03/06/2016 12:17 GMT+7

​Đương đầu với vấn đề ma túy toàn cầu

Nguồn: Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm
Nguồn: Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm

Có khoảng 27 triệu người trên toàn cầu bị lệ thuộc vào ma túy, với gần 200.000 người mất mạng mỗi năm do quá liều và các nguyên nhân khác liên quan đến chất gây nghiện.

Đây là những con số mà Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) đưa ra tại phiên họp lần thứ 69 Đại hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), diễn ra từ ngày 23 đến 28-5 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva (Thụy Sĩ).

Theo UNODC, các thách thức đặt ra bởi vấn đề ma túy trên thế giới vẫn tiếp diễn và thay đổi đến mức khống chế các khả năng của cơ quan y tế cũng như hệ thống pháp luật hình sự.

Trên toàn cầu, khoảng 27 triệu người bị rối loạn sử dụng ma túy. Khoảng 13% những người tiêm chích ma túy bị nhiễm HIV. 3/4 dân số thế giới ít hoặc không được tiếp cận các loại thuốc giảm đau được kiểm soát, bao gồm khoảng 5,5 triệu bệnh nhân ung thư và 1 triệu bệnh nhân giai đoạn cuối mỗi năm.

Các chất hướng thần mới tiếp tục sinh sôi nảy nở với tốc độ chưa từng có với hơn 600 chất được báo cáo tại hơn 100 quốc gia, và đã dẫn đến việc tăng lạm dụng, nhập viện khẩn cấp và có những trường hợp tử vong.

Theo UNODC, phiên họp đặc biệt về ma túy của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGASS) năm 2016 vừa qua đã diễn ra tại một thời điểm quan trọng, là cơ hội đánh giá sự tiến bộ cũng như thất bại, đồng thời tìm một giải pháp mới cho cuộc chiến với ma túy.

Thông điệp xuất hiện từ nhiều cuộc thảo luận tại UNGASS, đó là chính sách ma túy toàn cầu phải đặt con người vào vị trí trung tâm.

Đặt con người vào vị trí trung tâm có nghĩa là tái khẳng định các nguyên tắc nền tảng của hệ thống kiểm soát ma túy toàn cầu, và nhấn mạnh đến sức khỏe và phúc lợi của nhân loại - mục đích sáng lập của các công ước ma túy quốc tế. Đó cũng có nghĩa là phương pháp tiếp cận cân bằng dựa trên sức khỏe và nhân quyền, và thúc đẩy sự an toàn và an ninh xã hội.

Những tiến bộ khoa học quan trọng trong các thập kỷ gần đây đã nâng cao sự hiểu biết của chúng ta về sự phụ thuộc vào ma tuý. Các rối loạn sử dụng ma tuý là bệnh có thể phòng ngừa và chữa trị được, và cần có sự chăm sóc như đối với bất kỳ loại bệnh nào khác.

UNODC cũng khẳng định sẽ tiếp tục làm việc cùng với WHO và tất cả các bên liên quan để: đảm bảo tiếp cận với thuốc có kiểm soát để giảm đau và đau khổ; đẩy mạnh phòng ngừa, điều trị, phục hồi chức năng và tái hòa nhập người bị lệ thuộc vào ma túy bằng cách tiếp cận bắt nguồn từ những bằng chứng, khoa học, y tế công cộng và quyền con người; bảo vệ sức khỏe và phúc lợi của nhân loại; và thúc đẩy sự an toàn và an ninh xã hội.

Những thách thức đặt ra bởi các vấn đề ma túy trên thế giới, sẽ tiếp tục phát triển và xuất hiện. Để đối phó với điều này, UNODC cho rằng: "Chúng ta cần có một nền tảng vững chắc - một nền tảng được xây dựng trên cơ sở các khuôn khổ thoả thuận, bao gồm 3 công ước kiểm soát ma tuý quốc tế, dựa trên bằng chứng và nguyên tắc trách nhiệm chung.

Trọng tâm và ưu tiên của chúng ta phải là phương diện con người - trẻ em, phụ nữ và đàn ông bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng và phụ thuộc vào ma tuý, và tất cả các hậu quả về sức khoẻ và xã hội mà các loại ma tuý gây ra".

UNGASS và văn kiện kết quả của nó đã tái khẳng định một cơ sở mạnh mẽ cho hoạt động phối hợp và hợp tác quốc tế, và sự công nhận rằng vấn để thuốc toàn cầu "đòi hỏi một cách tiếp cận tích hợp, đa ngành, bổ sung lẫn nhau, cân bằng, dựa trên cơ sở khoa học và toàn diện".

UNODC mong muốn tiếp tục hợp tác với WHO và các nước thành viên để biến các cam kết UNGASS và các kiến nghị thành hành động, qua đó thúc đẩy một thế giới khỏe mạnh và an toàn hơn.

Nguồn: Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: UNODC ma túy WHO