Con cháu người trong buôn Dưng Iar Giêng đi tuần tra rừng - Ảnh: Mai Vinh |
Họ nghe tiếng ai đó gõ dồn ổ khóa vào cổng sắt. Nhìn ra, họ thấy con trai trưởng buôn Sa đứng thở dốc.
“Đi mau đi, chiều này có tiếng xe máy kéo cả đoàn phía sau lưng buôn, cả chục người đó” - Đơngura Hiệp hối thúc. Cả trạm vội lên đường. Hiệp dẫn mọi người đi theo hướng anh nghi có “lâm tặc” vừa vào. Lúc này chân anh phải đi cà nhắc, tay rách do té trong đêm.
Danh dự người Cil
Chiều hôm đó, Hiệp đi làm ruộng về chuẩn bị lên nhà sàn ăn cơm chiều. Bất ngờ trưởng buôn đến bảo: “Mày chạy về trạm báo động đi. Mày nghe đi, có tiếng xe máy chạy vào đây, tiếng rát lắm”.
Ra đầu hồi lắng tai một hồi, Hiệp xỏ đôi ủng nhựa vọt đi ngay. Muốn đi tới nơi phải mất bốn giờ vừa đi vừa chạy nhưng Hiệp vẫn không chần chừ. Đêm đen kịt, cây đèn đội đầu quá nhỏ để soi rõ lối đi trong rừng. Hiệp kể lại: “Vội quá nên em té mấy lần, may mà không bị lăn xuống vực”.
Nhờ có Hiệp dẫn đường nên rạng sáng lực lượng kiểm lâm trạm Dưng Iar Giêng đã đến được nơi “lâm tặc” hạ trại, nằm giữa một khu rừng có hàng chục cây bạch tùng, du san - toàn những loại cây quý có tên trong Sách đỏ.
Kiểm lâm viên Lê Hoàng Phong bảo những loại cây này phải giữ như giữ vàng. May mà có mặt kịp thời yêu cầu họ giải tán. Cây đó mà ngã xuống thì họ cũng khó mà “thoát án”...
Những câu chuyện người Cil ở buôn Dung Iar Giêng giúp ban quản lý Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà giữ rừng nhiều như những ngày tháng họ đã sống ở vùng lõi của rừng.
Và lần nào sự nhiệt tình cũng không hề giảm đi. Như già Sa nói thì đó là cách họ biết ơn những người đã cho họ được sống trên mảnh đất tổ tiên.
Già Ha Klas bảo rằng chúng tôi ở đây từ lâu đời, cán bộ giữ rừng không dời chúng tôi đi đâu để mình được gần tổ tiên vậy là phúc rồi. Để minh chứng lời mình nói, già Sa đưa chúng tôi ra cánh rừng bọc xung quanh buôn. Rừng trồng xanh ươm.
“Khi chúng tôi tới đây, nguyên cả vạt rừng đó cháy trụi rồi, không biết ai phá nhưng chúng tôi nhận trồng, Nhà nước cho giống” - già Sa kể.
Ông bảo: “Cả buôn toàn những người già đã nói với cán bộ là mình chỉ ở quanh trảng đất bằng này thì chỉ ở đó thôi, không lấn một xà gạc đất rừng. Chúng tôi có chết đi thì lời vẫn truyền lại, con cháu không dám lấn một cây rừng”.
Nhưng đôi khi họ mang nỗi oan. Những cây rừng hạ xuống ở đâu đó trong rừng, nhiều lời đổ vấy cho họ.
“Chúng tôi không hạ cây rừng nhiều như vậy, cây già đổ ngã chúng tôi dùng nhưng không bao giờ chúng tôi tự hạ cây. Tổ tiên chúng tôi giờ hóa thành cây rồi. Sao dám chạm vào cây?” - già Sa nói rồi lấy cây rựa cứa nhẹ lên thân cây, một dòng nhựa đỏ ứa ra.
Ông Ha Clas (67 tuổi) dựng một chòi để canh cháy rừng ngay trên nền đất buôn Dưng Iar Giêng - Ảnh: Hoàng Điệp |
Cho rừng thêm xanh
Ông Nguyễn Lương Minh, giám đốc Trung tâm sinh thái Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, gọi những người ở buôn Dưng Iar Giêng và con cháu họ đang sống tại xã Đạ Nhim là những người giữ rừng chuyên nghiệp. Thi thoảng ông ví von họ là “đội đặc nhiệm” giữ rừng.
Ông Minh bảo vườn có 32 loài động vật, 62 loài thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ nên sức hấp dẫn của rừng với “lâm tặc” không thể đo đếm được.
Già Kơ Sá Ha Thanh bảo ban đầu chỉ những người trong buôn Dưng Iar Giêng nhận làm liên lạc và đi tuần tra rừng cùng cán bộ kiểm lâm.
Nhưng sau này cán bộ cần thêm người để trồng những khoảnh rừng đã mất đi khắp Bidoup - Núi Bà thì con cháu người trong buôn đang sống ngoài Đa Nhim cùng tham gia.
Chúng tôi có mặt trong mùa đốt cỏ để chống cháy lớn. Già Kơ Sá Ha Thanh cùng hai người cháu mình nhận dọn một khoảng rừng hơn 30ha.
Đốt cỏ thì dễ nhưng đốt sao để những cây thông con mới trồng chỉ cao ngang gối không bị chết mới là điều khó. Già Thanh cùng hai cháu trai cuốc lật đất rồi đè những cây thông con xuống bên dưới.
“Lửa cháy cỏ nhưng không cháy được cây thông nhờ lớp đất ẩm phủ bên trên. Lửa cháy qua rồi chúng tôi bới đất để kéo cây thông con ra” - già Thanh kể lại công việc của mình.
Việc này cứ lặp đi lặp lại với chục nghìn cây thông trong nhiều năm liền. Ông vòng tay vỗ vào lưng mình, bảo: “Nâng niu cây thông muốn gãy cái lưng này, chỉ mong mưa xuống tới đâu thông lên tới đó. Chết một cây là uổng công buôn làng”.
Già Thanh là người trồng và giữ được khoảnh rừng thông 40ha đã được 10 năm tuổi.
Già Sơ Ao Ha Klas thuộc từng gốc thông đỏ trong phạm vi 8km đường chim bay. Ông thuộc từng cây bạch tùng, kim giao cổ thụ trong rừng.
Mỗi ngày ông đi đến một đỉnh núi cao, vươn tầm mắt ra xa nhìn tán cây thuộc phạm vi bảo vệ của mình. Có động tĩnh bất thường ông sẽ đi báo kiểm lâm hoặc tới tận nơi xem chuyện gì đang xảy ra.
Già Klas kể có lần đứng từ xa nghe tiếng thậm thình từ khoảnh rừng ông đang trông coi. Ông cắt rừng chạy tới thì thấy một đám lố nhố người đang đốn hạ một cây thông và đang làm khung chuẩn bị hạ bạch tùng.
Nhắm sức mình không thể ngăn được vụ bức tử cây rừng, ông lẳng lặng chạy về hướng trạm kiểm lâm. Đang chạy thì gặp một thanh niên cũng là con cháu người trong buôn đi bằng xe máy.
Ông nhắn thanh niên này chạy xe theo đường mòn và cấp báo cho kiểm lâm. Nhờ đó, vụ phá rừng đã được chặn đứng.
Ông Võ Hồng Dương, trạm trưởng trạm kiểm lâm Dưng Iar Giêng, nhắc lại câu chuyện này. Ông bảo chỉ cần chậm khoảng nửa giờ thì cây bạch tùng quý gần trăm tuổi đã bị đốn hạ.
Những ngày đầu mùa khô cao nguyên, không khó để gặp toàn bộ “đội đặc nhiệm” thân thiết với vườn quốc gia.
Sáng đầu tuần, những thanh niên trai tráng con cháu của người trong buôn tập trung trước trạm kiểm lâm Dưng Iar Giêng để nắm địa điểm tuần tra rừng, trồng rừng. Trên xe đầy đủ rựa phát, cuốc thuổng.
Cứ thế họ đi hàng giờ vào rừng. Đi ngang qua buôn Dưng Iar Giêng, ghé vào nhà người thân mang thêm gạo cho cả tuần rồi cứ thế đi sâu vào rừng.
Có nhóm đi theo con đường mòn dẫn vào khoảnh rừng xanh mướt để kiểm tra, chăm sóc. Có nhóm đi vào khoảnh rừng nhiều phần trơ trụi. Họ ở đó cả tuần rồi đi ra. Vài năm sau, nơi ấy rừng lên xanh.
Ông Lê Văn Hương, giám đốc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, cho biết ban đầu đã có những ý kiến quyết liệt đưa những người buôn Dưng Iar Giêng ra xã. Nhưng sau nhiều thời gian quan sát, họ sống như một thực thể gắn bó với rừng. Họ đã trở thành một phần đặc sắc của vùng lõi vườn quốc gia và chúng tôi tạo điều kiện để họ tiếp tục sinh sống. Có họ khoảnh rừng quanh nơi họ sống xanh tốt. “Họ giữ rừng bằng uy tín của người Cil trọng danh dự” - ông Hương nói. |
_____________
Xem các kỳ trước:
>> Kỳ 1: Kỳ lạ rừng lùn cao nguyên
>> Kỳ 2: Ngôi làng cô đơn
>> Kỳ 3: Luật của người Cil
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận