26/11/2018 18:59 GMT+7

Phim Việt trượt khỏi 'giờ vàng': Yếu thế với những show giải trí khác

HÀ AN - NGỌC DIỆP -  HOÀNG LÊ
HÀ AN - NGỌC DIỆP - HOÀNG LÊ

TTO - Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, năm 2019 Đài truyền hình Việt Nam dự kiến điều chỉnh khung giờ phim Việt trên kênh VTV1, mỗi tập phim tối đa 30 phút (kể cả quảng cáo)...

Phim Việt trượt khỏi giờ vàng: Yếu thế với những show giải trí khác - Ảnh 1.

Phim truyền hình đang chủ yếu khai thác chuyện yêu đương, mâu thuẫn gia đình, hình sự đuổi bắt, rất thiếu đề tài xã hội sâu sắc. Ví như chuyện đô thị hóa, đời sống nông thôn, đời sống công nhân ở các khu công nghiệp, vấn đề làm ăn kinh tế, khoa học kỹ thuật 4.0... nhiều lắm nhưng không ai đụng đến. Bởi những đề tài này rất khó làm, lực lượng làm phim trẻ ít người làm được. Đôi khi làm khó được duyệt nên không phải nhà sản xuất nào cũng mặn mà. Ngay cả với VTV vốn có thế mạnh làm phim chính luận.

Đạo diễn NGUYỄN HỮU PHẦN

Các phim sẽ được phát từ thứ hai đến thứ sáu, thay cho khung giờ hiện tại là 45 phút/tập, phát 4 tối trong tuần.

Mặc dù VTV vẫn dành sóng "giờ vàng" trên kênh VTV3 từ thứ hai đến thứ năm và phim Việt còn phát trên các kênh khác của đài quốc gia như VTV5, VTV6 (dành cho người Việt xa xứ và giới trẻ), nhưng nếu phương án điều chỉnh khung phim "giờ vàng" trên VTV1 chính thức áp dụng có thể ảnh hưởng không nhỏ đến thời lượng phát sóng phim Việt trên khung "giờ vàng" của Đài truyền hình quốc gia.

Phim Việt trượt khỏi giờ vàng: Yếu thế với những show giải trí khác - Ảnh 3.

Cả một đời ân oán - một trong những bộ phim truyền hình Việt thu hút người xem

Cân bằng tính chính luận và nhu cầu giải trí

13 năm trước, HTV là đài truyền hình đầu tiên mở ra "giờ vàng" cho phim Việt. Nhưng phải đến khi tỉ lệ phim Việt phát sóng "giờ vàng" được quy định cụ thể: 30% thời lượng phim Việt phải phát sóng ở khung giờ từ 20h-22h/ngày, ngoài ra còn có thể phát ở các khung giờ khác, thì các đài truyền hình khác như VTV1, VTV3, VTV9, THVL, BTV... mới lần lượt xây dựng khung "giờ vàng" và 100% phim Việt được dành phát sóng ở khung giờ này.

Có những năm VTV, HTV vượt mức 30% thời lượng phát sóng phim Việt do có thế mạnh về nguồn phim và thu hút quảng cáo.

Ngoài nguồn phim do Trung tâm sản xuất phim truyền hình VN (VFC) cung cấp thì nguồn phim xã hội hóa (của các đơn vị sản xuất khác) rất lớn.

Sống chung với mẹ chồng - một phim truyền hình có nhiều phản hồi trái chiều

Cũng từ những năm 2010, một sự phân khúc rõ nét hơn trên đài quốc gia khi VTV1 chủ yếu phát sóng các phim truyền hình VN thể loại chính luận hoặc tâm lý xã hội nhưng đề cập đến những đề tài có tính thời sự, trong khi VTV3, VTV6 được định hướng phát sóng phim mang tính giải trí cao hơn, phục vụ giới trẻ.

Cũng vì thế, tại VFC, trong các kế hoạch sản xuất hằng năm luôn coi phim trên VTV1 nghiêng về nhiệm vụ, còn các kênh khác nghiêng về doanh thu.

Nhưng không có nghĩa phim trên VTV1 là phim "cúng cụ" khô cứng, có một thời "thương hiệu" của VFC lại là các phim trên VTV1, đặc biệt phim chính luận. Theo một đạo diễn lâu năm, đã có những dự án phim được xác định làm sẽ lỗ và phải bù lỗ bằng phần lãi của dòng phim giải trí nhưng vẫn phải làm để giữ thương hiệu, để đạt mục tiêu.

Phim Việt trượt khỏi giờ vàng: Yếu thế với những show giải trí khác - Ảnh 5.

Người phán xử - một phim truyền hình Việt khá 'khốc liệt' được người xem yêu thích

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, phim phù hợp với khung "giờ vàng" trên VTV1 ngày càng khan hiếm, nhất là phim thật sự có chất lượng, để lại dấu ấn về nghệ thuật cũng như thông điệp mang tầm ảnh hưởng đến các lĩnh vực đời sống.

Những phim thu hút sự quan tâm của khán giả và có doanh thu cao của VFC thời gian qua chủ yếu là phim Việt hóa từ kịch bản nước ngoài, như Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Cả một đời ân oán, Tuổi thanh xuân; hoặc một số phim hài nhẹ nhàng, hướng vào đề tài tình yêu tuổi trẻ hoặc đề tài nhạy cảm gây sự tò mò như Zippo, mù tạt và em, Ghét thì yêu thôi, Quỳnh búp bê

Các phim thể loại này chỉ đủ sức "bao sân VTV3" mà khó có thể lấp đầy khoảng trống trên VTV1. Chưa kể những bộ phim thuộc nguồn xã hội hóa đã nằm trong kho từ ba đến năm năm như Ngự lâm không kiếm, Đánh tráo số phận, Hạnh phúc không ở cuối con đường, Hoa cỏ may (phần 3)… tới khi được lên sóng đã lạc hậu khá nhiều so với đời sống, khó có thể đạt được rating tốt.

Trailer tập 7 phim Quỳnh Búp bê

Sức ép cạnh tranh

Trong khi chất lượng phim truyền hình có nhiều bất ổn thì ở nhiều nhà đài, các chương trình giải trí, các game show lại thu hút khán giả.

Thống kê của Vietnam-Tam, top 10 chương trình thu hút khán giả của quý 1 và quý 2-2018, dẫn đầu ở Hà Nội là talk show Bữa trưa vui vẻ, chương trình thể thao FIFA World Cup và các game show như Solo cùng bolero, Người kể chuyện tình, Tuyệt đỉnh song ca, Cười xuyên Việt, Tiếu lâm tứ trụ rất ăn khách.

Chung kết xếp hạng Solo cùng Bolero 2017: Mạnh Nguyên - Mùa mưa đi qua

Ngoài chất lượng phim, việc thu hút quảng cáo trong "giờ vàng" phim Việt cũng gặp khá nhiều... vất vả! Như bộ phim Trả em kiếp này phát sóng lúc 22h ngày 3-11 trên HTV9 chỉ vỏn vẹn có 3 spot quảng cáo.

Bà Trường Sơn, trưởng ban khai thác Đài truyền hình HTV, cũng thừa nhận sự khó khăn trong việc tìm quảng cáo cho giờ phim 22h trên HTV9 đã diễn ra trong thời gian khá lâu. HTV đang suy tính nhiều biện pháp để vực dậy giờ phát sóng phim Việt này.

Còn trên VTV, bộ phim xã hội hóa Trang trại hoa hồng dù được người trong nghề đánh giá tốt về nội dung nhưng không thu hút được nhiều khán giả như mong đợi. Tập phim phát sóng ngày 5-11 chỉ thu về 8 spot quảng cáo.

Phim Hạnh phúc không ở cuối con đường chỉ thu về 7 spot quảng cáo trong ngày 8-11.

Dù các phim "gây bão" trên VTV3 như Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Quỳnh búp bê có lượng rating cao và giá quảng cáo tăng vọt trở thành "của hiếm" của nhà đài - xét ở góc độ kinh tế, nhưng nhìn trên bình diện chung của cả nhà đài thì phim Việt đang yếu thế so với các chương trình giải trí khác.

Phim Việt trượt khỏi giờ vàng: Yếu thế với những show giải trí khác - Ảnh 8.

Hạnh phúc không ở cuối con đường được chiếu thay Quỳnh búp bê - phim bị cho là có nhiều yếu tố lạc hậu so với thời cuộc

Phim Việt đang thoái lui

Chưa cần đến năm 2019 khi VTV1 dự kiến "điều chỉnh khung giờ phát sóng phim Việt trên giờ vàng", hàng loạt những giờ phim Việt mới đã và đang bị "biến mất" trên các kênh. Hơn 2 năm nay, giờ phim Việt lúc 20h trên HTV7 phát sóng thể loại phim sitcom, phim ngắn có kịch bản từ nước ngoài.

Buồn hơn, giờ phim 18h trên HTV9 phát sóng các phim của Hãng phim TFS giờ nhường sân cho phim nước ngoài.

Giờ phim Việt 13h trên HTV7 sau khi chuyển sang phát sóng phim sitcom Việt một thời gian nay cũng phát phim nước ngoài. Trước đây SCTV14 có đến hai khung giờ phim mới là 18h45 và 20h45, nay hai giờ này phát chủ yếu là phim cũ, thi thoảng mới có phim mới xen vào.

Hiện nay dải "giờ vàng" cho phim Việt trên kênh VTV1 kéo dài từ 20h45 đến 21h35 các ngày từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Nhưng rất có thể năm 2019, phim Việt trên VTV1 sẽ giảm mạnh.

Phim Việt trượt khỏi giờ vàng: Yếu thế với những show giải trí khác - Ảnh 9.

Phim Quỳnh búp bê 6 tập đầu phát sóng trên VTV1, sau đó chuyển sang phát ở khung giờ muộn hơn trên VTV3 - Ảnh: ĐPCC

Thay đổi này có thể là một hướng đi nhằm tạo nên diện mạo mới cho kênh VTV1 của đài quốc gia, nhưng cũng có thể nó bắt nguồn từ những biến động về chất lượng, sức hút của phim truyền hình Việt khiến cho phim Việt mất vị thế.

Dù nguyên nhân nào thì một thực tế không thể phủ nhận là phim Việt lại loay hoay tìm lối đi, trong khi chất lượng nghệ thuật, tính tác động xã hội và bài toán kinh tế đôi khi không có chung đường.

Một thời... rực rỡ

huong phu sa

Phim Hương phù sa gây ấn tượng sâu đậm với khán giả - Ảnh: ĐPCC

Điểm lại các phim "giờ vàng" từng chiếm lĩnh trái tim khán giả màn ảnh nhỏ như Tuyết nhiệt đới (2006), Hương phù sa (2006), Gọi giấc mơ về (2007), Âm tính (2010), Dù gió có thổi (2009), Cá Rô, em yêu anh (2010), Dưới cờ đại nghĩa (2006), Vó ngựa trời Nam (2010)… của Đài HTV; hay Bỗng dưng muốn khóc (2008), Cô gái xấu xí (2008), Bí mật tam giác vàng (2013), Bản di chúc cuối cùng (2013) phát sóng trên VTV từng tạo tiếng vang lớn. Thậm chí, Những đứa con biệt động Sài Gòn phần 1 sau khi phát sóng trên THVL được VTV mua lại phát sóng vẫn "hot".

Ở thể chính luận, nhìn lại hơn một thập kỷ qua, sau phim Chạy án 2 (năm 2008) và loạt phim Cảnh sát hình sự, những phim ít nhiều để lại dấu ấn là Gió làng Kình (2008), Bí thư tỉnh ủy (2010), Chủ tịch tỉnh (2011), Đàn trời (2013), Khi đàn chim trở về (2015), Lựa chọn cuối cùng (2016), Chiều ngang qua phố cũ (2017).

Nhưng so với số lượng phim truyền hình bùng nổ hơn một thập kỷ qua thì phim chính luận - đặc sản của VTV1 - lại đang ít dần. Năm 2017-2018, ngoài phim Chiều ngang qua phố cũ được đánh giá cao và đoạt giải phim nước ngoài hay nhất ở liên hoan phim truyền hình quốc tế Tokyo thì những phim được xếp vào "tiêu chí" phát sóng VTV1 không có phim nào ấn tượng.

Phim truyền hình "made in VN" èo uột, xu hướng Việt hóa tăng Phim truyền hình 'made in VN' èo uột, xu hướng Việt hóa tăng

TTO - Các đoàn phim truyền hình đang tiếp tục sản xuất những bộ phim mới, cho dù năm nay được dự báo lại là một năm khó của phim truyền hình.

HÀ AN - NGỌC DIỆP - HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên