24/03/2023 16:23 GMT+7

EC đề xuất các quy định mới để giảm thiểu rác thải công nghệ

Ngày 22/3, EC đề xuất các quy định mới buộc các nhà sản xuất các thiết bị công nghệ phải nhận sửa chữa các thiết bị hỏng của khách hàng để giảm số lượng sản phẩm công nghệ bị vứt bỏ.

EC đề xuất các quy định mới để giảm thiểu rác thải công nghệ - Ảnh 1.

Bãi rác thải công nghệ ở Đức. Ảnh: umweltbundesamt.de

Liên minh châu Âu (EU) ước tính số lượng sản phẩm như máy rửa bát, TV hay điện thoại di động bị vứt bỏ dù vẫn sử dụng được tại các nước trong khối này dẫn tới lượng rác thải công nghệ lên tới 35 triệu tấn mỗi năm. Chi phí cho việc mua mới các thiết bị thay thế lên tới 12 tỷ euro (hơn 13 tỷ USD) mỗi năm.

Theo những đề xuất mới của Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan điều hành EU - các nhà sản xuất sẽ phải sửa chữa thiết bị vẫn còn bảo hành, nếu chi phí sửa chữa bằng hoặc thấp hơn chi phí thay thế thiết bị. Người tiêu dùng cũng sẽ có quyền yêu cầu các công ty đó phải sửa chữa sản phẩm trong vòng 10 năm kể từ khi mua, nếu sản phẩm đó vẫn sửa được, ngay cả khi hết hạn bảo hành.

Điều khoản này được áp dụng đối với các sản phẩm trong danh mục có thể sửa chữa được theo các quy định của EU. Khối này dự định sẽ đưa thêm các sản phẩm điện thoại và máy tính bảng vào danh mục này. Ngoài ra, các quy định mới cũng tìm cách nâng cao nhận thức của người tiêu dùng bằng cách yêu cầu các quốc gia EU thiết lập cơ sở dữ liệu trực tuyến để giúp người tiêu dùng tìm được nơi sửa chữa phù hợp.

Ủy viên tư pháp của EU, ông Didier Reynders, nêu rõ trọng tâm của đề xuất này là giúp người tiêu dùng có thể sửa chữa đồ dùng của họ một cách dễ dàng hơn và hạn chế việc mua mới các thiết bị, từ đó sẽ góp phần bảo vệ môi trường nhờ giảm thiểu rác thải, khí thải nhà kính và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Những đề xuất này cần phải được Nghị viện châu Âu (EP) thảo luận thông qua và các quốc gia thành viên nhất trí trước khi được ban hành thành luật.

Các nhóm vận động bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường lâu nay đã thúc đẩy EU thắt chặt quy định nhằm đảm bảo các công ty đưa ra các lựa chọn dễ dàng hơn giúp sửa chữa sản phẩm của công ty.

Giám đốc Tổ chức người tiêu dùng châu Âu Monique Goyens cho rằng các sản phẩm có tuổi thọ cao hơn và dễ sửa chữa hơn sẽ giúp tiết kiệm tiền của cho người tiêu dùng, cũng như tài nguyên trên trái đất. Nghị sĩ EP Anna Cavazzini hoan nghênh các động thái ưu tiên sửa chữa những sản phẩm vẫn còn bảo hành hơn là thay mới.

Tuy nhiên, bà cho rằng cần phải tạo điều kiện cho những cơ sở sửa chữa độc lập, tránh tình trạng những "gã khổng lồ" công nghệ như Apple độc quyền áp đặt các quy tắc riêng đối với các sản phẩm./.



Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên