18/01/2006 06:51 GMT+7

Dưới những lò than: Đối mặt "than thổ phỉ"

MINH LUẬN - ĐỖ HỮU LỰC
MINH LUẬN - ĐỖ HỮU LỰC

TT - Cũng thân phận thợ mỏ, nhưng có một thế giới khác dưới những hầm than mà nơi đó cuộc đời họ luôn đối diện với tử thần, với sự ngược đãi của giới chủ.

uPs6Eyjp.jpgPhóng to

Một lò than “thổ phỉ” đang được khai thác công khai

TT - Cũng thân phận thợ mỏ, nhưng có một thế giới khác dưới những hầm than mà nơi đó cuộc đời họ luôn đối diện với tử thần, với sự ngược đãi của giới chủ.

Đó là những người làm thuê cho các lò “than thổ phỉ”, như cách gọi của người dân vùng mỏ đối với những lò khai thác than trái phép...

Tôi đi làm thợ mỏSướng - khổ “đời than”Sống trong làng mỏ

Than là vàng, còn mạng sống... chẳng là gì

Cứ đi lên bất kỳ một quả đồi nào thuộc khu vực Hà Lầm, Hà Trung, Hồng Hải... đặc biệt là ở hai xã Việt Hưng và Đại Yên đều có thể dễ dàng nhận ra dấu vết của những lò than thổ phỉ vừa bị đánh sập. Ngoài việc khai thác trái phép trên những quả đồi, bãi bồi, than “thổ phỉ” còn ngang nhiên “tấn công” vào vườn tược, nhà cửa.

Theo Công an phường Hà Lầm, chỉ mới mấy tháng trước họ đã phối hợp với Xí nghiệp than Thành Công tổ chức truy quét và đánh sập trên 10 lò than “thổ phỉ”. Còn tính đến cuối năm 2005 đã đánh sập ít nhất 20 lò, mà đa số nằm trong “tư gia”.

Như ông Nguyễn Văn M. ở tổ 1, đào lò ngay giữa căn nhà ngang của gia đình rồi thuê bốn cửu vạn làm việc ngày đêm. Người dân ở gần đấy cho biết với hai lò khai thác thủ công, mỗi ngày ông M. thu hoạch 10 tấn than!

Ông Đinh Đức Thúy, chủ tịch UBND P.Hà Lầm, cho biết: “Thậm chí người ta còn làm than “thổ phỉ” ngay trong nhà tầng. Hôm chúng tôi kiểm tra nhà Đ.P.Đ. ở khu 4 và phát hiện ngay bên trong ngôi nhà một tầng mái bằng này là một lò giếng sâu tới hơn 40m và một lò ngang chạy dài tới 60-70m với công suất khai thác vài chục tấn mỗi ngày. Thật kinh khủng!”.

Chúng tôi tìm gặp C., một chủ lò thổ phỉ đã “rửa tay gác kiếm”, C. nói rất thật: “Ở cái đất mỏ này nếu có gan đi làm than “thổ phỉ” thì lãi không kém... buôn thuốc phiện. Nhiều tay anh chị có những chiêu thức “trói” phu thợ vào những hầm lò sâu hun hút mà không có bất cứ một dụng cụ bảo vệ nào bằng cách ứng trước tiền cho họ với lãi suất cao hay “gài” họ vào ma túy, vì có ma túy vào người họ sẽ liều lĩnh hơn để xuống tới tận cùng những vỉa than mà quên đi nguy hiểm. Bọn chủ nơi đây tàn bạo lắm, than là vàng, còn mạng sống của phu phen chẳng là gì cả...”.

Trong vai đi tìm người em họ làm cửu vạn cho một lò than “thổ phỉ” ở Hà Lầm, tôi được đưa vào xóm Bãi Muối, nơi có những dãy phòng trọ lụp xụp cho thuê với giá bèo, là chốn tá túc của những phu mỏ làm chui cho bọn “thổ phỉ”. Mới 8g tối mà đường Bãi Muối đã vắng ngắt không một bóng người qua lại, thi thoảng lại hiện ra bảng thông báo đầy đe dọa: “Coi chừng bị cướp xe”.

Nghe chúng tôi hỏi thăm đứa em bỏ quê ra làm cửu vạn, Hùng, một cửu vạn, lắc đầu trầm buồn, rít mạnh ống thuốc lào. Quê Hùng ở Phú Thọ, hai vợ chồng son với một đứa con được chia hai sào ruộng, ngày mùa chỉ gặt hái, cày bừa loáng vài buổi đã xong, còn lại là những ngày nông nhàn dài lê thê. Nghe người ta rủ rê về Quảng Ninh làm thợ lò than, ban đầu anh hăm hở lắm, cứ nghĩ than ở ngay dưới đất chỉ móc lên là bán được tiền, có ngờ đâu rơi vào tay bọn “thổ phỉ”.

Hùng kể: “Từ 6g sáng bọn tôi phải có mặt ở “mỏ”, từ đây lên đó đi bộ chừng 2 cây số, nên phải dậy từ 4g nấu cơm. Lò bé tẹo vừa một người chui vào, trần hầm thấp đến mức làm mà không thể ngẩng đầu lên được, cực nhọc như làm việc dưới địa ngục vậy, mà làm quần quật đến trưa chỉ được nghỉ 30 phút cơm nước và tiếp tục đến 6g tối mới cho lên khỏi lò. Lương 1 triệu đồng, to so với quê nhà nhưng ở đây chẳng là gì cả lại phải luôn lo âu không biết khi nào lò sập”.

Cũng theo lời Hùng thì anh còn may mắn là chưa dính vào ma túy: “Nhiều anh em trót nghiện rồi không dám về nhà nữa. Làm được đồng nào là chích hết thôi, đã có hàng chục thợ lò làm than cho “thổ phỉ” bị chết do sập hầm, nổ khí rồi đấy”.

Ấm trà đã nhạt, nhìn đồng hồ đã gần 10g đêm, nghĩ đến buổi lao động nặng nhọc của các cửu vạn ngày mai, tôi đứng dậy cáo từ. Anh Hùng đưa tiễn tôi ra tận cổng khu nhà trọ, giọng thiểu não: “Các bác đừng nói với ai bọn em là cửu vạn than “thổ phỉ” nhé. Chính quyền phường ở đây biết được họ trục xuất chúng em ngay. Mấy người làng em đã bị công an phường chụp ảnh, dán ở ủy ban. Bọn em mà bị trục xuất về quê bây giờ thì chẳng biết lấy gì giúp vợ con đâu!”.

Sáng 6-1-2006 UBND TP Hạ Long đã tổ chức một cuộc họp bất thường nhằm tìm ra những giải pháp trước vấn nạn khai thác than trái phép đang nóng bỏng và nhiều phức tạp như hiện nay.

Đích thân Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tuấn đã đi khảo sát, đánh giá tình hình, mức độ khai thác, vận chuyển tiêu thụ than trái phép và yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Đồng thời yêu cầu làm rõ trách nhiệm của đảng ủy, UBND các địa phương trên.

Vào lò “thổ phỉ”

Sau nhiều ngày dò xét, cuối cùng Ng. cũng đồng ý đưa tôi “đột nhập” vào lò than “thổ phỉ” với một cam kết đừng bao giờ để lộ tung tích, nếu không Ng. chỉ còn cách bỏ quê đi biệt xứ. Anh nói: “Những lò than mà tôi sẽ đưa anh vào đều do mấy tay anh chị có máu mặt cai quản, có đứa nghiện ngập, có đứa thất cơ lỡ vận, tù tội và không nghề nghiệp. Chúng sẵn sàng “thịt” bất cứ ai dám đụng vào miếng cơm manh áo của chúng”. Khoảng 8g sáng, Ng. đèo tôi trên chiếc xe gắn máy chạy về hướng Hà Phong, hướng lên đồi Viện V47.

Đồi Viện V47 là một khu rừng thưa, thuộc phần quản lý của một đơn vị quân đội thuộc Bộ tư lệnh Quân khu 3. Đứng giữa TP Hạ Long nhìn lên có thể thấy màu xanh cây rừng của quả đồi này. Vừa lên đến đỉnh đồi, tôi bắt gặp một cửa lò bỏ hoang xập xệ, trước cửa lò vài cái mủng rách vứt chỏng chơ trên một đống xít.

Ng. nói: “Đây là lò của thằng S. “sứt”, cách đây mười hôm tôi lên vẫn còn thấy nó chỉ huy cửu vạn đội than, chắc là lò kiệt than nên nó bỏ đi nơi khác chứ không phải bị chính quyền đánh sập”.

Đến một ngã ba, đã thấy một lò than “thổ phỉ” vừa mới khui, thoạt nhìn lò này cứ như những địa đạo thọc sâu vào lòng đất. Miệng lò tối om, chỉ đủ một người chui vào, đường xuống lò được đào thành những bậc tam cấp. Tôi tiến về phía cửa lò, bước xuống vài bậc tam cấp, khom người nhìn vào trong.

Tuy không thấy người nhưng tôi nghe từ bên trong vài tiếng động khô khốc phát ra đến rợn người. Đang chăm chú quan sát, bất ngờ một người đàn ông đen như... hòn than từ dưới lò chui lên làm tôi giật thót mình. Thấy tôi, ông ta ném một ánh nhìn dò xét đầy đe dọa, rồi cộc lốc: “Tìm ai?”. Tôi đang lúng túng thì Ng. xuất hiện, nhận ra Ng. ông ta quay sang hỏi: “Thằng kia mày lên đây làm gì, còn thằng này là thằng nào?”.

Ng. liền nhanh nhảu giải thích rằng tôi là em kết nghĩa, đang có hai chiếc xe tải loại 20 tấn chở hàng từ trong miền Nam ra, lần này vào đây định tìm mối “đánh” thử một chuyến than vào miền Nam kiếm lời. Nghe xong ông ta lắc đầu nguây nguẩy: “Lò này đã có chủ mua, tôi đã cầm tiền ứng trước của người ta rồi”. Nói đoạn ông ta tống chúng tôi đi bằng cách mách đường vào các lò của cai Ch. “choắt”, Tiến “lụi”... trên đỉnh đồi.

Chúng tôi tiếp tục đi lên đỉnh đồi. Trên đường từ phía ngược chiều, những chiếc xe tải không mui loại 4 tấn chở than ầm ầm lao xuống. Ng. cho biết đây là loại xe tải nhỏ dùng vận chuyển than từ lò ra bãi, tuy xe có thiết kế 4 tấn nhưng các chủ lò thường chở đến 6-7 tấn. Ng. quả quyết tất cả số than đó đều là than “thổ phỉ” vì khu vực này không có một lò than hợp pháp nào cả.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các chủ lò than “thổ phỉ” đều xuất thân từ con nghiện, lưu manh, côn đồ và đứng sau lưng họ là những đầu nậu, sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư hoặc cho tạm ứng trước để “đặt cọc” nhằm được độc quyền thu mua than.

Ngoài ra, tiếp tay cho các lò than “thổ phỉ” còn có cả một số cảng than tư nhân, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh than ngoài Tập đoàn Than - khoáng sản VN cũng cho cán bộ đi lùng mua than “thổ phỉ” vì giá rẻ. Đáng sợ hơn, tất cả những lò than “thổ phỉ” mà chúng tôi thấy đều được khai thác rất thủ công và tạm bợ, vách lò được chèn chống sơ sài bằng cây rừng.

Mạnh ai nấy đào, có khi lò này mở ngách đụng phải lò kia, hầm này đào ngay trên đầu hầm kia. Hầm đào quá sâu, chia thành nhiều nhánh trong lòng đất thường sinh nhiều khí mêtan (CH4), điều kiện thông hơi kém cộng với khí độc, bụi than khiến lò than “thổ phỉ” chẳng khác gì những cái bẫy chết người.

Có một con số đáng sợ đã được thống kê: “Cứ 1 triệu tấn than thì có 1,82 người bị chết”. Một câu chuyện của thực tế, của những con người đang sống chung với thấp thỏm, lo âu... Đã mang lấy “nghiệp” thợ lò, phải chăng là vậy?

Kỳ cuối: Sinh nghề tử nghiệp

MINH LUẬN - ĐỖ HỮU LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên