Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Ảnh do nhân vật cung cấp
Xung quanh câu chuyện khung giờ vàng cho phim truyện Việt Nam trên VTV1 dự kiến sẽ có sự điều chỉnh, Tuổi Trẻ Online có cuộc trao đổi với ông Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC)
Phim chính luận không đảm bảo thành công
* Nếu khung giờ phát sóng phim truyện trên VTV1 thay đổi vào năm 2019 như dự kiến, khán giả màn ảnh nhỏ sẽ không còn được xem phim vào giờ vàng của kênh này từ thứ 2 đến thứ 6. Thay đổi lớn này có phải do VFC, nguồn cung cấp phim chủ yếu cho VTV không đáp ứng đủ phim cả về số và chất lượng không?
- Với kênh VTV1, chúng tôi đang tính đến phương án thay đổi để có thêm nhiều nội dung chính luận hấp dẫn. Thay thế khung giờ phim truyện trên VTV1 bằng một chương trình khác cũng là việc bình thường, vì mỗi năm VTV đều phải điều chỉnh kế hoạch, sẵn sàng thay đổi và làm mới các nội dung nhằm phục vụ khán giả tốt hơn.
VFC là một trong những đơn vị có thế mạnh làm nội dung tốt nên đôi khi, chúng tôi được giao thí điểm sản xuất và phát sóng ở những khung giờ mới để tạo được một lượng khán giả mới. Ví dụ như trước đây, chương trình Văn nghệ chủ nhật được thí điểm phát lúc 14h chủ nhật, Gặp nhau cuối tuần phát sóng lúc 10h thứ 7, gần đây nhất là show thực tế Bố ơi, mình đi đâu thế? thí điểm phát khung giờ 12h thứ 7.
* Vậy kế hoạch sản xuất của VFC thời gian tới có sự điều chỉnh về quy mô, đề tài, thể loại như thế nào?
- VFC vẫn giữ nguyên và có thể một khung giờ phim truyện Việt Nam mới trên VTV1 sẽ thay cho khung giờ phim nước ngoài. Đây cũng là một thách thức mới để VFC tiếp tục nỗ lực tạo nên những bộ phim chất lượng.
Các bộ phim truyện truyền hình trên VTV1 từ trước tới nay vẫn ưu tiên về đề tài chính luận, gia đình, tâm lý xã hội… Dự định khung giờ mới dành cho phim Việt sẽ vào 13h thứ 7, chủ nhật trên VTV1, nên chúng tôi cần khảo sát kỹ về khán giả, hiểu được nhu cầu của người xem để từ đó lựa chọn đề tài, nội dung phù hợp.
* VFC từng được đánh giá là thương hiệu của thể loại phim chính luận, đề cập đến các đề tài có tính thời cuộc, gai góc, góp phần định hướng thị hiếu của khán giả màn ảnh nhỏ. Nhưng có ý kiến cho rằng phim "thương hiệu" của VFC đang mai một. Ông có suy nghĩ gì về nhận xét này?
- Tôi không nghĩ như vậy. Trong thời đại số, thời đại mà khán giả có quá nhiều sự lựa chọn và ngay ở VTV, có rất nhiều chương trình hấp dẫn từ tin tức, phóng sự đến giải trí…; việc làm phim không thể như cũ. Trong một ngày, rất nhiều tin tức, vấn đề thời sự được truyền hình, báo mạng liên tục cập nhật, khán giả đòi hỏi những người làm truyền thông phải đem đến những cách làm mới, cập nhật chuyên sâu hơn và có tính tin cậy cao. Một bộ phim chính luận không thể thành công nếu chỉ coi đề tài là yếu tố duy nhất.
VFC không từ bỏ dòng phim chính luận nhưng để thu hút khán giả, phải có cách làm khác, thậm chí phải đầu tư kỹ lưỡng về nội dung, hình thức thể hiện, đội ngũ sáng tác phải có những đòi hỏi nhất định về sự trải nghiệm và nắm bắt vấn đề xã hội.
Gần đây nhất, VFC có phim Thương nhớ ở ai được khán giả yêu thích và đạt giải Cánh diều Vàng 2018. Đây là một dạng phim chính luận mà chúng tôi có cách làm mới. Đề tài nông thôn, câu chuyện về thời quá khứ đầy xót xa nhưng lại được kể bằng phương pháp làm phim hiện đại, ứng dụng công nghệ hình ảnh đồ họa.
Trailer Thương nhớ ở ai
Phim Chiều ngang qua phố cũ đoạt giải tại LHP quốc tế Tokyo - Ảnh: VFC
Hoặc phim Chiều ngang qua phố cũ, cũng là đề tài chính luận, chạm đến vấn đề nóng hổi là đạo đức gia đình đang có nguy cơ bị phá vỡ trong bối cảnh nền kinh tế thị trường. Phim được giải tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo vì ngoài đề tài, câu chuyện mang tính xã hội cao, cách thể hiện bộ phim đã đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả.
* VFC có dự định gì để đầu tư tiếp tục cho mảng phim chính luận, hay chuyển hướng phát triển thương hiệu bằng các thể loại khác?
- Thời gian tới VFC sẽ có một vài bộ phim ở thể loại này. Hiện tại chúng tôi đang trong giai đoạn hoàn thiện kịch bản với câu chuyện về chống tham nhũng, nhóm lợi ích quan chức - doanh nghiệp. Kịch bản do nhà văn Phạm Ngọc Tiến viết và đã mất gần 3 năm để hoàn thiện. Với sự đầu tư kỹ lưỡng cho kịch bản và cách làm phim mới, hy vọng bộ phim sẽ hấp dẫn người xem. Ngoài ra, thương hiệu VFC sẽ phải tiếp tục được thể hiện ở nhiều bộ phim chất lượng khác.
Chỉ sản phẩm chất lượng mới đủ sức cạnh tranh
Phim Quỳnh búp bê dành được nhiều sự quan tâm theo dõi của khán giả màn ảnh nhỏ - Ảnh: VFC
* Ngoài mảng phim truyền hình, VFC cũng ghi dấu ấn với khán giả màn ảnh nhỏ về một số chương trình như "Gặp nhau cuối năm" (Táo quân), "Bố ơi mình đi đâu thế?"... Việc mở rộng đầu tư cho các chương trình như thế này có phải là hướng đi nhằm thay thế cho mảng phim truyền hình bị cho rằng đang sụt giảm rating không?
- Rating của phim truyền hình không sụt giảm, thậm chí còn tăng trong vài năm trở lại đây, khi nhiều phim chất lượng dành được sự quan tâm theo dõi của khán giả. VFC đã liên tục có những bộ phim ấn tượng, giữ rating ở vị trí số 1 trong bảng xếp hạng các chương trình truyền hình như Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Thương nhớ ở ai, Quỳnh búp bê…
Trailer Quỳnh Búp bê
Như vậy có thể thấy, khi tự tin đầu tư vào nội dung kịch bản, đổi mới cách làm phim theo nhu cầu của khán giả thì phim Việt vẫn là một trong những thể loại chương trình truyền hình được khán giả yêu thích.
Việc chúng tôi thực hiện thêm những chương trình khác như Gặp nhau cuối năm (Táo quân), show nghệ thuật VTV new year concert, Gala Cười… là một phần công việc của đội ngũ sáng tác ở VFC, bên cạnh mảng việc quan trọng nhất là sản xuất phim truyền hình.
* Là một nhà quản lý am hiểu về vấn đề sản xuất phim truyền hình, ông nhận xét như thế nào về chất lượng phim truyền hình nói chung hiện nay?
- Chất lượng phim truyền hình hiện nay đang được nâng cao, hơn bởi lẽ khán giả ngày càng đòi hỏi chất lượng, mong muốn được xem những sản phẩm tốt, thậm chí phải tương xứng với chất lượng phim truyền hình của các nước khác như Hàn Quốc, Trung Quốc.
Với xu hướng xem nội dung qua Internet và sự xuất hiện của nhiều trang phim online cung cấp số lượng lớn các phim nước ngoài, đội ngũ nhà sản xuất phim trong nước buộc phải đổi mới công nghệ làm phim, đầu tư mạnh hơn cho các khâu sản xuất và đặc biệt là chất lượng nội dung kịch bản, diễn viên…
Ở một khía cạnh nào đó, tuy phim Việt không có lợi thế cạnh tranh về quy mô đầu tư, kinh phí sản xuất so với phim nước ngoài, nhưng lại có thế mạnh riêng ở mảng nội dung khai thác vấn đề mang tính bản sắc văn hóa Việt, thể hiện được tâm tư tình cảm con người Việt. Đó chính là điểm mà chúng tôi phải biết cách khai thác, thu hút khán giả theo dõi và từ đó làm nên thành công riêng cho dòng phim truyền hình Việt.
Đỗ Thanh Hải
* Hiện tại ngoài VFC, nhiều đơn vị sản xuất phim truyền hình khác đang lụi dần và ngưng hẳn. Theo ông nguyên nhân xuất phát từ đâu?
- Khi chủ trương xã hội hóa được thực hiện, nhiều đơn vị sản xuất đã tham gia hợp tác với các đài truyền hình. Và thực tế cho thấy, chỉ những đơn vị nào dám đầu tư mạnh cho chất lượng, tạo nên sự thu hút khán giả từ chính tính hấp dẫn của chương trình mới duy trì lâu dài trên thị trường sản xuất.
Việc chạy theo những xu hướng bề nổi, lấy các yếu tố "lạ, bất thường" để thu hút khán giả cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Khán giả của chúng ta đang thay đổi, ngày càng có thẩm mỹ và mong muốn được xem nội dung hay, đó chính là tiêu chí quan trọng để các đơn vị sản xuất tồn tại. Chỉ có những sản phẩm chất lượng mới đủ sức cạnh tranh để tồn tại lâu dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận