Cầu Rượu trên quốc lộ 1, đoạn qua Tiền Giang là một trong những chiếc cầu hẹp, tạo nút thắt cổ chai trên tuyến đường huyết mạch từ TP.HCM về miền Tây nên thường xuyên bị ùn ứ - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Điểm đen về tai nạn giao thông là ở các cầu hẹp trên tuyến quốc lộ 1 huyết mạch.
Ông Nguyễn Văn Thành (cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4)
Hiện nay, mật độ xe lưu thông trên các tuyến quốc lộ từ TP.HCM đến các tỉnh miền Tây ngày càng tăng, nhu cầu người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa tăng cao.
Ùn tắc vì cầu hẹp
Rời khỏi đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương vào quốc lộ 1 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, chúng tôi ghi nhận trên tuyến đường này có nhiều cầu hẹp như cầu Rượu, cầu Sao, cầu Bà Đắc, cầu An Cư, cầu Thông Lưu...
Phần lớn các cầu trên chỉ dài 26 - 68m, riêng cầu Thông Lưu dài nhất là 100m, nhưng mặt cầu chỉ rộng 12,5m. Trừ lề bộ hành, mặt cầu chỉ còn rộng 9-10m với hai làn xe.
Vì vậy cứ mỗi lần đến cầu là ôtô các loại, xe tải, xe container buộc phải chạy chậm và xếp hàng nối đuôi nhau dài hàng vài trăm mét trên quốc lộ 1 chờ tới lượt qua cầu.
Theo Cục Quản lý đường bộ 4, chỉ riêng quốc lộ 1 đoạn đi qua tỉnh Tiền Giang đã có đến 12 cầu hẹp có quy mô 2 làn xe trở thành các điểm nóng về ùn tắc và tai nạn giao thông.
Thường xuyên chở khách trên tuyến đường từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây, ông Nguyễn Minh Hồng - tài xế xe khách Công ty Phương Trang - than phiền ngày nào cũng vậy gặp lúc xe quá đông, cánh tài xế phải xếp hàng chờ mất 5-10 phút mới qua được chiếc cầu hẹp Thông Lưu, Mỹ Đức Tây trên quốc lộ 1, tỉnh Tiền Giang.
Còn gặp ngày lễ tết, thời gian chờ đợi qua cầu dài hơn, có khi mất 20-30 phút. Trước đây thời gian hành trình từ TP.HCM về Cần Thơ mất 3 tiếng rưỡi nay tăng lên 3 tiếng 45 phút hoặc 4 tiếng.
"Khốn khổ nhất là lúc xảy ra sự cố nhỏ như xe máy va quẹt hoặc có tai nạn giao thông ở những chiếc cầu hẹp này, lập tức xảy ra ùn tắc xe kéo dài nhiều cây số, khiến thời gian hành trình từ Cần Thơ về TP mất gần 5 tiếng đồng hồ" - ông Hồng nói.
Ông cho hay hiện nay quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang trở thành tuyến đường có mật độ xe đông nhất vì tất cả xe ở các tỉnh miền Tây đều dồn đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Chị Nguyễn Thị Minh, nhà ở Q.Tân Bình, có việc thường xuyên đi các tỉnh miền Tây, bức xúc nói: "Không hiểu Nhà nước đầu tư ra sao khi mở rộng quốc lộ 1 lại không mở rộng mặt cầu bằng với mặt đường. Bởi vì mở rộng đường thông mà cầu lại ách tắc giao thông thì không có hiệu quả về giao thông và người dân đi lại vẫn gặp trở ngại".
Cầu Rượu trên quốc lộ 1, đoạn qua Tiền Giang là một trong những chiếc cầu hẹp, tạo nút thắt cổ chai - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Cầu yếu cấm xe tải, cầu thấp cấm tàu ghe
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ có cầu hẹp mà còn có nhiều cầu yếu buộc phải cấm xe tải lưu thông. Theo Cục Quản lý đường bộ 4, trong số 1.180 chiếc cầu trên các quốc lộ từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây, có đến 115 cầu yếu, chiếm tỉ lệ 10% tổng số cầu.
Ông Nguyễn Văn Thành - cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 - cho biết các cầu yếu đều gắn bảng báo hiệu giao thông quy định tải trọng cầu nhằm phòng chống nguy cơ sập cầu.
Sở dĩ số cầu yếu còn nhiều và sẽ còn tăng lên vì một số cầu đã xây dựng trước năm 1975, một số cầu xây dựng giai đoạn 1975 đến 1995 được thiết kế có tải trọng thấp.
Đồng thời, sau nhiều năm nay sử dụng đến nay số cầu đã và đang hư hỏng xuống cấp không còn đúng tải trọng theo thiết kế ban đầu.
Điều đáng nói hơn là đến nay trên các tuyến quốc lộ ở Đồng bằng sông Cửu Long có đến 19 cầu có độ tĩnh không thấp (tính từ mức nước sông đến đáy dầm cầu), không bảo đảm tĩnh không đường thủy nên hạn chế phương tiện thủy lưu thông.
Theo Cục Quản lý đường bộ 4, các cầu có độ tĩnh không thấp nằm trên các trục đường giao thông chính, trong đó quốc lộ 1 có đến 4 cầu gồm cầu Tân An 1, Thông Lưu, Gành Hào 1 và Gành Hào 2; trên tuyến quốc lộ 30 có cầu An Long và cầu Hồng Ngự, trên quốc lộ 53 có cầu Long Bình 2, quốc lộ 63 có cầu Phan Ngọc Hiền 1 và 2, quốc lộ 91 có cầu Ô Môn, cầu Nguyễn Trung Trực và cầu Cây Dương...
Cầu Vàm Cống vẫn đang trong giai đoạn sửa chữa, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2019 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Thiếu vốn xóa cầu yếu, cầu hẹp
Ông Lê Quốc Dũng - phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7 - cho biết đơn vị đã đề xuất với Bộ GTVT cần đầu tư xây dựng mở rộng 6 chiếc cầu hẹp trên quốc lộ 1 đoạn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, theo quyết định số 738 của Thủ tướng Chính phủ, dự án được giao với kinh phí đầu tư là 200 tỉ đồng nên không thể đủ kinh phí thực hiện 6 chiếc cầu này.
Do đó, Ban quản lý dự án 7 đã kiến nghị Bộ GTVT trong phạm vi nguồn vốn trên sẽ đầu tư 4 cầu gồm cầu Rượu, cầu Sao, cầu Mỹ Quý và cầu Rạch Miễu. Dự kiến tháng 6-2019 sẽ khởi công và đến tháng 4-2020 hoàn thành xây dựng 4 chiếc cầu trên.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thành nhìn nhận hiện nay "điểm đen" về tai nạn giao thông là ở các cầu hẹp trên quốc lộ 1. Mới đây Cục Quản lý đường bộ 4 đã đặt vấn đề cần cấp bách đầu tư xây dựng và nâng cấp các cầu hẹp, cầu thấp, cầu yếu, Bộ GTVT cho biết sẽ rà soát số vốn còn dư sau quyết toán của các dự án hoàn thành.
Ông Thành cho biết bộ sẽ sắp xếp thứ tự ưu tiên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sử dụng vốn trái phiếu của Chính phủ còn dư ở các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và sẽ kiến nghị bổ sung vốn cho dự án này nếu có thể cân đối được.
2.335 tỉ đồng nâng cấp đường cao tốc thứ 2 về miền Tây
Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long - Bộ GTVT cho biết sẽ triển khai dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng tuyến N2 đoạn Đức Hòa - Mỹ An (Long An, Đồng Tháp) dài 81km.
Mục tiêu chính của dự án là nhằm phát huy hiệu quả của dự án "Kết nối đồng bằng sông Mekong" (bao gồm dự án cầu Cao Lãnh (đã thông xe), dự án cầu Vàm Cống và dự án xây dựng tuyến đường mới Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.
Ông Trần Văn Thi - tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long - cho biết dự án trên sẽ đầu tư 2 đoạn.
Gồm đoạn từ Đức Hòa đến Thạnh Hóa và đoạn từ Tân Thạnh đến Mỹ An có tổng chiều dài 65km. Riêng đoạn từ Thạnh Hóa đến Tân Thạnh dài 16km sẽ mở rộng mặt đường từ 2 làn xe lên 4 làn xe. Có 68 chiếc cầu trong dự án trên sẽ được đầu tư, nâng cấp.
Tổng kinh phí đầu tư là 2.335 tỉ đồng, theo kế hoạch sẽ triển khai đền bù giải tỏa và thi công vào quý 2-2020 và hoàn thành vào quý 4-2022.
N.ẨN
Ông Bùi Văn Quản (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM):
Ít được đầu tư
Hạ tầng giao thông cầu, đường của các tỉnh miền Tây nói chung còn yếu kém, ít được đầu tư. Toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn mà số cầu cảng, đường cao tốc chỉ tính trên đầu ngón tay, hoàn toàn không đủ đáp ứng.
Trong khi đó nhu cầu đi lại, vận chuyển của người dân, doanh nghiệp từ TP.HCM về miền Tây (và ngược lại) quá cao. Điều này dẫn tới tình trạng tắc nghẽn giao thông trên các tuyến cầu lớn, quốc lộ ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Đồng thời gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp vận tải, hạn chế sự phát triển kinh tế vùng miền, khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài e ngại đầu tư phát triển tại khu vực này.
Hiệp hội Vận tải đề xuất các bộ ngành nghiên cứu đầu tư xây dựng hạ tầng miền Tây nhiều hơn để tạo điều kiện cho khu vực này phát triển.
TS Chung Thành Tiến (chuyên gia kinh tế):
Cần có rà soát tổng thể
Theo tôi, Bộ GTVT cần có rà soát tổng quan toàn bộ hệ thống cầu đường về miền Tây, có quy hoạch rõ ràng cho đồng bộ với các vùng, miền xung quanh. Cầu và đường phải được đầu tư song song, nhất quán về mặt kỹ thuật, vận hành thì mới giải quyết được các khó khăn hiện nay. Hạn chế ùn tắc, kẹt xe, thiệt hại kinh tế.
Ngoài ra, cần chú trọng phát triển vận tải thủy, đầu tư các cảng nước sâu để hàng hóa tại miền Tây có thể thông qua các cảng này xuất nhập, không phải qua đầu mối là TP.HCM nữa. Từ đó, kinh tế vùng kinh tế này cũng sẽ phát triển nhanh chóng, hình thành đô thị vệ tinh "chia lửa" cho TP.HCM, tạo công ăn việc làm cho người dân tại các tỉnh trong khu vực.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn:
Đầu tư cầu và đường phải đồng bộ
Trong khi không có hạ tầng đường bộ, tất cả các hạ tầng khác đều không khai thác được tối đa hiệu quả. Do đó, trong giai đoạn này, muốn phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông cầu đường tương xứng cho khu vực ĐBSCL. Trung ương phải rót lại số phần trăm vốn cao hơn, tạo điều kiện kiện toàn hệ thống cầu đường.
Nhà nước cần lưu ý đặc tính khu vực ĐBSCL là kênh rạch chằng chịt, đầu tư cầu và đường phải đồng bộ.
Bên cạnh đó là đầu tư đường thủy kết nối về TP.HCM, tận dụng lợi thế sông nước. Còn việc đầu tư đường sắt thì phải xem xét, nghiên cứu sâu hơn nữa, chưa phù hợp đầu tư trong thời điểm này.
THU DUNG thực hiện
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận