17/01/2006 06:34 GMT+7

Dưới những lò than: Sống trong làng mỏ

MINH LUẬN  - ĐỖ HỮU LỰC
MINH LUẬN  - ĐỖ HỮU LỰC

TT - Dân số Quảng Ninh có 1,050 triệu người, nhưng chỉ riêng công nhân trực tiếp làm trong ngành khai thác than đá đã lên đến 95.000 người.

RwEXfJ53.jpgPhóng to

Nữ công nhân than đang làm việc tại mỏ lộ thiên Cao Sơn

Còn tính theo tỉ lệ gia đình gắn bó với than đá thì gần 300.000 người. Có gia đình ba bốn đời làm than, có những con người gắn bó cả cuộc đời với hầm lò...

Tôi đi làm thợ mỏ Sướng - khổ “đời than”

“Vợ chui xuống, chồng chui lên...”

Chúng tôi đến làng mỏ Cao Sơn vào một buổi chiều đầu đông, cả làng mỏ vắng lặng đến lạ thường, tuyệt nhiên không một bóng người. Hai bên đường, cửa nhà nào cũng đóng kín bưng, muốn tìm một người để hỏi đường cũng khó khăn.

Anh Nguyễn Khánh Hoàn, cán bộ thi đua Công ty than Cao Sơn, chỉ xuống đất nói như đùa: “Chui vào lòng đất hết rồi, có ai ở nhà đâu, người chưa tới ca thì tranh thủ ngủ lấy sức chờ vào ca mới”.

Làng mỏ Cao Sơn không là cá biệt. Hôm chúng tôi đến làng mỏ Mông Dương, đi từ đầu làng đến cuối làng nhà nào cũng đóng cửa kín mít, chỉ ngoại trừ nhà... mẫu giáo vang tiếng ê a. Ông Lại Văn Tạo, công nhân mỏ than Mông Dương mới nghỉ hưu, cho biết: “Giá như các anh đến sớm hơn một tháng thì vui quá, làng vừa kỷ niệm 20 năm ngày thành lập”.

Cái tên “làng mỏ Mông Dương” là do dân chúng quanh vùng quen gọi, chứ thật ra đây là ba khu phố của thị trấn Mông Dương, với gần 100 gia đình “than” cư ngụ, được gọi “làng mỏ” để dễ phân biệt với những khu dân cư khác trong vùng.

Ông Tạo tự hào vì gia đình mình định cư ở làng mỏ, ngôi làng của những công nhân ưu tú một thời của mỏ than Mông Dương. Người sáng lập làng không ai khác là ông Đoàn Văn Kiển, tổng giám đốc Tập đoàn Than - khoáng sản VN hôm nay.

Ông Tạo nhớ lại: “Khi còn làm lãnh đạo ở đây, ông Kiển thấy anh em ở tập thể khó khăn quá mới đề nghị chính quyền địa phương xét cấp đất định cư cho công nhân. Những người được xét cấp đất đợt đầu toàn là những công nhân có thành tích tốt trong lao động”. Ông cho biết làng mỏ Mông Dương hiện nay mới chỉ có hai thế hệ nhưng hầu hết thế hệ thứ hai như lớp con ông cũng đều tiếp bước cha mẹ vào mỏ.

Tuy ở cùng một làng nhưng cư dân của làng rất ít khi được gặp mặt nhau vì công việc đặc thù của người thợ mỏ. “Muốn gặp mặt đông đủ có chăng chỉ có dịp tết thì may ra...” - ông Tạo nói. Thời còn đi làm, cứ tối vợ chui lên khỏi mặt đất thì chồng lục tục chuẩn bị chui xuống lò. Có khi cả tháng vợ chồng mới được ở gần nhau.

Theo ông Tạo, cái hay của làng mỏ là ít có sự “to tiếng” trong gia đình hoặc các hộ trong làng với nhau. Ông cười sảng khoái: “Tôi chẳng biết ở nơi khác thế nào chứ ở đây yên bình lắm, thời gian luôn eo hẹp chẳng đủ để yêu thương nhau, lấy đâu mà giận nhau”.

Những ngày có mặt ở đây chúng tôi thấy rất nhiều gia đình mà chồng, cha vừa chui lên thì vợ, con đã chui xuống lò. Chồng chưa về đến cửa nhà, vợ đã lên xe vào mỏ. Con cái cũng vậy, đứa anh ở nhà thì thằng em vào mỏ. Mà nếu có ở nhà cùng một thời gian thì ai cũng chuyên tâm vào việc ăn, việc ngủ để có sức đi làm.

Ông Tạo kể cho chúng tôi chuyện nhà mình: hồi ông còn đi làm, anh con trai đầu lòng của ông cũng vào mỏ (hiện là kỹ sư điện mỏ Mông Dương), hai cha con làm trái ca nhau. Tuy ở chung nhà nhưng đến nửa năm sau cha con mới có dịp gặp nhau. Hôm đó ông được mỏ cho về sớm, từ xa nhìn vào nhà tự dưng ông thấy “thằng” nào lạ hoắc đang đứng phơi quần áo giữa sân.

Đến gần ông mới ngỡ ngàng nhận ra: “Cái thằng lạ hoắc đó là cậu quí tử nhà mình, nửa năm trước còn trẻ con lắm, vậy mà lúc gặp lại nó đã cao lớn và còn mọc cả ria mép nữa” - ông cười sảng khoái.

8Mx2tmuT.jpgPhóng to

Gia đình cụ Tý bốn đời làm than ở Quảng Ninh

Nối nghiệp than

Cụ ông Nguyễn Văn Cầm, 74 tuổi ở phường Hà Lâm, kể quê cụ ở Hải Phòng nhà nghèo lắm nên cụ không được học hành. Năm 1955 nạn vỡ đê xảy ra, cả nhà kiệt quệ. Đắp đê xong cụ chuẩn bị vào bộ đội thì nhận được chỉ thị nhà nào nghèo được đưa sang Quảng Ninh làm công nhân khai thác mỏ.

Năm 1956, cụ trở thành công nhân mỏ than Hà Lầm ngay khi Chính phủ ta tiếp quản mỏ này từ thực dân Pháp. Từ một anh dân cày, cụ được đưa thẳng xuống hầm lò. Người ta nói thợ hầm lò nhiều rủi ro nhất vì suốt ngày phải làm việc dưới độ sâu với rất nhiều hiểm nguy khó lường, những ai bị đưa xuống lò cũng đều lo ngại cả nhưng lạ một điều là cụ không thấy sợ.

Cụ nói: “Quê tôi gian khổ, ở nhà đi đắp đê chống lũ, chống lụt, đã từng đối mặt với hiểm nguy và cái chết nên khi xuống lò tôi chẳng thấy sợ hãi gì”. Bạn bè cụ vào đây cũng nhiều nhưng phần không chịu được gian khổ, phần do tác động của công cuộc cải cách ruộng đất nên đã lần lượt bỏ về hết, giờ giật mình ngoảnh lại chỉ còn mỗi mình cụ. Cụ nói so với ngày xưa, bây giờ công nhân mỏ sướng hơn rất nhiều.

Thời cụ mới vào lò làm gì có quần áo bảo hộ như bây giờ, mà có được phát đồ bảo hộ thì thợ mỏ cũng quẳng hết. Toàn là thợ cày đi làm mỏ nên người ta chỉ thích ở trần mặc quần đùi, đầu quấn một cái khăn để đội than.

Với cụ, nghề than để lại không ít kỷ niệm buồn bởi những lần hút chết và bởi “bạn lò” của cụ đã có không ít người phải hi sinh. Giọng cụ trầm buồn: “Tôi không sao quên được cái chết của anh bạn tên Sức. Hôm ấy anh đang cười đùa bên cạnh tôi thì đột nhiên tiếng cười tắt lịm, ngoảnh lại tôi thấy cả núi than đổ xuống vùi anh mất xác. Ít lâu sau đó, hai anh bạn khác cũng bị điện giật chết ngay trong lò, cái chết của họ để lại gánh nặng cho gia đình và vợ con”. Nhưng, cũng chính nghề than đã đưa anh Cầm thợ cày mù chữ trở thành một người có học rồi một cán bộ quản lý có trình độ.

Có người ví nghề than chẳng khác một nghề gia truyền, được truyền từ đời này sang đời khác, lớp ông cha vào lò trước, lớp con cháu cũng vào theo sau. Như bao “gia đình than” khác ở vùng mỏ, gia đình cụ Nguyễn Văn Cầm cũng vậy: năm 1986, cha chưa bước chân ra khỏi nghề thì ba người con đã nối bước vào làm và nay lại đến lượt những đứa cháu.

Không chỉ ở Hà Lầm mà khắp các làng mỏ không ai không biết gia đình cụ Tý, sinh năm 1896, cụ được xem là người thợ mỏ sống lâu nhất ở vùng than, cụ đã sống qua ba thế kỷ ở cái xứ than này với tuổi thọ lên đến 108 tuổi (cụ mất tháng 11-2004).

Cụ Tý theo làn sóng đi phu từ Thái Bình ra Quảng Ninh và được đưa xuống hầm lò làm cu li cho chủ Tây ở mỏ than Hà Lầm. Nụ và Ngảnh, hai cô con gái của cụ Tý, mới lên mười đã biết theo mẹ đi đội than. Bác Nụ năm nay đã hơn 80 tuổi, còn bác Ngảnh cũng đã 76 tuổi. Đến thăm nhà, cả hai bác vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn hơn nhiều so với tuổi của mình.

Kể về quãng đời cực nhọc làm phu mỏ cho Tây, bác Ngảnh nói: “Ngày xưa cực khổ lắm, làm than mà mùa đông không có được hòn than để sưởi. Tôi chỉ mới 12 tuổi cũng phải đi đội than, khủng khiếp lắm, thúng than to đùng vậy mà phải đội đi hết 18 tầng than không được để rơi vãi hòn nào, vì bọn cai xếp hàng theo từng tầng và sẵn sàng quất roi vào người phu. Ngày ấy không tính theo ký và cũng không trả lương, mà chủ Tây lấy thước đo khối than, mỗi thước than được trả một bơ gạo, sau phu chết đói nhiều quá chủ mới tăng lên hai bơ...”.

Đời bà, đời mẹ đói rách với hòn than, nhưng con trai bác Ngảnh vẫn chọn nghiệp thợ mỏ (vừa mới nghỉ hưu) và đứa cháu trai cũng nối gót cha chui vào hầm lò - bốn đời của cụ Tý vẫn bền gan với đời than...

Còn có một thế giới khác, tham lam và tàn nhẫn, dưới những hầm than. Đời thợ mỏ ở đây cũng khác, luôn phải đối mặt với tử thần và sự ngược đãi...

Kỳ sau: Đối mặt “than thổ phỉ”

MINH LUẬN  - ĐỖ HỮU LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên