10/04/2021 12:04 GMT+7

'Được tiếp thêm động lực sau khi đọc thư của tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn'

THẢO THƯƠNG ghi
THẢO THƯƠNG ghi

TTO - Ngay sau khi đọc bức thư của tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gởi nhà giáo cả nước, nhiều giáo viên cho biết họ như được 'tiếp thêm động lực'.

Được tiếp thêm động lực sau khi đọc thư của tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Gia Định (TP.HCM) chúc mừng giáo viên nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trả lời phóng viên Tuổi Trẻ ngày 8-4, tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nói ông 'mong muốn đời sống người thầy được cải thiện'. 

Hiện giáo viên đang gặp phải những khó khăn gì và đề xuất tháo gỡ những vướng mắc nào?

Cô Phạm Thị Diệu (giáo viên chủ nhiệm lớp 5 Trường tiểu học số 2 thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu):

Giáo viên vùng cao rất khó khăn

Được tiếp thêm động lực sau khi đọc thư của tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn - Ảnh 2.

Không nói nhiều nhưng ai cũng có thể hình dung đời sống giáo viên vùng cao rất khó khăn. Là giáo viên có gần 20 năm công tác ở vùng núi khó khăn, tôi có bốn nguyện vọng mong được tân bộ trưởng giải quyết sớm.

Đó là tăng thêm lương hơn nữa để giáo viên yên tâm công tác; có chính sách đãi ngộ lâu dài cho giáo viên miền núi vì chính sách, chế độ đãi ngộ với giáo viên vùng 135 ở một số vùng sâu đã không còn bởi lên nông thôn mới; giáo viên miền núi ao ước có được một chuyến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng trong suốt những năm tháng gắn bó với nghề. 

Và đặc biệt có chế độ hỗ trợ sách giáo khoa, bút, viết cho học sinh miền xa. Bởi như lớp tôi đang dạy có 40 em nhưng tôi phải đi xin sách cho các em học, như vậy kéo theo thêm một khó khăn nữa cho giáo viên.

Ông Huỳnh Thanh Phú (hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM):

Kỳ vọng chiến lược lâu dài

Được tiếp thêm động lực sau khi đọc thư của tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn - Ảnh 3.

Tôi rất đồng cảm và phấn khởi với những chia sẻ, trăn trở của tân bộ trưởng về mong muốn đời sống giáo viên được nâng lên. Đúng như người xưa có nói "có thực mới vực được đạo". Nhưng để cải thiện đời sống giáo viên cần có sự đồng bộ, đồng tình của nhiều bộ và phải được Quốc hội thông qua. Vấn đề này ở tầm vĩ mô.

Đời sống thầy cô, theo tôi, thể hiện ở ba phần cơ bản sau. Thứ nhất, về mặt tinh thần, làm sao thầy cô có thời gian hữu ích chăm lo chuyên môn hơn là công tác hồ sơ sổ sách. 

Thứ hai, thầy cô rất cần được trang bị kiến thức bổ sung để chuẩn bị cho sự thay đổi sách giáo khoa một cách thực chất, hơn là phải học các chứng chỉ nghề, thăng hạng. 

Thứ ba, thầy cô cũng mong muốn được sống và làm việc bằng chính nghề sư phạm một cách đường hoàng hơn, không phải dạy "chui" hoặc phải mưu sinh bằng nghề bán hàng online, chạy xe ôm công nghệ hay bồi bàn... để rồi chuyên môn ngày càng mai một.

Tôi cũng kỳ vọng lớn vào tầm nhìn chiến lược lâu dài và ổn định của ngành giáo dục trong thời gian tới là đào tạo con người đủ tài, đủ đức để phụng sự cho đất nước. Mục tiêu lớn của ngành giáo dục là làm cho một đứa trẻ phát triển tốt về thể chất, kỹ năng thích nghi tốt, kỹ năng hội nhập hơn là mục tiêu thi cử.

Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Kim Dung (viện trưởng Viện giáo dục khoa học Nam Việt):

Các trường phải tự chủ nhiều hơn

Được tiếp thêm động lực sau khi đọc thư của tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn - Ảnh 4.

Muốn nâng cao đời sống giáo viên, giảng viên thì buộc các trường phải có sự tự chủ nhiều hơn, đặc biệt tự chủ về nhân sự.

Một cách hệ thống và theo quan sát của tôi, giáo viên - đặc biệt là ở TP lớn - phải làm những công việc khác nhau có liên quan đến giáo dục như dạy thêm, làm thêm ở đơn vị khác để hưởng lương khác nhau, vì chỉ công tác trong một đơn vị thì không đủ sống. Tuy nhiên cũng phụ thuộc vào từng dạng giáo viên.

Làm sao để khơi sức giáo viên tập trung cho một đơn vị và lương tăng gấp 2, 3 lần thì mới đảm bảo đời sống được. Các trường công quản lý sử dụng nhân sự dẫn đến việc giáo viên không đủ sống hoàn toàn là có.

Tại các TP nhỏ, các tỉnh, giáo viên không thể sống bằng lương và làm việc khác cũng có. Điều này không những phụ thuộc vào người quản lý mà còn ở chính sách giáo dục địa phương. Vai trò của chính quyền địa phương phải xem giáo dục là ưu tiên hàng đầu. 

Nói gì thì nói, giáo dục vẫn là quốc sách, ưu tiên cho giáo viên vì những vất vả của họ. Quan sát lương giáo viên, một số giáo viên sống bằng nghề rất tốt vì dạy thêm được, ai không dạy thêm được buộc phải sử dụng nghề khác.

Có thể nói chính sách còn nhiều hạn chế và chưa triệt để dành cho giáo viên. Đây là điều mang tính căn cơ của tất cả mọi nguyên nhân. Sống bằng đồng lương là chính sách dành cho giáo dục phải thể hiện ở việc tăng lương và giải pháp quản lý con người một cách hiệu quả nhất.

Nhà giáo nói gì về thư của tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn?

Ngay sau khi đọc bức thư của tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gởi nhà giáo cả nước, nhiều giáo viên cho biết họ như được 'tiếp thêm động lực'.

*Cô Trần Thị Thơm, phó hiệu trưởng Trường THPT Teleman (quận 1, TP.HCM):

Được tiếp thêm động lực

Đọc bức thư, tôi cảm nhận tân bộ trưởng gửi những lời chân thành, vừa động viên, vừa đặt niềm tin vào nhà giáo. Bức thư cho thấy bộ trưởng rất tâm huyết, tình cảm. Nội dung thư chứa đựng cả sự quyết tâm, đồng hành, cho thấy trách nhiệm của tân bộ trưởng. Ông tự đặt trách nhiệm cho bản thân và cho mỗi nhà giáo chúng tôi. 

Ông đưa nhiệm vụ giáo dục trở thành quốc sách, sự nghiệp trọng đại không chỉ của mỗi nhà giáo mà của toàn xã hội, của cả quốc gia, tức là huy động sức mạnh và niềm tin vào mọi thành phần xã hội. 

Điều đặc biệt, trong thời điểm này, giáo dục nói riêng và các ngành nói chung đều có những khoảnh khắc chông chênh, những phút giây trăn trở, nặng lòng, lời cuối trong thư chia sẻ, tâm tình giúp nhà giáo thêm động lực, thêm tình yêu và nhiệt huyết với nghề để từ đó tự thân tôi rèn, tiên phong, chủ động gieo niềm tin cho ngành nghề, cho thế hệ đàn em.

* Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, tổ trưởng tổ văn, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (tỉnh Phú Yên):

Lời tâm sự chân thành 

Đọc thư của tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gửi nhà giáo cả nước, với tư cách là một nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy ở bậc trung học phổ thông, tôi cho rằng bức thư này là một lời tâm sự chân thành, một lời động viên kịp thời mà người đứng đầu ngành giáo dục gửi đến toàn thể giáo viên ngành mình. 

Bức thư của ông  đặc biệt nhấn mạnh vai trò cốt yếu của người thầy trong sự nghiệp xây dựng và phát triển giáo dục, bày tỏ nỗi trăn trở về chất lượng giáo dục cũng như sự tôn nghiêm của nghề giáo. Bên cạnh đó là lời hứa sẽ tận tâm, tận lực với sự nghiệp chung của một tư lệnh ngành. 

Trong thời điểm mà nền giáo dục quốc gia đang bày ra không ít vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận, văn hóa học đường có biểu hiện xuống cấp, sự tôn nghiêm của người thầy đang có nguy cơ sa sút thì bức thư của bộ trưởng đem đến một ý nghĩa lớn, có tác dụng động viên tinh thần sâu sắc đối với nhà giáo cả nước. 

Tôi mong muốn những lời thư ấy rồi đây sẽ được hiện thực hóa một cách sinh động chứ không phải chỉ là những lời nói suông.

*Thầy Trần Văn Tám, phó hiệu trưởng Trường tiểu học An Phú 2 (huyện Củ Chi, TP.HCM):

Khẳng định vai trò người thầy

Đọc thư, tôi thấy ở đây khẳng định vai trò của người thầy hết sức vinh quang nhưng gánh vác trách nhiệm lớn. Người thầy phải biết lấy nguồn cảm hứng từ học trò mà ra sức hoàn thành trách nhiệm trồng người, tận tụy với nghề nghiệp để góp phần chung sự đổi mới của ngành nói riêng và đất nước nói chung. Và điều hiển nhiên khi chất lượng giáo dục đi lên, bệnh thành tích đẩy lùi thì lúc đó xã hội sẽ coi trọng người thầy, uy tín người thầy được nâng cao.


Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên (trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, TP.HCM):

Cả vật chất lẫn tinh thần

ông nguyễn thái vĩnh nguyên (read-only)

Đời sống giáo viên được cải thiện cần được hiểu theo hai nghĩa là cả vật chất lẫn tinh thần. Lao động của nhà giáo là một loại lao động đặc biệt - không chỉ ở trường, ở lớp, trong tiết dạy, mà ngay cả khi về đến nhà.

Người giáo viên còn phải đào sâu suy nghĩ cho những bài dạy tiếp theo để không chỉ đáp ứng được nội dung kiến thức, kỹ năng, giáo dục thái độ cho học sinh mà còn phải thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng lấy học sinh làm trung tâm, chú trọng đến phát triển năng lực và phẩm chất người học.

Đó là chưa kể đến công tác chủ nhiệm với việc quan tâm đến tâm lý, tình cảm, sự phát triển của từng học sinh trong lớp.

Chính vì thế, cần sớm có chính sách tăng hệ số lương cho đội ngũ nhà giáo (kể cả cán bộ quản lý và giáo viên). Về các chính sách hỗ trợ cho giáo viên, TP.HCM đang thực hiện rất tốt (2 nghị quyết hỗ trợ giáo viên mầm non).

Về mặt tinh thần, những tấm gương nhà giáo âm thầm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục cần được các phương tiện truyền thông giới thiệu để hình ảnh của người thầy trong xã hội luôn được tôn trọng ở mức độ cao nhất (tổ chức các giải thưởng như Giải thưởng Võ Trường Toản, giải thưởng nhà giáo trẻ tiêu biểu...).

Khi tinh thần tôn sư trọng đạo được giữ vững, nhà giáo mới thực sự an tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người.


Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gởi thư cho nhà giáo cả nước Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gởi thư cho nhà giáo cả nước

TTO - Ngày 8-4, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn nhận nhiệm vụ làm bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo. Nhân dịp này, người đứng đầu ngành giáo dục gửi thư tới các thầy cô giáo, công chức viên chức, người lao động trong ngành giáo dục.

THẢO THƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên