờ bay đi. Bắt rồi lại thả nhưng trò này vẫn thu hút sự tò mò của đám trẻ.

Còn một trò khác cũng gần giống trò bắt ve và vui không kém nhưng giờ không còn nhiều trẻ biết. Đó là trò dính chuồn chuồn bằng nhựa mít. Mùa hè, nghỉ học, thú vui tìm chuồn chuồn rồng đậu trên hàng rào tre trong vườn làm đám trẻ chúng tôi rất hào hứng. 

Ban đầu bắt bằng tay không hiệu quả, chúng tôi đã có sáng kiến lấy một cái que tre dài, lăn đầu que vào quả mít vừa bổ ra nhựa. Chỉ cần chạm đầu que có nhựa mít vào đuôi con chuồn chuồn, lập tức không con nào bay thoát được.

Điều thú vị nữa của trò này là nhà nào bổ mít mới có nhựa, vì thế chỉ cần nghe tin nhà nào sắp có mít bổ là đám trẻ rủ lại nhau cầm cái que chạy đến để... xin nhựa bắt chuồn chuồn.

Em chở mùa hè của tôi đi đâu? - Kỳ 3: Mùa hè đi bắt chuồn chuồn, bắt ve - Ảnh 2.

Bọn trẻ quê vẫn thích thú những trò vui ngoài ruộng đồng - Ảnh: TÂM LÊ

Tưng bừng trại hè của trẻ quê

Nhiều năm nhắc nhớ mùa hè đã qua, lứa 8X chúng tôi vẫn nhớ mãi kỷ niệm tiếng trống thiếu nhi tùng, tùng, tùng đầu ngõ thì lồng ngực của kẻ viết bài này lại phập phồng trở về tuổi thơ.

Ở thành phố trẻ thường khoe thời gian nghỉ hè là chuyến đi nghỉ dưỡng cùng bố mẹ, xem phim, chơi bóng, trượt patin hoặc học một môn nghệ thuật yêu thích, thì trẻ ở quê thường đơn giản hơn vì ít điều kiện hơn.

Đó là chương trình thiếu nhi vui trại hè. Chương trình này do Đoàn thanh niên của xã tổ chức, kéo dài cả tháng. Mọi đứa trẻ đều được tham gia nếu đến độ tuổi quy định. Rất may là ngày nay ở quê tôi nhiều nội dung vẫn được duy trì, tuy tổ chức đơn giản hơn so với thời của chúng tôi.

Hân hoan nhất là mỗi lần nghe tiếng trống thúc giục tập trung đội hình "tùng, tùng" lướt qua đầu ngõ. Ông bà, bố mẹ lại nhắc nhở con cháu: "Đến giờ đi tập rồi, thay quần áo nhanh lên kẻo muộn".

Địa điểm tập là đình làng, nhà văn hóa ở giữa làng. Mỗi làng một đội. Xã tôi có 11 đội tất cả, mỗi đội chọn lựa khoảng 12 - 15 cặp đôi nam nữ xếp sao cho đẹp đội hình hai hàng dài.

Đi đầu là đội trống, cờ và bạn chỉ huy đi cạnh cặp đôi đầu tiên. Thường đội ngũ đi đầu này sẽ được chọn lựa kỹ, vừa có kỹ năng vừa có "nhan sắc", để làm "mặt tiền" cho cả đội. Cặp đôi tặng hoa cũng rất xinh đẹp để gây chú ý với ban giám khảo và bà con đến xem.

Đội nào cũng tập ngày, tập đêm cho thuộc tất cả các nghi thức được yêu cầu. Gồm tập giậm chân đều, quay trái, phải, chào cờ, tặng hoa, thắt khăn quàng đỏ, xếp chữ, múa...

Trước đây, đội hình chọn ra 4-5 cặp đôi trai gái xinh xắn để vào đội văn nghệ. Nhưng bây giờ văn nghệ cả đội hình tham gia, tập theo bài hát phát trên loa. Yêu cầu cao nhất là tập sao cho đều, cho đẹp là được.

Tôi nhớ vui nhất là giờ nghỉ giải lao, từng nhóm tụ tập với nhau chơi trò chơi hoặc kéo nhau đến nhà nào có cây ổi, cây bưởi, cây thị để leo trèo. Những quả thị thơm lừng, nho nhỏ cầm trên tay cả ngày không chán.

Ngày hè đi tập, tôi được chọn vào đội văn nghệ, cả đội nghỉ trưa nhưng đội văn nghệ phải nán lại để luyện tập. Tôi vẫn nhớ cảm giác mệt nhưng vẫn hào hứng. Hồi đó, đi tập về tôi còn tranh thủ đi cắt cỏ cho bò giữa trưa nắng. Đi một loáng được rổ cỏ đầy, về ăn vội bát cơm lại đi tập tiếp mà không kêu mệt.

Trại hè vui nhất là những ngày lên trại, thi tổng kết. Ngày thi sẽ diễn ra ở sân UBND xã, thường kéo dài hai ngày một đêm. Ban ngày diễn nghi thức, ban đêm thi văn nghệ. Đội nào có phong cách đẹp, hoàn thành các phần thi không bị sai sót, đúng giờ, ấn tượng thì đội đó sẽ giành chiến thắng.

Phần thi bây giờ diễn ra nhẹ nhàng hơn, mang tính chất giao lưu là chủ yếu. Thời xưa có phần dựng trại, mỗi đội dựng một trại có cổng chào được trang trí rất đẹp và kỳ công. Phần dựng trại này được giúp sức bởi các anh chị thanh niên nên càng vui thêm.

Ngày hè, ai ai cũng háo hức chờ đợi lên trại vì sẽ được mặc quần áo đồng phục mới cứng, được trang điểm thật đẹp, được bố mẹ cho tiền ăn quà bánh. Các món kem, chè xanh đỏ, nước ngọt làm lũ trẻ chúng tôi mê mẩn. Tối về lại được cùng nhau ăn liên hoan vui tưng bừng.

Quê tôi kết thúc trại hè chừng một tuần là bước vào năm học mới và cũng là khép lại một mùa hè sôi động, để rồi những đứa nhỏ lại nôn nao đợi chờ mùa hoa phượng sang năm.

Bây giờ môi trường thay đổi, nhiều trò vui không còn hoặc còn rất ít để trẻ hòa mình với thiên nhiên như ngày xưa. Tôm cá cạn kiệt, hàng rào cây leo đã thay thế bằng tường vôi ximăng, trò chơi công nghệ. Và dạy thêm, học thêm đã lấy đi khá nhiều quỹ thời gian ba tháng hè của trẻ thơ.

Tôi có một "cánh cửa bí mật" để trở lại tuổi 18 của mình. Đó là quyển lưu bút năm lớp 12 giữ lại cho tôi những dòng tâm tình buồn vui của bạn bè.

Kỳ tới: Mùa hạ cuối cùng của tôi

'Em chở mùa hè của tôi đi đâu?' - Kỳ 2: Bơi lội kênh Nhiêu Lộc và đi 'buôn lậu'

TTO - Ngày ấy, nhà tôi bên tường rào sau Trường Nguyễn Thượng Hiền ở ngã tư Bảy Hiền, nơi khá xa trung tâm thành phố nhưng cũng dư trò cho những thằng nhóc vui chơi suốt ba tháng hè.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên