18/10/2021 15:04 GMT+7

Duyệt binh tại Singapore kỷ niệm Hiệp ước phòng thủ ngũ cường

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Tàu chiến và máy bay chiến đấu của các nước thuộc Hiệp ước phòng thủ ngũ cường (FDPA) đã tụ họp tại Singapore ngày 18-10 cho màn duyệt binh kỷ niệm 50 năm thành lập.

Duyệt binh tại Singapore kỷ niệm Hiệp ước phòng thủ ngũ cường - Ảnh 1.

Máy bay chiến đấu và tuần tra hàng hải của các nước bay theo đội hình ngày 18-10 - Ảnh: CNA

Phát biểu tại lễ kỷ niệm trưa nay 18-10, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen khẳng định sự tồn tại của FDPA vẫn có ý nghĩa dù bối cảnh an ninh khu vực hiện đã khác.

FDPA được thành lập năm 1971 gồm các nước Anh, Úc, Malaysia, Singapore và New Zealand. Theo quy định, trong trường hợp Malaysia hoặc Singapore bị tấn công vũ trang, các nước còn lại sẽ nhóm họp để quyết định nên phản ứng ra sao trước mối đe dọa.

Bộ trưởng Ng Eng Hen cho biết FDPA hoạt động không nhằm mục đích đe dọa hay nhắm vào nước nào mà chỉ nhằm thúc đẩy sự hợp tác và hiểu biết giữa các nước.

"Không có mối đe dọa truyền thống nào sắp xảy ra nên tôi nghĩ cách tiếp cận hiện nay của FDPA là phù hợp. Nói như thế không có nghĩa sẽ không có bất ngờ, nhưng chúng tôi nghĩ điều mình đang làm là đúng đắn: tiếp tục xây dựng sự hiểu biết để cùng có trách nhiệm hơn", ông Ng Eng Hen nêu quan điểm.

Theo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, FDPA là hiệp ước có "tuổi đời" lâu nhất còn tồn tại ở châu Á và là hiệp ước quân sự lâu đời thứ hai trên thế giới, sau tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Màn biểu dương sức mạnh của FDPA năm nay diễn ra tại Singapore, sau một cuộc tập trận dài 2 tuần trên biển của các nước thành viên.

Theo Bộ Quốc phòng Singapore, tham gia duyệt binh có các máy bay chiến đấu và tàu chiến của 5 nước, nhưng chủ lực trong đội hình vẫn là các khí tài của Singapore.

Duyệt binh tại Singapore kỷ niệm Hiệp ước phòng thủ ngũ cường - Ảnh 2.

Tiêm kích F-16 và F-15 của Singapore - Ảnh: CNA

Cuộc duyệt binh bắt đầu với các tiêm kích F-16 và F-15 của Singapore bay theo đội hình chữ V. Máy bay chiến đấu, máy bay tuần tra hàng hải và trực thăng sau đó thực hiện một chuyến bay hỗn hợp duy trì đội hình.

Malaysia cử 2 máy bay chiến đấu Su-30MKM, Úc cử tiêm kích F/A-18F, còn New Zealand cử 1 trực thăng và 1 máy bay tuần thám. 

Đội hình tàu chiến trên biển gồm tàu đổ bộ HMAS Canberra của Úc, KD Lekiu của Malaysia, HMNZS Aotearoa của New Zealand, RSS Steadfast của Singapore. Tàu khu trục HMS Diamond của Anh dự kiến cũng góp mặt nhưng đã rút lui vào phút chót vì sự cố kỹ thuật.

Như vậy, Vương quốc Anh vắng mặt trong cả màn biểu diễn trên không và trên biển. Trước đó, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh đã cập cảng Singapore và phô diễn sức mạnh bằng cách để các máy bay F-35B trên boong.

Duyệt binh tại Singapore kỷ niệm Hiệp ước phòng thủ ngũ cường - Ảnh 3.

Tàu chiến của 4 nước thành viên FDPA neo đậu theo đội hình trên biển - Ảnh: TWITTER

Duyệt binh tại Singapore kỷ niệm Hiệp ước phòng thủ ngũ cường - Ảnh 4.

Đội hình hỗn hợp các máy bay của Singapore, Malaysia, Úc và New Zealand - Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG SINGAPORE

Duyệt binh tại Singapore kỷ niệm Hiệp ước phòng thủ ngũ cường - Ảnh 5.

Đội hình máy bay bay qua đội hình tàu chiến - Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG SINGAPORE

Tàu chiến Anh và New Zealand vào Biển Đông tập trận, Việt Nam nói gì? Tàu chiến Anh và New Zealand vào Biển Đông tập trận, Việt Nam nói gì?

TTO - Trong cuộc họp báo ngày 7-10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng kêu gọi các bên tuân thủ luật quốc tế và đóng góp cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên